Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn ở Thanh Hoá

Thanh Hoá có 27 huyện, thị xã, thành phố với 637 đảng bộ xã, phường, thị trấn, là tỉnh đất rộng, người đông. Xác định hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn có vai trò quan trọng trong tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết TW 5, khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”.

Qua 10 năm thực hiện, hệ thống chính trị cơ sở ở Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Các đảng bộ đã thực sự chăm lo xây dựng, củng cố đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo. Chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội ở cơ sở có bước chuyển đáng ghi nhận. Số lượng và chất lượng cán bộ, công chức cơ sở được nâng lên, nhất là việc thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn và chính sách hỗ trợ đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường cán bộ, chiến sỹ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy cho các xã biên giới…

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở được thực hiện thường xuyên, phân công cấp ủy, cán bộ theo dõi, chỉ đạo, việc xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm được thực hiện nghiêm túc. Với phương châm sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở.

Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX là khá toàn diện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ phát triển kinh tế bình quân hằng năm của các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh khoảng trên 10%,; tỷ lệ hộ nghèo giảm; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; việc đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương còn lúng túng, hiệu quả thấp; giải quyết những cơ sở đảng yếu kém còn chậm. Hoạt động của hội đồng nhân dân ở một số nơi còn thụ động; năng lực quản lý, điều hành của uỷ ban nhân dân ở một số xã, phường, thị trấn còn yếu. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chậm được đổi mới; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên thấp.

Nguyên nhân hạn chế, yếu kém là do năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cán bộ lãnh đạo cơ sở còn yếu. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa quan tâm đúng mức, nguồn cán bộ ở cơ sở gặp nhiều khó khăn; việc đào tạo chưa gắn với sử dụng, chưa thu hút cán bộ có trình độ về công tác ở xã, phường, thị trấn. Chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn; đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố còn nhiều bất cập. Kinh phí hoạt động của các đoàn thể thấp; điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu thốn, xuống cấp, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Kinh nghiệm 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX cho thấy, để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn vững mạnh cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Mt là, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội về vị trí, vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng sát dân, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phải có chương trình, kế hoạch gắn với kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng Đảng.

 Hai là, tập trung xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng phù hợp với tình hình của cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo phát triến kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng và giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ba là, chăm lo đội ngũ cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ; lấy tiêu chuẩn là trình độ đào tạo kết hợp với thực tiễn và đạo đức làm thước đo hàng đầu để bố trí cán bộ. Xây dựng đội ngũ công chức thạo việc, chuyên sâu; xây dựng các chức danh cán bộ, công chức phù hợp với địa phương để phát huy tối đa năng lực, sở trường cán bộ, công chức; có chính sách thu hút học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn.

Bốn là, đổi mới công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, nhất là cấp trên trực tiếp. Cấp ủy cấp trên cần điều động hoặc phân công cấp ủy viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị, đảng viên có năng lực về trực tiếp công tác cơ sở và tập trung củng cố các đoàn thể quần chúng, phát triển đảng viên.

Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đối với xã, phường, thị trấn, đảm bảo các điều kiện cho cán bộ, công chức làm việc. Bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn để đội ngũ này an tâm công tác, dành nhiều tâm huyết, công sức, trí tuệ cho công việc, thực sự là công bộc của dân.

Trần Thị Xuân Vinh
Báo Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất