5 giải pháp để cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân nêu gương có hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75.

Từ cách làm cụ thể...

Đảng ủy CATW và các cấp ủy trực thuộc đã tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nội dung các quy định về nêu gương đến cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ; chủ động, cụ thể hóa các quy định phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị; ban hành hướng dẫn, kế hoạch hoặc công văn chỉ đạo thực hiện như Quy định số 136/QĐ/ĐUCA ngày 6-8-2012, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định số 01-QĐi/ĐUCA ngày 28-1-2019 của Đảng ủy CATW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Đảng ủy CATW, ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương.

Đảng ủy CATW và các cấp ủy đảng trực thuộc đã tập trung chỉ đạo thực hiện quy định nêu gương gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong Công an nhân dân như: Phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc, Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; Cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ... Đồng thời, hướng dẫn cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc bổ sung nội dung nêu gương vào trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy. Từ đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ CATW nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm nêu gương; cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, làm căn cứ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hằng năm. Trong ngành Công an đã xuất hiện một số cách làm, phong trào hiệu quả như: Viết thu hoạch, viết đăng ký làm theo tấm gương của Bác; “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”; “Khắc ghi lời Bác - phấn đấu làm theo”; “Việc gì nhỏ mà xấu cũng bỏ - việc nhỏ mà tốt cũng làm”; “Làm hết việc chứ không hết giờ”...   

Sau một thời gian triển khai thực hiện quyết liệt bằng nhiều hình thức, biện pháp, đã có những biến chuyển sâu sắc trong cán bộ, đảng viên của Đảng bộ CATW. Hầu hết cán bộ, đảng viên đã thể hiện thái độ tích cực hơn trong đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gương mẫu trong học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đề cao trách nhiệm trong công tác, ý thức phục vụ nhân dân, trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và sinh hoạt hằng ngày; gương mẫu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệnh Công an nhân dân, nội quy, kỷ luật công tác, chiến đấu, lao động, học tập của Ngành, của đơn vị và địa phương nơi cư trú. Công an nhân dân là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ nên việc thực hành nêu gương có vai trò hết sức quan trọng, cần thiết, phải được tiến hành một cách rộng rãi.

Một trong những nguyên tắc đặc thù của lực lượng vũ trang là cấp dưới phục tùng, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Chính vì thế, để thực hành nêu gương một cách rộng rãi thì người lãnh đạo, chỉ huy phải là người đi đầu trong phong trào này. Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6-8-2019 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã xác định rõ ngay tại Điều 1: “Bộ Công an có chức năng: ...đấu tranh phòng, chống tội phạm trong phạm vi cả nước; trực tiếp đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...”. Như thế, đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những chức năng đặc biệt quan trọng của lực lượng Công an, mang đặc thù riêng biệt. Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị chiến đấu là hết sức nặng nề nên quá trình thực hành nêu gương theo quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị này cũng có những điểm khác biệt so với các đơn vị khác trong lực lượng Công an, vì thế, cần có những giải pháp để thực hành nêu gương phù hợp

...Đến giải pháp phù hợp


Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân phải luôn giữ lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tự giác, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt và bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Luôn kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy cấp trên về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gắn việc nêu gương với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Chỉ thị số 04 của Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Lãnh đạo, chỉ huy thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của xã hội với rất nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần khác nhau của xã hội từ những người tri thức có trình độ học vấn đến những đối tượng lưu manh, cộm cán “có số” ngoài xã hội. Bên cạnh đó, họ còn tiếp xúc với những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc... Vì vậy, họ phải luôn vững vàng về mặt tư tưởng chính trị, chống các biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đơn vị, của Ngành, góp phần tốt nhất cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân trong khi tiến hành đấu tranh phòng, chống tội phạm phải đối mặt, chịu áp lực từ nhiều phía, thậm chí là từ chính trong nội bộ Ngành. Quá trình đấu tranh với tội phạm không thể tránh khỏi đụng chạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức, thậm chí phải hạn chế các quyền công dân khi cần thiết (áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam...) để bảo đảm giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nhiều đối tượng phạm tội đã lợi dụng các mối quan hệ để gây sức ép, thậm chí có trường hợp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Chính vì vậy, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cần nêu gương, kiên quyết thể hiện tinh thần đấu tranh với tội phạm một cách quyết liệt, không khoan nhượng với cái xấu. Người lãnh đạo, chỉ huy làm được như vậy sẽ khiến cấp dưới nể trọng, có thêm động lực để kiên quyết đấu tranh với tội phạm, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều bị xử lý thích đáng.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ huy Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải là tấm gương về trình độ nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật sâu sắc. Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc áp dụng quy định của pháp luật mà cụ thể là Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hành chính, Luật Dân sự... được tiến hành thường xuyên. Người cán bộ Công an phải “giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật”. Bên cạnh nắm chắc pháp luật, áp dụng đúng pháp luật vào thực tiễn công tác, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải vững vàng về nghiệp vụ Công an. Nếu không nắm chắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nắm vững nghiệp vụ trong điều tra cũng như phòng ngừa tội phạm, ít kinh nghiệm trong việc tiến hành các hoạt động này thì người lãnh đạo, chỉ huy không thể chỉ đạo sâu sát đối với cấp dưới được. Vì thế, người lãnh đạo, chỉ huy luôn luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng, hiểu biết pháp luật, nghiệp vụ để không ngừng nâng cao trình độ của mình. Thực tế cho thấy, khi cấp dưới nể phục về trình độ của người lãnh đạo, chỉ huy thì sẽ trung thành, hết lòng thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nếu cấp dưới chưa thấy được trình độ của cấp trên thì việc tuân thủ mệnh lệnh chỉ là về mặt hành chính, hiệu quả công việc sẽ không cao. Người lãnh đạo, chỉ huy trong công tác này buộc phải nắm vững, làm tốt và nêu gương trước cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong đơn vị mình quản lý.

Thứ tư, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải là tấm gương về ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ trong đơn vị mình quản lý. Cán bộ, đảng viên Công an nhiều khi phải tiến hành nhiều mặt công tác từ công khai đến bí mật. Cho dù là mặt công tác nào cũng phải chấp hành tốt quy định của Ngành, chấp hành tốt điều lệnh Công an nhân dân. Quá trình triển khai các biện pháp công khai, người lãnh đạo, chỉ huy cần gương mẫu về các thủ tục tiến hành, về lễ tiết tác phong, đặc biệt quá trình tiếp xúc với nhân dân phải đúng mực, giữ gìn hình ảnh người Công an, chấp hành nghiêm chỉnh về trang phục Công an, trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Mặt khác, quá trình tiến hành các biện pháp nghiệp vụ bí mật, người lãnh đạo, chỉ huy cần gương mẫu chấp hành các quy định riêng của ngành Công an, không tùy tiện áp dụng các biện pháp, không bằng mọi giá để có thông tin về tội phạm mà vi phạm quy định. Bên cạnh đó, người lãnh đạo, chỉ huy cần nêu gương về cách làm việc khoa học, tránh hành chính, áp đặt nhưng cũng không được buông lỏng với cấp dưới. Ngoài ra, người lãnh đạo, chỉ huy cũng cần chú trọng đến đoàn kết trong đơn vị. Bởi vì đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi phải có sức mạnh của tập thể. Một người lãnh đạo, một cán bộ sẽ không thể tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, người lãnh đạo, chỉ huy cần phải là tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết. Cụ thể, phải đoàn kết trong cấp ủy, ban chỉ huy, tập thể lãnh đạo đơn vị cũng như đoàn kết giữa lãnh đạo, chỉ huy với anh em cán bộ, chiến sỹ cấp dưới. Chỉ đơn vị nào có được sự đoàn kết thống nhất thì cán bộ cũng như lãnh đạo, chỉ huy mới có tinh thần làm việc tốt, hiệu quả công việc cao. Đặc biệt, đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi phải có sự hiệp đồng giữa các cá nhân, giữa các lực lượng trong đơn vị nên đoàn kết nội bộ là điều vô cùng cần thiết.  

Thứ năm, người lãnh đạo, chỉ huy ngoài những nội dung nêu gương theo quy định thì trong công tác chiến đấu, đấu tranh phòng, chống tội phạm cần biết lắng nghe, nhạy bén, có năng lực dự báo, biết nắm bắt thời cơ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, minh bạch trong công tác cán bộ, trong đó bố trí, sử dụng cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm phải theo đúng năng lực, sở trường nhằm phát huy tốt nhất điểm mạnh của cán bộ. Những đồng chí có năng khiếu trinh sát thì phải được bố trí làm trinh sát, nếu “ép” họ làm điều tra sẽ khó hoàn thành tốt công việc; nhưng những đồng chí cẩn thận, làm chắc chắn hồ sơ, nắm vững pháp luật, khả năng trinh sát hạn chế thì nên được bố trí làm công tác điều tra tố tụng.

Tình hình tội phạm những năm qua trên cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp xuất phát từ những tác động khách quan của xã hội, cũng như từ yếu tố chủ quan của chủ thể thực hiện tội phạm. Mỗi địa bàn khác nhau thì tình hình, xu thế vận động của tội phạm ở mỗi giai đoạn khác nhau. Chính vì vậy, người lãnh đạo, chỉ huy cần thường xuyên nắm bắt địa bàn, từ đó, đưa ra những dự báo cần thiết trong tương lai về tình hình tội phạm, xây dựng kế hoạch, chuyên đề, phương án đấu tranh cụ thể với từng nhóm, loại tội phạm. Người lãnh đạo, chỉ huy  làm được điều này thì cán bộ cấp dưới mới học tập và xây dựng tư duy làm theo phương pháp đó.

Bên cạnh đó, người lãnh đạo, chỉ huy cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện việc nêu gương của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy gắn liền với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, khen thưởng, kỉ luật đúng, kịp thời. Trên cơ sở đó, phát hiện những gương điển hình trong thực hiện nêu gương để nhân rộng cũng như những tồn tại hạn chế trong thực hiện nêu gương để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất