Tính đến hết tháng 12-2020, công an các địa phương đã tổ chức 267 lớp bồi dưỡng cho 30.495 lượt cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Từ thực tiễn khách quan
Trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, việc chính quy hóa lực lượng công an xã được Đảng ủy Công an Trung ương xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Ngày 26-6-2017, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ĐUCA về chủ trương nghiên cứu, xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Cùng với việc sắp xếp, bố trí tổ chức lực lượng, công tác bồi dưỡng công an xã chính quy cũng được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm và luôn coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm giúp cho lực lượng ngày càng lớn mạnh và phát triển về nhận thức chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm toàn diện công tác thí điểm bồi dưỡng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Ngày 15-2-2019, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCA-X02 về tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn giai đoạn 2019-2020 (triển khai trên phạm vi toàn quốc); Quyết định số 5245/QĐ-BCA-X02 ngày 11-9-2018 về việc ban hành 4 chương trình bồi dưỡng cho lực lượng công an cấp cơ sở, trong đó có Chương trình số 01 về bồi dưỡng cho lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn. Triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học Căn cứ Kế hoạch số 38/KH-BCA(X02) ngày 15-2-2019 của Bộ Công an về bồi dưỡng cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn giai đoạn 2019-2020, chỉ tiêu được Bộ Công an phê duyệt, công an các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác mở lớp, xây dựng chương trình học tập, bố trí giáo viên giảng dạy và triệu tập học viên tham gia khóa học… Đồng thời, phối hợp với các học viện, nhà trường trong Công an nhân dân và các sở, ban, ngành có liên quan để tổ chức bồi dưỡng cho lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Chương trình, tài liệu giảng dạy được Bộ Công an thẩm định, ký quyết định ban hành, cấp, phát kịp thời cho công an các địa phương, đáp ứng yêu cầu tổ chức bồi dưỡng. Chương trình có thời lượng 12 ngày học, trong đó 1 ngày học chuyên đề riêng, cần thiết, phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Thời lượng mỗi chuyên đề không quá dài để giảng viên tập trung cung cấp các kiến thức cốt lõi. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy hầu hết là lãnh đạo các khoa, phòng, bộ môn của các học viện, trường Công an nhân dân, kiến thức chuyên môn sâu, có nghiệp vụ sư phạm, tinh thần trách nhiệm cao, thực tiễn phong phú, phương pháp giảng dạy tích cực gắn với phương pháp truyền thống nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm đều là lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban của công an các địa phương có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.
Về công tác quản lý học viên, công an các địa phương và cơ sở đào tạo đã phối hợp phân công cán bộ trực tiếp quản lý học viên, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy định đối với người học, qua đó nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, uốn nắn kịp thời những học viên có biểu hiện vi phạm.
Qua các khóa bồi dưỡng, học viên là cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã đã từng bước được chuẩn hóa, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ nghiệp vụ, chất lượng hoạt động chuyên môn, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo đúng trình tự của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở trong tình hình hiện nay.
Đến hết tháng 12-2020, công an các địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức 267 lớp bồi dưỡng cho 30.495 lượt cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn.
Một số kinh nghiệm
Một là, cần nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn đối với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an ninh xã hội phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương vì đây là những cán bộ đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chủ trương, kế hoạch và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng cho đội ngũ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn.
Hai là, có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn từ Bộ Công an đến công an các địa phương thông qua các chương trình, kế hoạch... Thực hiện phân công, phân cấp về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của thủ trưởng công an các cấp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Ba là, bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn phải gắn với thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của mỗi công an địa phương. Phải đa dạng các loại hình bồi dưỡng như tăng cường thảo luận các vấn đề công tác chuyên môn, nghiệp vụ, các tình huống phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu, gắn học lý thuyết với thực hành; đồng thời giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa công an các địa phương…
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn, nhất là trong việc tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và kết quả người học thu được sau khóa học; duy trì chế độ trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan quản lý của Bộ Công an và cơ sở đào tạo trong suốt quá trình tổ chức bồi dưỡng để kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình, tạo sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đối tượng tham gia bồi dưỡng.
Năm là, thực hiện tốt chế độ, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ chiến sĩ trong quá trình tham gia bồi dưỡng công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn; gắn kết chính sách bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn với các nội dung khác trong công tác cán bộ như quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng...; có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ công an chính quy ở địa bàn xã, phường, thị trấn để họ phát huy khả năng công tác chuyên môn và tạo dựng phong trào học tập ở địa bàn cơ sở.
Sáu là, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ công tác bồi dưỡng cho cán bộ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn; hỗ trợ kinh phí tham gia học tập và phương tiện đi lại cho cán bộ, chiến sĩ của công an các địa phương tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ an tâm học tập đạt kết quả tốt.
Ngọc Thảo