1. Từ khi triết học ra đời, tính đảng đã trở thành một vấn đề, một nội dung của các cuộc đấu tranh tư tưởng. Tính đảng trong triết học phản ánh lập trường của các phe phái đại diện cho các giai tầng xã hội khi bảo vệ thế giới quan của mình. Chủ nghĩa Mác - Lênin xuất phát từ thế giới quan duy vật lịch sử, phương pháp luận biện chứng đã khẳng định: tính đảng là biểu hiện tập trung nhất của tính giai cấp, phản ánh lợi ích giai cấp.
Trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, nguyên tắc tính đảng gắn liền với sự ra đời, lý tưởng và con đường đấu tranh của đảng cộng sản. Đảng cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân - ra đời trên cơ sở kết hợp giữa lý luận (chủ nghĩa xã hội khoa học - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân) và thực tiễn (phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản). Chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, chỉ ra con đường để thực hiện sứ mệnh đó là xây dựng chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, thông qua đảng để lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Để bảo vệ những nguyên lý cơ bản đó, C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin và những người mác-xít chân chính đã nêu cao tính đảng, thông qua công tác tư tưởng, lý luận để đấu tranh không khoan nhượng với giai cấp tư sản. Song, phức tạp và quyết liệt không kém là cuộc đấu tranh với lực lượng cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân. Lực lượng này nhân danh lợi ích phong trào để một mặt phủ nhận tư tưởng mác-xít, một mặt truyền bá tư tưởng trung dung, nửa vời, cơ hội, thỏa hiệp với giai cấp tư sản, dẫn dắt phong trào công nhân đi chệch con đường đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội. V.I.Lê-nin đã sử dụng hình ảnh “những con rắn nước lượn lờ giữa hai dòng tư tưởng” để vạch mặt bọn cơ hội. Người khẳng định, với những người cách mạng chân chính, “Tính đảng là tư tưởng xã hội chủ nghĩa”[1], vì vậy phải lấy Chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội làm nguyên tắc để xây dựng và bảo vệ Đảng.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc tu dưỡng tính đảng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc”, nếu “kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”[2]. Người dạy: “Một là, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; Hai là, việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn…; Ba là, lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau”[3]. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên quán triệt tinh thần “Trong tư tưởng của mình, chỉ có Đảng và lợi ích của Đảng”[4], phải đặt việc cá nhân và lợi ích của cá nhân lại sau, ở phía sau việc của Đảng, lợi ích của Đảng. Người chỉ rõ: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”[5].
Hơn 90 năm qua, dựa trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt nguyên tắc tính đảng trong toàn bộ hoạt động của mình. Bắt đầu bằng việc xây dựng đội ngũ đảng viên. Điều lệ Đảng xác định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước...”[6]. “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”[7]. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng định hướng quan điểm chỉ đạo rất rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[8].
3. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách chống phá Đảng ta, chế độ ta trên mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề tư tưởng. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi đơn vị, địa phương. Với mỗi cán bộ, đảng viên, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tính đảng sẽ là một biện pháp quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Một là, cán bộ, đảng viên phải đứng vững trên lập trường quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần mục tiêu, nhiệm vụ và những yêu cầu có tính nguyên tắc trong công tác tư tưởng của Đảng. Khi nói, viết, thể hiện quan điểm tư tưởng đều phải hướng đến mục tiêu xây dựng và bảo vệ Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đấu tranh tư tưởng, phải vì lợi ích của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam mà thể hiện tinh thần không khoan nhượng với tư tưởng sai trái, thù địch, cơ hội, cực đoan, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa, phiến diện. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Chỉ có nắm vững lý luận của Đảng, nêu gương đạo đức, nói đi đôi với làm mới đủ năng lực để xây dựng và bảo vệ Đảng, thuyết phục quần chúng, mới đủ trí tuệ, bản lĩnh để phê phán các quan điểm và hành vi sai trái, thù địch.
Hai là, xác định nguyên tắc tính đảng là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt quá trình nghiên cứu, truyền bá tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải tuân thủ định hướng chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời luôn tìm tòi, nghiên cứu các giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa tư tưởng nhân loại để vận dụng, phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế để bảo vệ mục tiêu ấy. Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, vừa đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, đồng thời phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng để đổi mới Đảng trên tất cả các phương diện chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Sự “kiên định” thể hiện ở thái độ trung thành, niềm tin vững chắc về mục tiêu, đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời, trên tinh thần cầu thị, đổi mới, sáng tạo, nhận thức đúng quy luật khách quan, đặt đối tượng nghiên cứu và truyền bá tư tưởng lý luận trong điều kiện lịch sử cụ thể để tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, mang lại sức sống cho lý luận của Đảng và niềm tin có cơ sở khoa học cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và lý luận của Đảng.
Ba là, tích hợp nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình nghiên cứu và xã hội hóa các sản phẩm lý luận khoa học. Cần định hướng nhận thức, xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, với chế độ, con đường và sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã chọn. Từ đó động viên, tập hợp các lực lượng góp sức vào cuộc đấu tranh chung nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Lựa chọn và bố trí đúng và đủ cán bộ cho lĩnh vực này. Cần phát huy vai trò của hệ thống giáo dục, đào tạo quốc dân, các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị, đưa nội dung truyền bá, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào chương trình giảng dạy, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý và nhà giáo để đủ năng lực và điều kiện làm tốt nhiệm vụ này. Phát huy các kênh truyền thông, báo chí, nhà xuất bản, các trang mạng của các cơ quan, tổ chức để thường xuyên xã hội hóa kết quả nghiên cứu lý luận, đồng thời phổ biến, lan tỏa việc thật, người thật, làm cơ sở thực tiễn sinh động, mang lại hiệu quả thông tin cao nhất. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải làm tốt vai trò là một chiến sĩ tư tưởng trên mặt trận không gian mạng. Thông qua tài khoản cá nhân chính danh trên mạng xã hội của mình, cán bộ, đảng viên thể hiện rõ thái độ, trách nhiệm của mình đối với kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một khi hàng triệu đảng viên thường xuyên thể hiện quan điểm đúng đắn, trách nhiệm trên mạng xã hội sẽ làm lan tỏa trong quần chúng, tạo thành lực lượng đông đảo, làm dâng cao tinh thần dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển của dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
[1] V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2005, tr.165.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.307.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.291.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.290.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.290.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19-1-2011). Điều 1 khoản 1.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. TL đã dẫn. Điều 9 khoản 4.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 2. Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.324.
TS. Trương Thị Bạch Yến