Sức xuân trên đất sen hồng

Một góc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Báo Nhân Dân).

Nhiều thành tựu mang tính “thương hiệu”

5 năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 6,44%, GRDP bình quân đầu người đạt 54,5 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và toàn diện. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; Đồng Tháp dẫn đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, Đồng Tháp 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2019, tỉnh đứng thứ 2 cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; giữ vững top 3 chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh...

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: “Đồng Tháp là một trong số ít tỉnh xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện có hiệu quả việc tạo dựng hình ảnh địa phương - một Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp có nhiều mô hình mới, với cách làm sáng tạo. Cả nước biết đến Đồng Tháp với mô hình “Chi bộ cánh đồng”. Đầu tiên là Chi bộ Bình Tiến (Đảng bộ xã Phú Đức, huyện Tam Nông), được thành lập ngày 25-4-2014 ngay tại “Cánh đồng liên kết” (mô hình dồn ruộng, liên kết doanh nghiệp với nông dân), sau được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cơ sở, “Chi bộ cánh đồng” đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, các đoàn thể như Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ... ở “Cánh đồng liên kết”. Qua đó, sắp xếp lại sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, làm thay đổi ý thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân sang hướng sản xuất tập trung, hiện đại, kịp thời nắm thông tin để vận động doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ những khó khăn, tạo mối liên kết ổn định, lâu dài, gắn kết sản xuất với tiêu thụ hàng hóa. Ở “Chi bộ cánh đồng”, mỗi đảng viên đã gương mẫu, đi đầu trong hoạt động sản xuất, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và Đề án chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện.

Đồng Tháp cũng là địa phương đầu tiên ở miền Tây hình thành, phát huy hiệu quả mô hình “Hội quán” để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các hội quán được thành lập theo nguyên tắc “tự nguyện, tự lực, tự quản”, tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như làm lúa sạch, trái cây, làm bột, hoa kiểng, nhãn, cam, quýt, xoài… Các hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi; kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân… Từ Canh Tân Hội quán thành lập năm 2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, nay Đồng Tháp có 90 hội quán với hơn 5.000 thành viên.

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, BTV Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nêu gương và kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Theo đó, các cấp thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, với các tiêu chí cụ thể như: Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ vững sự đoàn kết thống nhất nội bộ, trách nhiệm với công việc được giao; gương mẫu trước cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đi vào chiều sâu; tập trung kiểm điểm làm rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phong cách, lề lối làm việc... Nội dung kiểm điểm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, toàn tỉnh đã xác định 140 mô hình hay trên các lĩnh vực, tôn vinh 937 tập thể và 5.406 cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việc tinh gọn bộ máy ở các cấp trong tỉnh được tiến hành bảo đảm, đúng lộ trình theo Đề án của BTV Tỉnh ủy, từng bước giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm biên chế, giảm số người hoạt động không chuyên trách. Qua đó, giảm chi thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã thành lập văn phòng chung của cấp ủy cấp tỉnh và các ban xây dựng Đảng; tinh giản đầu mối bên trong các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh. Thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức mới ở cấp huyện, cấp xã, như: Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện; Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khóm (đạt 100% từ năm 2019)… Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy tiến hành sáp nhập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh; BTV các huyện, thị, thành ủy thành lập các đảng bộ cơ sở khối trực thuộc cấp ủy huyện; giảm các chi bộ có ít đảng viên; sáp nhập xã Thường Thới Hậu B với xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự… Từ đó, số tổ chức đảng giảm so với nhiệm kỳ trước.

Cùng với việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên hằng năm, Đồng Tháp là điểm sáng trong thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Toàn tỉnh đã phát triển được 17 TCCSĐ (7 đảng bộ và 10 chi bộ) trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước với 865 đảng viên, kết nạp 374 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, trong đó có 9 chủ doanh nghiệp tư nhân.

Đồng Tháp còn là địa phương tích cực xây dựng chính quyền thân thiện phục vụ Nhân dân với nhiều mô hình hay. Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền trên sóng phát thanh” là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Tỉnh đã thực hiện tốt việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại trực tiếp (định kỳ và đột xuất) với Nhân dân. Những thông tin phản ánh của Nhân dân là cơ sở giúp các cấp ủy, chính quyền thăm dò, kiểm nghiệm thực tiễn, đánh giá cán bộ, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, chính sách cho phù hợp tình hình thực tế, góp phần quan trọng thực hiện công tác cán bộ và cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Khát vọng chinh phục những đỉnh cao

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ chủ chốt của tỉnh khóa mới gồm nhiều cán bộ trẻ tuổi, có uy tín. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, 42 tuổi, trẻ nhất trong số các bí thư tỉnh ủy của cả nước (kết quả bầu cử 51/51 phiếu), đang tràn đầy khát vọng cống hiến. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng (54 tuổi) là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác đảng, chính quyền do có nhiều năm giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (54 tuổi) và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang (43 tuổi), Huỳnh Minh Tuấn (40 tuổi) đều là những người có năng lực và uy tín.

Phát biểu sau khi nhậm chức, đồng chí Lê Quốc Phong chia sẻ: “Chỉ số năng lực cạnh tranh và các chỉ số, chỉ tiêu khác mà những năm qua Đồng Tháp đạt được là điều rất đáng tự hào. Đây là nền tảng tốt và chúng tôi đang thừa hưởng. Có nhiều chỉ tiêu cao nhưng chưa phải là đỉnh nên chúng tôi cần làm tốt và tốt hơn nữa so với nhiệm kỳ cũ”. Đồng chí khẳng định: “Những thành tựu, vị thế của Đồng Tháp hiện tại là nền tảng thuận lợi để nhiệm kỳ mới, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực, làm tốt hơn nữa”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI đã đặt ra mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD); tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 42%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn dưới 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 57%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới); có 30 giường bệnh/1 vạn dân; có 10,5 - 11 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 98% hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch; 100% chất thải nguy hại được xử lý. Đại hội cũng đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 95%; tỷ lệ đảng viên chiếm trên 4% dân số; có 70% ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội, hội quán, tổ nhân dân tự quản hoạt động từ khá trở lên...

Đại hội cũng đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; Khai thác tiềm năng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người toàn diện và bảo đảm an sinh xã hội; Xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Phát huy dân chủ XHCN đi đôi với kỷ cương, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhân dân; Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác dân vận và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm ổn định và phát triển.

Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đến đảng viên và Nhân dân; triển khai xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch năm 2021 thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp tục tham mưu phân công công tác đối với cấp ủy viên; kiện toàn, sắp xếp cán bộ sau đại hội theo đề án nhân sự đã xây dựng gắn với kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021...

Hai là, tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Thực hiện đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng liên tục, xuyên suốt, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian rèn luyện và thử thách qua thực tiễn. Tiếp tục thực hiện tốt các công việc thường xuyên khác như chính sách cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát, công tác đảng viên...

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương. Sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Tiếp tục thẩm định, hoàn thiện việc xây dựng danh mục, bản mô tả vị trí việc làm và triển khai thực hiện bảng lương theo chức danh, chức vụ lãnh đạo; vị trí việc làm; phụ cấp theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị của Đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết số 03-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khoá X về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn, nhất là việc đổi mới nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ, đảng bộ từng bước đúng thực chất.

Bốn là, tham mưu cho cấp ủy đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ để tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Năm là, xây dựng Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan và đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức - cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp. Mỗi cán bộ, công chức chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác cho cá nhân, cơ quan, đơn vị và tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng: “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”. Thực hiện nghiêm túc “3 không” (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Tập trung chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh chống chạy chức, chạy quyền.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất