Xây dựng Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các tướng lĩnh Quân đội và Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Hoàng Anh

Biên giới là “phên giậu” của đất nước, là lãnh thổ quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ biên giới là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đối với BĐBP, lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên. Nhận thức rõ trọng trách chính trị to lớn này, nắm vững yêu cầu và những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức, cơ cấu lực lượng, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu. Quá trình kiện toàn tổ chức, biên chế được tiến hành đồng thời với đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, huấn luyện và kiểm tra nghiệp vụ biên phòng trong toàn lực lượng; đổi mới công tác huấn luyện chiến đấu, bám sát thực tiễn địa bàn, đối tượng tác chiến và tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, động viên cán bộ, chiến sỹ khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ quan trọng, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới. Những thành tích nổi bật là:

Tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tổ chức, xây dựng lực lượng, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và hệ thống cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thực hiện nghiêm túc Thông báo số 165/TB-TW ngày 22-12-2004 của BCH Trung ương Đảng (khóa IX) nội dung Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP. Thực hiện tốt 3 chức năng quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, trong đó vững mạnh về chính trị, tư tưởng là trọng tâm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chất lượng chính trị cao, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Làm tốt công tác dân vận, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của BĐBP trên các tuyến biên giới. Tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cập nhật tình hình nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng gắn với quản lý, định hướng tư tưởng, chủ động đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Làm tốt quy trình tuyển chọn cán bộ, chiến sỹ, bảo đảm tin cậy về chính trị. Cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện, đào tạo toàn diện về chính trị, quân sự và nghiệp vụ công tác biên phòng, nắm vững đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ưu tiên tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số và các gia đình định cư ở khu vực biên giới, hải đảo để đào tạo cán bộ theo mục tiêu và địa bàn. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu đội ngũ sĩ quan, nhất là quân nhân chuyên nghiệp ở các đồn biên phòng được nâng lên. Duy trì nghiêm Điều lệnh, kỷ cương, rèn luyện chính quy, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ điều tra an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, quản lý xuất nhập cảnh... Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nghiên cứu, phát huy mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện hiện đại cho các đơn vị, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu.

Để tiếp tục xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong những năm tới Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định một số mục tiêu, nhiệm vụ lớn cần tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, pháp luật theo hướng thiết thực, đi vào chiều sâu. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới cho cán bộ, chiến sỹ. Những kết quả đạt được sẽ có ý nghĩa quyết định tới nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, bảo đảm cho BĐBP luôn trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN.

Hai là, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XIV. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XIV, chương trình công tác toàn khóa của các cấp bộ đảng. Tích cực đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp, tác phong công tác theo phương châm “Nói ngắn, viết gọn, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả”. Xây dựng BĐBP vững mạnh về tổ chức, hệ thống cấp ủy và chỉ huy bản lĩnh chính trị cao, tinh thông nghiệp vụ. Bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất theo hệ thống 3 cấp, duy trì thông tin liên lạc thông suốt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời khi có tình huống.

Ba là, triển khai thực hiện tốt Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế BĐBP của Bộ Quốc phòng. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng BĐBP theo hướng cơ bản, hệ thống, tinh gọn, chính quy, hiện đại, đáp ứng sự phát triển của công tác biên phòng trong tình hình mới. Thành công của Đề án sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và hiệu quả hoạt động của BĐBP. Việc củng cố và kiện toàn tổ chức, biên chế phải tiến hành đồng thời với đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ. Việc tham gia của BĐBP trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới cần được triển khai toàn diện, tổ chức huấn luyện và phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong khu vực phòng thủ; giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, nhất là trong phòng, chống bạo loạn, lật đổ, xung đột biên giới, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống thiên tai và các tình huống về quốc phòng, an ninh.

Bốn là, thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của BĐBP. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Chú trọng huấn luyện các biện pháp nghiệp vụ biên phòng đồng bộ và chuyên sâu, sát với yêu cầu, nhiệm vụ, biên chế của các đơn vị trên từng tuyến biên giới; tạo chuyển biến toàn diện về chất lượng, nhất là nghệ thuật tác chiến, nghiệp vụ biên phòng và thực hiện nhiệm vụ của BĐBP trong khu vực phòng thủ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất