Niềm tin
Ông Nguyễn Tài Phương (thứ hai từ trái sang) cùng vợ và các con.

Một ngày trong năm 1988, khi Việt Nam đang trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn, Nguyễn Tài Phương quyết định trở về quê hương. Chuyến trở về sau 9 năm, ông phải sang nước láng giềng Ca-na-đa xin thị thực, qua Hồng Kông, vòng về Thái Lan rồi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Bước xuống sân bay, ông bùi ngùi khi nhìn thấy chiếc lốp máy bay cũ, mòn cả lớp ta-lông mà chắc chưa có lốp mới để thay. Chứng kiến cảnh ồn ã tiếng gọi của những nhân viên trong sân bay và những người thân đón tìm nhau khi không có bộ đàm, không điện thoại di động, âm thầm trong ông một quyết tâm góp sức.

Đến nay, ông bảo, Việt Nam khác xưa nhiều lắm. Năm 2010, tổ chức thành công Hội nghị APEC, các nguyên thủ quốc gia tham dự đông đủ, thế giới ngưỡng mộ, bà con trong và ngoài nước tự hào. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, nâng tầm, minh chứng cho chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Việt Nam thành công trong công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân, đại đoàn kết dân tộc. Đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội, mặt trận, các địa phương đều có hoạt động đối ngoại con thoi. Lãnh đạo các đoàn dành thời gian gặp gỡ, trao đổi với bà con, giới thiệu chính sách trong nước, thành quả phát triển kinh tế - xã hội, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để có chính sách phù hợp với điều kiện của bà con ở nước ngoài. Các cuộc tiếp xúc đã để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc, bà con cảm thấy ấm áp, gần gũi, chân tình.

Những dự án nghĩa tình

Nguyễn Tài Phương nói vô cùng cảm ơn cuộc sống này, cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã dang rộng vòng tay đón gia đình ông trở về sau nhiều năm xa đất nước. Ông luôn nhớ cảm giác ở sân bay Tân Sơn Nhất khi lần đầu tiên trở về, thấy nghẹn ngào mến thương đất nước, quê hương, bà con mình. Cảm xúc đầu tiên ấy đã thôi thúc nảy ra ý nghĩ đầu tư nhập thiết bị mạng thông tin liên lạc nội bộ, chí ít là cho các sân bay, cửa khẩu để anh em liên lạc, kết nối công việc thuận lợi, hiệu quả. Không chỉ trong lĩnh vực này, nhiều kế hoạch đã được xây dựng, thực hiện, đem lại kết quả thiết thực trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Dự án xây dựng Làng Việt kiều quốc tế tại TP. Hải Phòng là một trong hai dự án quy mô lớn vừa được cấp giấy phép đầu năm 2010, có tổng số vốn đầu tư ban đầu 20 triệu USD. Đây là số tiền được huy động từ bà con Việt kiều khắp thế giới. Để dự án có thể triển khai, ông là một trong số những người ra sức đôn đáo đốc thúc. Ông cho biết, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành từ năm 2004 và đã được triển khai khá tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cụ thể ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, một số nhà đầu tư ban đầu trong dự án Làng Việt kiều quốc tế TP. Hải Phòng đã rút vốn. Không nản lòng, ông kiên trì thuyết phục bà con và các cấp chính quyền. Cuối cùng, dự án đã chính thức được khởi công. Đó là một minh chứng cho niềm tin của kiều bào, là lực hút bà con về quê sinh sống và đầu tư. Ông cho biết, dự án Làng Việt kiều quốc tế là một trong những cầu nối để bà con gắn bó với quê hương. Theo ông, hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ thuần tuý dưới góc độ kinh tế. Nhưng với dự án Làng Việt kiều, không chỉ có góc độ kinh tế mà còn là nghĩa tình gắn bó với quê hương, đồng thời tạo điều kiện, cầu nối để bà con ta trở về đất nước.

“Của chồng, công vợ”, công việc kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội của ông đạt được thành công đều có sự hỗ trợ từ người vợ. Bà Nguyễn Thị Dung tâm sự: “Là người phụ nữ trong gia đình, khi thấy chồng tận tâm với quê hương, tôi rất vui và giúp chồng từ việc chăm sóc gia đình, con cái đến đối nội, đối ngoại. Khi có dự án Làng Việt kiều, tôi rất ủng hộ bởi đây là một cầu nối đưa bà con về Việt Nam ngày một nhiều hơn.” Nhận thức tầm quan trọng của giáo dục nghề cho thanh niên, năm 2000, ông đã góp cổ phần cho dự án Trường cao đẳng nghề Duyên Hải tại Hải Phòng. Dự án đầu tư này đã được triển khai từ năm 2000 góp phần nâng tay nghề cho lớp trẻ. “Nếu không có một nền giáo dục tốt, thì năng lực đóng góp của các thế hệ sau sẽ hạn chế”, ông nói.

Chăm sóc thế hệ tương lai

Ít ai biết ông bà Tài Phương là người khởi xướng Trại hè Thanh thiếu niên Việt kiều đầu tiên ở Việt Nam. Từ trại hè đầu tiên năm 2004, đã có hàng trăm lượt thanh niên, thiếu niên Việt kiều - thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba trở về quê hương.

Ông bồi hồi nhớ lại: Ý tưởng dự án này chúng tôi có từ năm 1990. Tôi nghĩ tuổi trẻ là tương lai đất nước. Thế hệ chúng tôi phải lo ổn định cuộc sống, tạo cơ sở nên đóng góp về khoa học - kỹ thuật, kinh tế không nhiều. Tương lai thuộc về thế hệ sau. Con cháu chúng ta có cơ hội học hành, tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến lại có tiềm năng tài chính sẽ đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực. Vấn đề là tạo chất kết dính với các cháu. Tôi gợi ý với một số cơ quan ở trong nước xây dựng một chương trình trại hè, tranh thủ trong các kỳ nghỉ hè 2-3 tháng để các cháu về nước. Các cháu học giỏi, có tình cảm với quê hương, ở lứa tuổi 16-25 đang học trung học phổ thông, đại học, hoặc vừa xong đại học được các cơ quan ngoại giao lựa chọn để tham dự trại hè. Khi được về với quê hương, các cháu có những tình cảm rất sâu sắc trong thời gian sống, sinh hoạt và tìm hiểu về quê hương, đất nước, cội nguồn của mình. Không có cách giáo dục nào tốt hơn thực tiễn. Mỗi kỳ nghỉ hè có khoảng 100 cháu tham dự. Nhưng một truyền mười, mười truyền trăm, tình cảm, hiểu biết về đất nước sẽ lan rộng. Với sự vào cuộc tích cực của ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2004 bắt đầu có trại hè đầu tiên. Lúc đầu nhiều bố mẹ không yên tâm cho con mình về Việt Nam, bà Dung đứng ra bảo lãnh. 2 con gái ông bà cũng tham dự trại hè ngay năm đầu tiên. Khi các cháu đi dự trại hè về, ông bà tổ chức cuộc thi nhỏ với nội dung viết cảm nhận về Việt Nam. Những dòng suy nghĩ thật cảm động. Đến nay trại hè được duy trì hằng năm.

Ông nhấn mạnh, để thế hệ trẻ gắn kết với đất nước, một việc cần là tạo điều kiện cho các cháu học tiếng Việt bởi đây là một nền tảng văn hoá để con cháu gắn bó với quê hương. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Đảng và Chính phủ nên có chính sách tích cực hơn nữa đầu tư, khuyến khích việc này.

Còn đó những trăn trở

Ông khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hưởng ứng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuyệt đại đa số bà con đánh giá cao kết quả công cuộc đổi mới, tự hào khi thấy Việt Nam có chỗ đứng ngang bằng các nước, vững chắc trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở do kinh tế phát triển chưa bền vững, không ít tập đoàn kinh tế nhà nước làm thất thoát lớn tài chính quốc gia.

Ông chia sẻ: Thông tin phát triển rộng rãi, bà con Việt kiều theo dõi sát sao những kỳ họp Quốc hội, những kỳ Đại hội Đảng và nhận thấy Đảng, Chính phủ đang muốn cải cách hơn nữa để đất nước phát triển bền vững hơn. Bà con hy vọng những giải pháp được thực hiện nghiêm túc, nói đi đôi với làm, có sự giám sát, phản biện xã hội. Được như thế sẽ tạo niềm tin vững chắc hơn, bà con yên tâm góp sức cho đất nước.

Nhằm phát huy cao độ và tính bền vững lâu dài tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng kiều bào ta ở hải ngoại, ông đề xuất nên có đại diện mặt trận Tổ quốc thường trú tại hải ngoại để vận động người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết xây dựng quê hương. Đây sẽ là một đột phá trong xây dựng chính sách đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam cần đi sâu hơn về giáo dục và đào tạo. Phải đào tạo lực lượng lãnh đạo một cách có hệ thống. Đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa thật thành công, còn một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các bộ, ngành, địa phương trình độ chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhiều khi làm sai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông kiến nghị Nhà nước cần đổi mới tích cực, nhanh hơn các chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Cách cư xử của đội ngũ cán bộ công quyền cơ sở trong giao đãi với các nhà đầu tư người Việt cần thân thiện và tạo điều kiện hơn là đòi hỏi. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là một bước ngoặt lớn trong chủ trương, chính sách đối với bà con người Việt ở nước ngoài, nhưng khi triển khai cụ thể thì phải thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều khi chính cán bộ ở địa phương có thể do chưa hiểu chính sách nên trở thành rào cản, thậm chí có lúc làm nản lòng bà con. Khi một người bị khó khăn thì rất nhiều người trở nên e dè.

Ông kiến nghị đối với giới doanh nhân người Việt, Chính phủ nên tạo điều kiện về cơ chế chính sách để họ đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế đã minh chứng, người Việt dù sống ở đâu cũng đều hướng về quê hương đất nước, tiền của người Việt đầu tư sẽ trở lại đất nước còn những nhà đầu tư nước ngoài thì mang lãi về nước họ...

Theo ông, điều quan trọng nhất trong tình hình hiện nay là niềm tin. Giờ đây đang tồn tại một hiện tượng bất hợp lý: Khi các nhà đầu tư nước ngoài ký kết một hợp đồng họ được đại diện đại sứ quán bảo lãnh về pháp lý. Vì thế các nhà đầu tư an tâm trong quá trình làm ăn. Còn bà con ta, những dự án có thể nhiều tiền hơn nhưng chưa có cơ chế bảo lãnh. Nhà đầu tư người Việt thật khó an tâm trước những rủi ro. Theo ông Nguyễn Tài Phương, làm ăn ở đâu cũng vậy, có niềm tin là có tất cả. Những doanh nhân như vợ chồng Nguyễn Tài Phương - Nguyễn Thị Dung với bấy nhiêu năm gắn bó với đất nước, bao cấp đã từng, đổi mới đã trải, sự hiểu biết và cảm thông đã trở thành máu thịt. Nhưng với những thế hệ con cháu thứ hai, thứ ba ở hải ngoại, sống trong một xã hội hiện đại, điều thuyết phục họ đầu tư về nước, gắn bó với quê hương, trở thành những sứ giả tin cậy cho quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với nước sở tại, phải là niềm tin.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất