1. Chính sách, theo nghĩa chung nhất, là những tư tưởng có tính nguyên tắc được Đảng, Nhà nước xây dựng, xác lập để thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý, định hướng hoạt động của hệ thống chính trị (HTCT), các tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện chính sách là quá trình hiện thực hóa những tư tưởng ấy. Nó bao gồm chuỗi các công việc có tính quy trình, từ xây dựng kế hoạch thực hiện đến tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, xây dựng tổ chức, bộ máy, bố trí nguồn nhân lực trực tiếp hiện thực hóa chính sách; tổ chức duy trì, phát huy vai trò của chính sách, kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá, tổng kết và đề xuất việc điều chỉnh, sửa đổi chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình đó, đội ngũ cán bộ, công chức của HTCT, nhất là ở cơ sở, đóng vai trò quyết định tính hiệu lực, hiệu quả và giá trị nhân văn trong chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiều năm qua, cả HTCT nước ta luôn nỗ lực để chính sách phát triển kinh tế - xã hội đi vào đời sống. Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, tiến hành nhiều cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà nhân dân bức xúc, dư luận quan tâm đã mang lại hiệu quả thiết thực”[2].
Tuy vậy, vẫn còn không ít những hạn chế, khuyết điểm, bất cập trong thực hiện chính sách, dẫn đến kỷ cương, phép nước bị vi phạm. Trên lĩnh vực kinh tế, một bộ phận cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức thực hiện chính sách, song lại lợi dụng để trục lợi cho bản thân, cho gia đình, cho “nhóm lợi ích”, sau kiểm tra, thanh tra, điều tra trở thành “củi đốt lò” vì tội danh “cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng”. Một bộ phận quan liêu, tự phụ, vô cảm, tùy tiện trong thực thi chính sách, phải mang tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trên lĩnh vực chính trị, những sai phạm, khuyết điểm trong thực hiện chính sách cán bộ do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định không đúng thẩm quyền, dẫn đến tình trạng “nâng đỡ không trong sáng”, “thăng tiến thần tốc”, “chạy chức, chạy quyền”, “chạy bằng cấp”, “chạy luân chuyển”, “chạy huân chương”... Trên lĩnh vực an sinh xã hội, chính sách ưu đãi người có công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người nghèo, khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh... bị “biến dạng giá trị” khi một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí việc làm của mình để tổ chức ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo, thậm chí làm giả hồ sơ để biến hộ không nghèo thành hộ nghèo, người không có công với cách mạng trở thành có công, trục lợi bảo hiểm, trục lợi máy móc, vật tư y tế trong khi cả nước dồn lực chống dịch... Chuyện “cơn bão qua đi, có người chết, có nhà đổ, và có kẻ vào tù” không ít nơi từng có. Vì sao?
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở về 3 khâu trong “lối làm việc” của cán bộ, đảng viên: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng (...). 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng (...). 3. Phải tổ chức sự kiểm soát”[3]. Hiện nay, những chính sách của Đảng, Nhà nước khi tổ chức thực hiện, đều được đặt trong cơ chế kiểm soát bởi các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Quy trình kiểm soát được chỉ rõ trong các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát việc thực hiện chính sách cũng do Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý, trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, những khuyết điểm, hạn chế trong việc thực hiện chính sách nói trên của bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức có nguyên nhân từ việc kiểm soát chưa tốt, thiếu hiệu quả. Đó là bởi sự kiểm soát nói trên có tính nội bộ, bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ, sự chủ quan, quan liêu, bàn giấy của chính những người trong cuộc...
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”. Theo Người, “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”[4]. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, trong quan hệ Đảng và Dân, Đảng ta đã rất chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho quần chúng nhân dân trong bộ máy của HTCT, là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đó là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thông qua hoạt động của mình để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy và cũng là tạo điều kiện cho mặt trận và các đoàn thể thực hiện vai trò của mình, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Theo đó, giám sát xã hội là việc mặt trận và các đoàn thể theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động tới cơ quan, tổ chức (là cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp) và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục đích của giám sát là nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Quá trình thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực nhưng theo kết quả khảo sát, đánh giá của các địa phương, hoạt động giám sát của mặt trận và các đoàn thể ở các cấp chưa đạt đến yêu cầu mà nó phải có. Với cấp cơ sở, là cấp cuối cùng thực thi chính sách, thì sự kiểm soát quá trình thực thi chính sách thông qua các tổ chức nòng cốt của nhân dân lại ít được phát huy, khiến những hạn chế, khuyết điểm, bất cập của việc thực hiện chính sách bị “lộ diện” rõ nhất ở cấp cơ sở, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở”[5]. Vì vậy, tăng cường công tác giám sát thực hiện chính sách ở cấp cơ sở đang là yêu cầu cấp thiết để lấy lại niềm tin của nhân dân.
3. Để triển khai thực hiện tốt yêu cầu: “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở”[6] mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra; trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, nội dung của quy trình thực hiện chính sách, xin đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường vai trò “nòng cốt để nhân dân làm chủ” của Mmặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở thông qua cơ chế giám sát xã hội:
Một là, thông qua công tác tuyên truyền trong nhân dân, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong đội ngũ cán bộ, công chức của HTCT cơ sở để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, quy trình giám sát xã hội của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội và trách nhiệm của các lực lượng (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân) đối với hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước. Quán triệt sâu sắc yêu cầu “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân” của Đại hội XIII của Đảng nhằm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bằng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”[7].
Hai là, rà soát, đánh giá năng lực, triển khai có chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, năng lực công tác cho các lực lượng là thành viên ủy ban mặt trận, ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở, ban công tác mặt trận, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở khu dân cư. Trên tinh thần Đại hội XIII của Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải hình thành nên được đội ngũ những người luôn “nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”, luôn biết “tôn trọng, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”, biết “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân”, biết “phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân”, biết “động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội” thông qua các tổ chức của mình[8]. Chú ý bồi dưỡng các kỹ năng giám sát thật thuần thục, hạn chế thuyết lý, tăng cường thực hành trong việc xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, phạm vi giám sát; phối hợp các lực lượng trong giám sát; nắm bắt thông tin, điều tra dư luận xã hội; kỹ năng đánh giá, kiến nghị sau giám sát...
Ba là, đổi mới nội dung giám sát việc thực hiện chính sách tại cơ sở theo hướng tăng cường giám sát việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền, đảm bảo tính đúng đắn, hợp lý, khả thi của mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhân lực, vật lực, thời gian, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện chính sách. Tăng cường giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và công tác vận động nhân dân thực hiện chính sách. Chú trọng giám sát hoạt động của bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan của HTCT trong thực hiện chính sách ở cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Giám sát công tác kiểm tra, thanh tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách; đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách. Đặc biệt, tiếp tục chú trọng giám sát các nội dung gắn với các lĩnh vực, vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dễ bị vi phạm pháp luật để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030, như đầu tư công, sắp xếp bộ máy, thu hút vốn, công nghệ, ưu đãi nhân tài, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội đối với người có công, người dân tộc thiểu số, các nội dung cụ thể về tinh giản biên chế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh...
Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở đối với hoạt động giám sát xã hội của mặt trận và các đoàn thể. Đổi mới công tác phối hợp và tạo điều kiện (về kinh phí, thời gian, thông tin, tài liệu...) của chính quyền cơ sở khi mặt trận và các đoàn thể thực hiện kế hoạch giám sát. Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong phản ánh, kiến nghị, góp ý kiến về việc thực hiện chính sách công qua Cổng dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ hành chính công ở địa phương. Thực hiện đúng chế độ, chính sách của Nhà nước đối với các nhiệm vụ giám sát đã được cấp ủy đồng ý đưa vào kế hoạch công tác của mặt trận và đoàn thể. Thực hiện tốt công tác kiểm tra của đảng ủy, công tác giám sát, thanh tra của chính quyền cơ sở khi mặt trận và các đoàn thể qua giám sát đã kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Thường xuyên theo dõi để giải trình với nhân dân và báo cáo cấp ủy cấp trên về kết quả xử lý đối với các sai phạm trong thực hiện chính sách trên địa bàn.
--------------------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.156.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, tập 2, tr.212.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.325.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, t.5, tr.325, 326.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, tập 1, tr.88.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, tập 1, tr.172.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, tập 1, tr.173.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, tập 1, tr.173, 174.
TS. Trương Thị Bạch Yến