Từ kết quả, kinh nghiệm của đại hội đảng bộ các cấp

Đất nước đang vào Xuân. Trong cái náo nức của tết Tân Mão đang đến gần, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Hạt (thứ 2, bên trái), Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa X, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp với công tác tổ chức xây dựng đảng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa Đồng chí, năm qua, Ban Tổ chức Trung ương và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã nỗ lực phấn đấu, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Theo đồng chí điều nổi bật nhất trong đại hội đảng bộ các cấp vừa qua là gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạt: Đại hội đảng bộ các cấp vừa qua có nhiều điểm mới. Điểm mới quan trọng nhất là chúng ta tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đóng góp vào xây dựng các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mà như đồng chí đã biết, Đại hội lần này thông qua nhiều văn kiện quan trọng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020). Một điều mới nữa là, thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng (khóa X). Việc thí điểm này cũng nhằm tìm cách mở rộng dân chủ hơn nữa việc bầu cử trong Đảng. Chúng ta đã chọn 1.405, chiếm 6,39% tổng số đảng bộ cơ sở trong toàn Đảng thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư (Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị quy định 5 - 7%); chọn 237, chiếm 18% tổng số đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở trong toàn Đảng (Chỉ thị 37 quy định 15 - 20%) và Bộ Chính trị chọn 10 đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ trực tiếp bầu bí thư cấp ủy và đã đạt được kết quả tích cực.

Phóng viên: Xin Đồng chí đánh giá khái quát về kết quả đại hội đảng bộ các cấp vừa qua?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạt: Xét theo những yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị thì quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng trực thuộc Trung ương đã đạt những kết quả hết sức đáng ghi nhận:

Một là, đã thể hiện được tinh thần đổi mới; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, đảm bảo an toàn, tiết kiệm; coi trọng chất lượng, thiết thực; đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các thành viên trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hai là, tổ chức tốt việc thảo luận các dự thảo văn kiện trình đại hội. Các báo cáo của đại hội đã tập trung đánh giá đúng thực trạng hơn, đánh giá đúng mức những ưu điểm, nghiêm túc chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém; từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích. Về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới đã chú ý hướng vào những vấn đề quan trọng, cấp bách của địa phương, đơn vị, nêu ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, có nơi nêu được các khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Ba là, công tác nhân sự đã chú ý phát hiện những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bầu vào cấp ủy. Công tác nhân sự cấp ủy được thực hiện đúng quy chế, quy trình, trên cơ sở quy hoạch cán bộ và tiến hành đồng thời với việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016.

Bốn là, bầu cấp ủy khoá mới và đoàn đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên đảm bảo chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển, gồm những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực.

Năm là, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cổ động tạo được không khí chính trị tốt cả trước, trong và sau đại hội; tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Sáu là, đối với những đảng bộ thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư cấp ủy, nhìn chung, được các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo, tạo được sự thống nhất nhận thức, triển khai nghiêm túc. Do đó, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội ở các đảng bộ này cơ bản đạt các yêu cầu đề ra. Danh sách giới thiệu của cấp ủy đương nhiệm chuẩn bị đều có số dư so với số lượng cấp ủy cần bầu từ 15% trở lên, nhiều nơi có số dư trên 30%; tỷ lệ nữ, tuổi trẻ tăng so nhiệm kỳ trước, một số nơi tỷ lệ số dư cao hơn quy định trong Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị trên 15%. Quá trình bầu cử được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục quy định. Hầu hết các đại hội bầu đủ số lượng ban chấp hành. Các đồng chí bí thư được đại hội bầu đều trong quy hoạch và trúng cử với số phiếu cao, đạt từ 90% trở lên. Có thể thấy rõ, dân chủ trong Đảng được mở rộng, quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên được thực hiện tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư khoá mới và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ.

Phóng viên: Vậy, thưa Đồng chí, còn những hạn chế gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạt: Trước hết là chất lượng của báo cáo tại đại hội, nhìn chung còn dài, còn khuôn mẫu. Việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo chính trị và nghị quyết của đại hội chưa thấy thật rõ những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn. Phần nói về công tác xây dựng đảng chiếm tỷ lệ chưa cân xứng trong các báo cáo, nghị quyết.

Công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa kỹ, chưa nắm chắc tình hình tư tưởng của đảng viên, chưa đánh giá đúng cán bộ nên có một số cấp ủy viên đương nhiệm được giới thiệu tái cử đã không trúng cử. Phần lớn danh sách đề cử bầu các chức danh bí thư, phó bí thư không có số dư…

Nhiều nơi danh sách bầu cấp ủy được chuẩn bị đạt tỷ lệ nữ và trẻ theo quy định, nhưng kết quả bầu không đạt yêu cầu, thậm chí có cấp ủy không có đồng chí nào trẻ tuổi. Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị yêu cầu Đại hội lần này tăng số lượng cấp ủy viên và ủy viên thường vụ, là nhằm để tăng số cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học-công nghệ, cán bộ ở các lĩnh vực, địa bàn có vị trí quan trọng, nhưng nhiều cấp ủy chưa quan tâm đúng mức chủ trương này nên nói chung, yêu cầu này chưa đạt. Hầu hết các đại hội đều tập trung nhiều cho bầu cử, thời gian dành cho thảo luận các dự thảo văn kiện trình đại hội cấp trên còn ít; tính tranh luận, phản biện tại đại hội chưa cao, số tham luận nhằm hiến kế cho đại hội có nhưng chưa nhiều… Việc sắp xếp nội dung, chương trình làm việc của một số đại hội chưa khoa học, hợp lý.

Phóng viên: Vậy nguyên nhân của hạn chế?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạt: Nguyên nhân của hạn chế thì nhiều. Riêng về vấn đề nhân sự, những trường hợp không trúng cử vừa qua do một số nguyên nhân sau: đa số các đồng chí đó có thiếu sót, khuyết điểm hoặc do trình độ, năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới nên tín nhiệm thấp; trong quá trình chuẩn bị nhân sự, một số cấp ủy chưa mở rộng dân chủ, còn gò ép hoặc nể nang, giới thiệu cả những đồng chí có khuyết điểm nên không được đại hội tín nhiệm; một số cấp ủy cấp trên chưa nắm chắc cán bộ hoặc biết cán bộ có thiếu sót, khuyết điểm nhưng chỉ đạo thiếu kiên quyết nên không được đại hội chấp nhận; một số nơi do tư tưởng cục bộ nên việc bầu một số trường hợp không thật chính xác; một số trường hợp tuy có dự kiến bố trí vào vị trí công tác mới nhưng không làm rõ định hướng phân công sau đại hội do vậy cũng không trúng cử; một số do sức khoẻ hoặc tác phong, phương pháp công tác chưa tốt, uy tín giảm sút…

Phóng viên: Thưa đồng chí, thực tiễn đó đặt ra vấn đề gì đối với Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng sau đại hội?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạt: Thực tiễn đó cho chúng ta một số kinh nghiệm cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết:

Một là, trên cơ sở Chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương cần có kế hoạch tổ chức tốt việc triển khai, quán triệt một cách đầy đủ và sâu sắc đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân sao cho đại hội đảng thực sự là một diễn đàn dân chủ; người dân có điều kiện tham gia vào những nội dung quan trọng của đại hội, để đại hội thực sự là nơi gắn kết giữa “ý Đảng, lòng dân”, những cán bộ được bầu vào cấp ủy thực sự tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức, đại biểu cho lợi ích, ý chí và nguyện vọng của toàn đảng bộ và nhân dân.

Hai là, làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện ngay từ công tác chuẩn bị đại hội, theo đúng các bước trong quy trình chuẩn bị và tổ chức đại hội; chủ động xử lý kịp thời, linh hoạt các vấn đề phát sinh trước và trong đại hội, nhất là các vụ việc liên quan đến nhân sự cấp ủy.

Ba là, trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội, phải thật sự cầu thị, tranh thủ tối đa ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt đề cao trách nhiệm, trí tuệ của tập thể cấp ủy, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy.

Bốn là, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy cần mở rộng dân chủ, bảo đảm quy trình, cần thay thế kịp thời số cán bộ chủ chốt không bảo đảm tiêu chuẩn; giải quyết dứt điểm những vấn đề có liên quan đến nhân sự cấp ủy, khi bàn nhân sự cấp ủy trong đại hội cần nói rõ định hướng, cơ cấu và phân công sau đại hội. Việc cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi vào cấp ủy cần có quá trình chuẩn bị mới tạo được uy tín trong cán bộ, đảng viên; đồng thời cần quán triệt sâu sắc cơ cấu và yêu cầu đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận lãnh đạo, quản lý. Kết quả bầu cử cán bộ nữ, cán bộ trẻ chưa đạt như mong muốn là do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ chưa tốt; chưa chuẩn bị kỹ các mặt để cán bộ trẻ, cán bộ nữ có thể đảm nhiệm được các vị trí công tác cần bố trí cấp ủy viên. Vì vậy, cần rà soát quy hoạch, có giải pháp nhằm khắc phục và chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ này để đến nhiệm kỳ tới đạt được các chỉ tiêu theo quy định của Trung ương.

Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị đã quy định khung số lượng cấp ủy viên của các tỉnh, thành phố, nhưng hầu hết các tỉnh, thành phố đều bầu cấp ủy với số lượng tối đa nên cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương để quyết định số lượng cấp ủy viên cho phù hợp.

Năm là, thực hiện đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư phải bầu nhiều lần (ít nhất 6 lần), mất nhiều thời gian của đại hội; cần nghiên cứu rút kinh nghiệm để có thể rút gọn quy trình nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu khi đại hội trực tiếp bầu bí thư, phó bí thư. Nhằm thực sự phát huy dân chủ nên quy định việc bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy, các chức danh ở các cấp cần có số dư.

Phóng viên: Nhân dịp năm mới, Đồng chí có đôi lời chia sẻ với cán bộ, công chức, viên chức của Ngành và bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạt: Như các đồng chí biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thành công tốt đẹp, đã tạo ra những tiền đề cực kỳ quan trọng cho sự phát triển mới của đất nước. Sau Đại hội chúng ta có nhiều việc phải làm: đưa nghị quyết vào cuộc sống; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng, nhất là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; hướng dẫn cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách cán bộ…

Nhân dịp năm mới, qua Tạp chí Xây dựng Đảng, tôi xin gửi tới các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và các bạn đọc của Tạp chí Xây dựng Đảng lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xin cảm ơn Đồng chí, chúc Đồng chí năm mới dồi dào sức khoẻ, tiếp tục có những đóng góp mới cho công tác tổ chức xây dựng đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất