Để bảo vệ thành quả bước đầu và tiến tới “xanh hóa toàn tỉnh”, đẩy lùi triệt để dịch bệnh Covid-19; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cả hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre tập trung cao độ, bảo đảm thực hiện có hiệu quả phương án mới trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là tỉnh khẩn trương thực hiện các giải pháp, chương trình hỗ trợ DN và người dân từng bước khôi phục, phát triển sản xuất - kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình (CT), dự án (DA) trọng điểm, thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, mang lại động lực và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2021 và những năm tới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cùng đoàn làm việc, kiểm tra thực tế tiến độ dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Thuận.
Tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", tiến tới "Xanh hóa toàn tỉnh"
Căn cứ các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế; Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Bến Tre được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một trong 8 tỉnh, thành phố (đang thực hiện giãn cách xã hội) kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; đây là kết quả của sự chung sức, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh.
Đến sáng ngày 14-9-2021, toàn tỉnh có 1.657/1.840 người nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh, xuất viện tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà. Số trường hợp mắc mới Covid-19 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể; chỉ còn phát sinh một vài ca nhiễm mới, tuy nhiên lực lượng chuyên môn đã nhanh chóng triển khai kịp thời các biện pháp cách ly điều trị, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, đến nay tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Phấn khởi hơn là hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới “vùng xanh”; hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và người dân bắt đầu khôi phục.
Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đã chủ động, sẵn sàng nêu cao ý chí tiến công, tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thực sự bền vững; sớm ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã xác định. Tiếp tục phát huy vai trò mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” chung sức, đồng lòng thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, các ngành; xã, phường, thị trấn - “pháo đài” tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án mới trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tập trung nghiên cứu các giải pháp, chương trình hỗ trợ thiết thực cho DN và người dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để DN, người dân khôi phục sản xuất - kinh doanh; trong đó, lấy lợi ích của người dân, người lao động làm trung tâm; hài hòa lợi ích của DN với người dân, người lao động và với lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định pháp luật.
Người dân - “chiến sĩ” là chủ thể, đã chủ động, đảm bảo an toàn chống dịch khi tham gia sản xuất - kinh doanh và tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh để cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước ổn định kinh tế gia đình, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định, sự chủ động, tích cực của người dân đóng vai trò quyết định sự thành công trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế gia đình; góp phần xây dựng an toàn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh Bến Tre chỉ có thể thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội khi và chỉ khi người dân thực sự tham gia vào cuộc và tích cực thực hiện một cách chủ động, tự giác; do đó chiến thắng dịch bệnh Covid-19 và chiến thắng trong phát triển kinh tế - xã hội đều là chiến thắng của nhân dân.
Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú đang được nhân rộng.
Vượt qua khó khăn, lấy nông nghiệp là nền tảng khôi phục kinh tế
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và DN, làm trì trệ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, có 320 DN và 310 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký ban đầu 5.000 tỷ đồng (bằng 1,67 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020); 65 DN (bằng 72,22% so với cùng kỳ 2020) và 85 đơn vị trực thuộc đăng ký giải thể. 159 DN (bằng 79,5 so với cùng kỳ 2020 về số DN) và 62 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Thu hồi giấy phép kinh doanh của 100 DN (bằng năm 2020) và 10 đơn vị trực thuộc.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 666 DN đang sản xuất - kinh doanh (đạt tỷ lệ 16% trên tổng số 4.143 DN ở trạng thái đang hoạt động); trong đó, có 499 DN sản xuất - kinh doanh hàng hóa thiết yếu (chiếm 74,9% DN đang sản xuất - kinh doanh và chiếm 12% DN ở trạng thái đang hoạt động). Trên địa bàn tỉnh, hiện có 230 đơn vị (167 DN; 29 đơn vị trực thuộc; 34 hộ kinh doanh) hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số 15.597 lao động (ngoài khu công nghiệp (KCN) có 194 đơn vị, với 7.194 lao động; trong KCN 36 đơn vị, 8.448 lao động). Phần lớn các DN phải cắt giảm đơn hàng; một số DN thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động...
Ước tính, 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh chỉ đạt 22.200 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Song song với việc các DN ngừng sản xuất thì hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh bị chậm lại, trong đó hầu hết các DN xuất khẩu quy mô nhỏ ngưng hoạt động do không bảo đảm được vừa sản xuất vừa chống dịch. Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến văn hóa, du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch giảm mạnh; khách du lịch đến tỉnh trong 9 tháng qua chỉ đạt trên 230 ngàn lượt người, giảm 66% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 243 tỷ đồng, giảm gần 63% so với cùng kỳ, đặc biệt Ngành Du lịch của tỉnh không thể đón khách quốc tế trong suốt thời gian qua do dịch bệnh. Tiến độ thi công và giải ngân vốn các CT, DA trọng điểm và đầu tư công bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều CT, DA phải tạm ngưng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 216/233 CT sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải tạm ngưng thi công, các CT còn lại đang tiếp tục thi công nhưng tiến độ thực hiện chậm do hệ thống vận tải, lưu thông bị gián đoạn, nguồn vật tư, nhân công bị thiếu hụt.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, tuy nhiên quy mô sản xuất giảm, tiêu thụ nông sản bị hạn chế, thị trường không ổn định, giá bán một số nông sản giảm mạnh, tiêu thụ chậm, ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư sản xuất của người nông dân. Ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò như là “bệ đỡ”, là kho lương thực cần thiết cho “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nơi bảo vệ, che chở và bảo đảm sự an toàn cho nhân dân. Điều này phù hợp với điều kiện của các địa phương có ưu thế về nông nghiệp như tỉnh Bến Tre.
Với đặc điểm thành phần kinh tế nông nghiệp đa dạng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như kinh tế vườn, chăn nuôi và thủy hải sản. Trong đó, tỉnh đã xác định và xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực là heo, bò, tôm biển, dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, cây giống - hoa kiểng... Đặc biệt, với hơn 74.000ha trồng dừa và trên 1.950ha nuôi tôm công nghệ cao (chiếm khoảng gần 50% so với kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tôm lớn); đang là tiềm năng và lợi thế để tỉnh phấn đấu khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian sớm nhất.
Qua thực tiễn cho thấy, để đạt “mục tiêu kép”, ngành Nông nghiệp cần chủ động hướng dẫn bà con nông dân điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tái đàn vật nuôi, nuôi và khai thác thủy sản; đồng thời, huy động lực lượng, thành lập đường dây nóng để kịp thời tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con theo phương châm lấy ngắn nuôi dài; chuẩn bị hàng hóa cung cấp cho thị trường trong thời gian sắp tới và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới.
Các ngành và địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển chuỗi giá trị con tôm gắn với Đề án phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Khuyến khích vận động, thu hút DN, thu hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt nông sản và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Cần nghiên cứu, đề xuất, đổi mới mô hình hợp tác, liên kết giữa DN với người nông dân và thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; từ đó tạo không gian, lan tỏa lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Kiên định và tạo điều kiện tối đa cho các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị hoạt động an toàn; càng khó khăn thì càng phải tìm cách giữ vững chuỗi, kể cả chuỗi cung ứng (đầu vào) và chuỗi phân phối (đầu ra). Củng cố và phát huy hiệu quả liên kết ngang giữa người dân với người dân và các liên kết dọc giữa người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và DN. Tái khởi động lại các hoạt động kinh tế du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp, khuyến khích “Người Bến Tre du lịch Bến Tre”. Đồng thời, ngành Nông nghiệp và địa phương cần có sự chuẩn bị từ xa, tốt hơn cho lực lượng sản xuất nông nghiệp, phương án sản xuất tại địa phương, nơi hoạt động sản xuất diễn ra hằng ngày.
Vận động các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi; các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tập trung xử lý sâu đầu đen hại dừa, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò... để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản hoạt động trở lại nhưng phải có tổ chức chặt chẽ đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Chế biến nông sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Giao Long, Bến Tre.
Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” của các DN để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh đã gặp nhiều hạn chế do thời gian giãn cách xã hội kéo dài vì dịch bệnh. Do đó, để các DN hoạt động trở lại, vấn đề cần quan tâm là hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn DN xây dựng phương án tổ chức sản xuất - kinh doanh an toàn, lưu thông hàng hóa an toàn; sắp xếp nơi ăn, nghỉ và làm việc an toàn cho công nhân… theo hướng an toàn để sản xuất và đã sản xuất thì dứt khoát phải an toàn. Đồng thời, các ngành chức năng, các cấp trên địa bàn tỉnh cần phải khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu/thị trường tiêu thụ mới cho các sản phẩm của DN. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí… để giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN. Việc đảm bảo thị trường lao động phục vụ cho các DN hoạt động trở lại cũng là yếu tố cấp bách cần quan tâm.
Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu, đánh giá khả năng tái tổ chức sản xuất của DN, cơ sở sản xuất… khẩn trương hỗ trợ tạo điều kiện để các DN, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại. Riêng tại các KCN có số lượng DN nhiều, đòi hỏi số lượng công nhân lớn, Ban quản lý Các KCN tỉnh đầu mối, phối hợp với các ngành rà soát, nắm tình hình sử dụng, dịch chuyển nguồn lao động trong KCN do tác động của dịch Covid-19; phối hợp với các DN thực hiện các chế độ để giữ chân và bảo đảm sức khỏe, chăm lo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện sản xuất an toàn cho người lao động trong các KCN.
Ngành Ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện tốt, thực hiện ngay các chính sách, quy định của Trung ương về cấp tín dụng, gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay, phí dịch vụ cho vay lại, cho vay mới để DN, cơ sở sản xuất, người dân phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh. DN cần phải tổ chức hoạt động sản xuất trong từng khu, cụm riêng lẻ gắn với triển khai các giải pháp công nghệ để kiểm soát và quản lý tốt công nhân theo nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, đã an toàn thì cho việc tổ chức sản xuất”. Mỗi DN phải là một “pháo đài” trong thực hiện “mục tiêu kép”; cần tổ chức thành lập các tổ Covid trong DN và cho người lao động ký cam kết tự giác thực hiện an toàn chống dịch khi tham gia sản xuất - kinh doanh.
DN cần có giải pháp thích nghi, điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với thực tế của DN và trong điều kiện bình thường mới; DN cần phải chủ động tái cơ cấu về quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất - kinh doanh, cần phải quản trị tốt sự thay đổi. Đồng thời, DN cần thực sự quan tâm xây dựng, thực hiện chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.
Nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại để kết nối tiêu thụ sản phẩm
Sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cần được khẩn trương phục hồi kết nối trở lại, nhất là việc lưu thông vận tải, khôi phục và mở cửa trở lại hoạt động buôn bán hàng hóa một cách có tổ chức khoa học và chặt chẽ. Theo đó, ngành Giao thông tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn các DN hoạt động vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách chủ động xây dựng phương án hoạt động trở lại và thực hiện theo đúng quy định hiện hành; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa, bảo đảm vận tải thông suốt, nhanh chóng, kịp thời và an toàn.
Các huyện, thành phố xây dựng quy định và bố trí địa điểm bốc, dỡ hàng hóa tại các xã, phường, thị trấn; đồng thời, bố trí địa điểm phù hợp, hướng dẫn, yêu cầu lực lượng tài xế và phụ xế ăn, nghỉ tại những vị trí, điểm tập trung tại địa phương để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu thông qua ứng dụng thương mại điện tử; nghiên cứu và triển khai mô hình hội chợ công - nông nghiệp trực tuyến để kết nối cung cầu, gia tăng tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương, nắm bắt và kịp thời thông tin tới DN sản xuất - kinh doanh để tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, thúc đẩy xuất nhập khẩu đạt kết quả.
Ngoài ra, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA đầu tư công, vốn ODA thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công, tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư toàn xã hội; đối với những khó khăn phát sinh thuộc trách nhiệm của địa phương, của tỉnh thì tập trung tháo gỡ, tuyệt đối không để ảnh hưởng, trì trệ tiến độ CT, DA, nhất là các CT, DA có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các cấp ở Trung ương để giải quyết. Đối với những dự án liên quan đến các bộ, ngành Trung ương thì tiếp tục bám sát, phối hợp, đôn đốc thúc đẩy tiến độ. Song song đó, phải chủ động điều chỉnh, điều chuyển vốn những DA chậm giải ngân sang những DA có tiến độ tốt, có nhu cầu bổ sung vốn; đồng thời, rà soát khả năng giải ngân cao nhất kế hoạch vốn năm 2021 để báo cáo, đăng ký vốn với Trung ương.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các CT, DA, nhất là 11 CT, DA trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra; trong đó, tập trung phối hợp, đôn đốc hoàn thành quy trình thủ tục, khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo kế hoạch đã xác định; hoàn tất hồ sơ, thủ tục để khẩn trương triển khai tuyến đường ven biển; thúc đẩy tiến độ chủ trương nghiên cứu, khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre; đầu tư phát triển hạ tầng điện, nước, viễn thông, giao thông và logistics... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA các nhà máy điện gió. Triển khai khẩn trương xây dựng Khu tái định cư của KCN Phú Thuận, thực hiện nhanh các công việc, quy trình cần thiết, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phú Thuận để có thể thu hút nhà đầu tư đầu tiên trong năm 2021.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và quản lý, điều hành kinh tế - xã hội
Tỉnh Bến Tre đã sớm và sẽ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, quản lý xã hội. Thời gian qua, Bến Tre đã ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong công tác phòng, chống dịch như: cơ sở dữ liệu tiêm chủng Covid-19 quốc gia tại Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (http://tiemchungcovid19.gov.vn); các ứng dụng khai báo y tế và quản lý vào, ra các địa điểm dựa trên nền tảng QR code như Bluezone, Vietnam Health Declaration, nCOVI; khai báo y tế và đăng ký xét nghiệm nhanh qua ứng dụng Việt Nam khỏe mạnh (Healthy Vietnam - VNKM)...
Đồng thời, tỉnh cũng đã chủ động thực hiện xử lý thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, DN không cần di chuyển, chỉ cần tải đầy đủ hồ sơ theo quy định, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến. Tổ chức các cuộc hội nghị, họp hình thức trực tuyến xuống đến từng huyện, xã, phường, thị trấn để triển khai chính xác, đầy đủ thông tin và tiết kiệm, dành thời gian tập trung cho công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tổ chức lễ khai giảng năm học mới (2021-2022) và định hướng dạy và học một số môn qua kênh ti-vi Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, trực tuyến qua ứng dụng trên thiết bị có kết nối in-tơ-nét. Những việc này tạo thuận tiện và góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các sở, ngành chuyên môn cũng đã cấp mã QR Code cho các shipper; xe tải vận chuyển hàng hóa để bảo đảm thuận tiện lưu thông, kịp thời cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tổng hợp thông tin DN và tình hình thị trường, thông tin hàng hóa, dự báo thị trường, cơ hội kinh doanh thông tin qua website, hệ thống in-tơ-nét, nhóm Zalo DN... để kịp thời kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ DN bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada... Tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt việc ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng nhất là tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20-10-2020 về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; trong đó, đẩy nhanh chuyển đổi chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... ưu tiên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, công nghiệp, quốc phòng - an ninh, vận tải và logistics; đồng thời, tập trung đào tạo công nghệ số.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với chủ đề “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo”, và phương châm hành động “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng DN”. Chúng ta có cơ sở và tin tưởng rằng, trong những tháng cuối năm, toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân Bến Tre sẽ cùng đồng lòng phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vượt qua khó khăn để nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.
LÊ ĐỨC THỌ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre