Các tỉnh, thành ủy đã tổ chức quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Các tỉnh, thành ủy đều xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, ban hành quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội ở địa phương. Đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp gắn với bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND không là người địa phương. Qua đó, đã kiện toàn, bổ sung 3 bí thư tỉnh ủy, 6 phó bí thư tỉnh ủy, 2 chủ tịch UBND, 1 chủ tịch HĐND, 26 ủy viên ban thường vụ và 65 ủy viên BCH đảng bộ tỉnh, thành phố. Các địa phương tập trung xây dựng báo cáo, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Quy chế bầu cử trong Đảng... Nhiều tỉnh như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông…đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp tỉnh, cấp huyện.
Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 48-KL/TW ngày 26-4-2019 của Ban Bí thư về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các quy định pháp lý về công tác cán bộ, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý cán bộ trong thời gian qua. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng của các đơn vị.
Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên
Thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương được các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, gắn với phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, tình trạng “chạy chức, chạy quyền”... Các tỉnh, thành ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm việc viết cam kết, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên được các địa phương trong khu vực quan tâm triển khai, thực hiện. Trong đó trọng tâm là xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng. Ngay từ đầu năm, cấp ủy các cấp ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền, kịp thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và khắc phục những vướng mắc góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chất lượng TCCSĐ và đảng viên.
Thực hiện đồng bộ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định số 04-QĐ/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư; ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức bộ máy của các ban tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy. Qua đó, việc sắp xếp cơ cấu bên trong, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng đã giảm theo đúng quy định. Trong đó, đối với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của ban tổ chức tỉnh ủy, một số tỉnh sắp xếp còn 3 phòng (Quảng Trị, Khánh Hòa); các tỉnh còn lại sắp xếp còn 4 phòng. Riêng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó phòng sau khi sắp xếp lại.
Hầu hết các địa phương trong khu vực đã thực hiện văn phòng phục vụ chung cấp ủy tỉnh. Một số địa phương đang xây dựng đề án thành lập mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện. Thực hiện mô hình văn phòng chung đảng ủy - HĐND - UBND cấp xã (Quảng Bình 159/159 xã; Quảng Nam 38/244 xã). Sắp xếp lại tổ chức bộ máy ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh. Sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp huyện (Đà Nẵng, Quảng Nam). Văn phòng cấp ủy dùng chung ở cấp huyện và cấp tỉnh. Hợp nhất văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể đảng ủy khối doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc nhất thể hóa một số chức danh ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Về sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định được các địa phương trong địa bàn chủ động xây dựng đề án thực hiện. Tỉnh Phú Yên chủ trương sáp nhập 6 xã có quy mô nhỏ thành 3 xã. Thừa Thiên Huế sắp xếp 7 xã, thị trấn. Quảng Bình sau sắp xếp giảm được 11 xã. Quảng Ngãi sáp nhập 2 huyện, 10 xã, xây dựng chính quyền 1 cấp ở huyện đảo Lý Sơn. Quảng Nam có 18/18 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc sắp xếp thôn, khối phố…
Trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng xây dựng vị trí việc làm. Hiện nay 13/13 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành kế hoạch về thí điểm bố trí sử dụng và quản lý công chức gắn với vị trí việc làm Ngành Tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh; ban hành quyết định tạm thời danh mục vị trí việc làm và thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng, quản lý công chức cơ quan Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cấp tỉnh, huyện gắn với vị trí việc làm. Đồng thời, ban hành văn bản về quản lý, sử dụng biên chế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng phương án điều chuyển công chức, viên chức các cơ quan thuộc khối đảng, đoàn thể cấp tỉnh.
Những kết quả tích cực trong công tác tổ chức xây dựng Đảng năm qua đã tạo tiền đề để các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẵn sàng cho năm đại hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện. Như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi còn hình thức, chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương và giữa địa phương với các cơ quan Trung ương. Đội ngũ cán bộ còn hụt hẫng, bị động. Một số địa phương chưa có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ tới, có nơi phải thi hành kỷ luật cán bộ chủ chốt, chưa có nhiều giải pháp đột phá trong công tác tổ chức xây dựng Đảng…
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Có thể rút ra một số kinh nghiệm để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong năm 2020 như sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhất là những chủ trương, yêu cầu mới của đại hội lần này nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Từ đó cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, nội dung và bước đi cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội. Xác định rõ hình thức, thời gian, biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Ba là, công tác xây dựng văn kiện và chuẩn bị nhân sự phải thực sự mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên và thực hiện đúng hướng dẫn của cấp trên.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên, nắm chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên. Kịp thời chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc còn tồn tại ở đơn vị. Nhân sự chuẩn bị cho đại hội có vấn đề về tiêu chuẩn chính trị, có đơn thư tố cáo hoặc có dư luận không tốt liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, phẩm chất đạo đức… cần phải thẩm tra, xác minh và kết luận rõ ràng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức đại hội.
Năm là, trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, các cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo và coi trọng toàn diện các nội dung, tránh tình trạng quá chú trọng đến công tác nhân sự mà xem nhẹ các công việc khác, nhất là việc thảo luận, tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn kiện cấp trên và thảo luận, hiến kế báo cáo chính trị của cấp mình.
Sáu là, công tác chuẩn bị nhân sự phải được tiến hành dân chủ, khách quan, đúng quy trình. Chuẩn bị nhân sự đại hội đồng thời với việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 và gắn với việc bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND không là người địa phương. Nhân sự cơ cấu vào cấp ủy và các chức danh chủ chốt nhất thiết phải bố trí vào chức danh phù hợp trước khi diễn ra đại hội, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số mới có thể bảo đảm được tỉ lệ, cơ cấu theo quy định.
Bảy là, cần lựa chọn những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm, nắm vững Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, thủ tục, quy trình, Quy chế bầu cử trong Đảng để tham gia đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và ban kiểm phiếu đại hội. Chương trình và thời gian cần được xây dựng khoa học, hợp lý, bảo đảm thực hiện tốt tất cả các nội dung của đại hội. Ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội.
Lê Hữu Vinh
Vụ Địa phương II, Ban TCTƯ