Hải Dương nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường


Lực lượng chức năng ở  huyện Kinh Môn kiểm tra ngăn chặn khai thác cát trái phép.

Tuyên truyền các văn bản pháp luật

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện những chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, đề án của tỉnh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, xây dựng, ban hành và chỉ đạo triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai các quy định của pháp luật, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Cụ thể: Quyết định số 35/2017/QĐ-UBND ngày 23-12-2017 sửa đổi, bãi bỏ một số nội dung bảng giá đất; Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 14-3-2018 ban hành quy định quản lý, vận hành và yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 1-10-2018 ban hành quy định hạn mức giao đất ở hạn mức công nhận đất ở diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương (thay thế các Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 21-11-2014 của UBND tỉnh về ban hành Quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 15-12-2016 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 21-11-2014).

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Khoáng sản, Luật Đo đạc bản đồ... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác tài nguyên và môi trường cho các tổ chức, cộng đồng bằng nhiều hình thức như thông qua việc tổ chức các hội nghị, các lớp bồi dưỡng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên

Lĩnh vực quản lý đất đai

Công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai được tăng cường và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đất đai được quản lý, sử dụng ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả. Các địa phương tiếp tục thực hiện xử lý đất xen kẹp, đất dôi dư trong khu dân cư theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của chính quyền các cấp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tập trung đôn đốc và triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản cho các tổ chức, cá nhân; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và xử lý những vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hải Dương, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt; Dự kiến phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (thực hiện sau khi Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hải Dương được Chính phủ phê duyệt).


Trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu, đề nghị UBND tỉnh ban hành 130 văn bản ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình; quyết định thu hồi đất 1 tổ chức không còn nhu cầu sử dụng đất với diện tích 1.160 ha. Thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất cho 140 dự án, công trình có sử dụng đất; giao đất để thực hiện 69 dự án với diện tích 253,26 ha; cho thuê đất đối với 83 tổ chức, diện tích 390,1 ha; chuyển mục đích sử dụng đất 76 hồ sơ với diện tích 63,43 ha để xây dựng điểm dân cư, chỉnh trang khu dân cư, khu đô thị. Thực hiện chỉnh lý biến động đất đai vào sổ địa chính cho 972 tổ chức. Thẩm định điều kiện chuyển nhượng cho 13 tổ chức kinh doanh đất ở. Kiểm tra các hoạt động về đo đạc bản đồ; kiểm tra việc quản lý công trình đo đạc theo phân cấp. Thẩm định 4 phương án thiết kế kỹ thuật và dự toán (công trình đo đạc chỉnh lý trích lục bản đồ phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng nâng cấp đường 389B, công trình đo đạc chỉnh lý trích lục bản đồ phục vụ dự án đường nối cầu Hàn với QL37, công trình đo đạc chỉnh lý trích lục bản đồ phục vụ dự án đường trục Bắc – Nam).

Lĩnh vực quản lý khoáng sản

Tiếp tục rà soát một số quy hoạch khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện dự án khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản, chất lượng nguồn nước được các cấp, các ngành tăng cường, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm rõ rệt. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trình được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; trình UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đề án đóng cửa mỏ; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các khu vực; gia hạn thời gian thu hồi khoáng sản; bổ sung khu vực vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh; chấp thuận kế hoạch khảo sát, lấy mẫu để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản cho các khu vực. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản đối với các doanh nghiệp; kiểm tra, bàn giao mốc các điểm khép góc khu vực thu hồi khoáng sản, mốc các điểm khép góc khu vực khai thác khoáng sản, mốc các điểm khép góc khu vực thăm dò khoáng sản đối với các doanh nghiệp. Yêu cầu 3 doanh nghiệp dừng hoạt động khai thác khoáng sản do giấy phép hết hạn hoặc có nhiều hạn chế, tồn tại, chậm khắc phục.

Lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra thực địa, thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; nước mặt; xả nước thải vào nguồn nước. Đôn đốc, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với 7 doanh nghiệp có hoạt động tài nguyên nước theo kế hoạch năm 2018; thực hiện Dự án “Điều tra, lập danh bạ giếng khoan phải xử lý phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước” và Dự án “Điều tra, đánh giá và khoanh vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Sở cũng đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Hải Dương và nhiệm vụ đánh giá khí hậu tỉnh Hải Dương. Xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu của tỉnh Hải Dương; xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

Còn những khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên đất, khoáng sản, nước... vẫn còn những hạn chế: Việc kiểm tra đôn đốc trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chấp hành pháp luật của người sử dụng đất chưa thật thường xuyên; công tác thu hồi đất để thực hiện một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án, các công trình xây dựng nông thôn mới; xử lý những vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa triệt để; công tác hoàn thiện hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa tại các huyện, thị xã chậm triển khai; tình trạng khai thác trái phép khoáng sản ở một số địa phương có thời điểm còn tái diễn, đặc biệt là việc khai thác cát, đất đồi, đất sét trái phép.

Tình trạng khai thác đất sét làm gạch ngói và khai thác cát lòng sông trái phép, gây sạt lở đất đai, ảnh hưởng đến đê điều, cảnh quan môi trường và bức xúc trong nhân dân có thời điểm vẫn còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh.

Tài liệu, dữ liệu về tài nguyên nước còn thiếu; mạng lưới quan trắc tài nguyên nước còn mỏng. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nghiêm. Hầu hết các khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung song chưa đồng bộ hoặc quy mô hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu.

Khí tượng thủy văn là lĩnh vực chuyên môn được quản lý và sử dụng theo hệ thống ngành dọc nên công tác quản lý có những hạn chế, bất cập. Chưa có cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành về lĩnh vực khí tượng thủy văn.

Những việc cần làm

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cần tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để thực hiện trên địa bàn tỉnh; rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản của tỉnh không còn phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương; đánh giá khách quan tình hình thi hành chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn, xác định những bất cập, điểm nghẽn, lỗ hổng để khắc phục kịp thời; đề xuất những chính sách mới, phù hợp với thực tiễn để tạo sự đột phá cho phát triển.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị trong Ngành Tài nguyên và Môi trường; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cán bộ Ngành Tài nguyên và môi trường ở địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. 

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tiếp tục thực hiện và áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN-ISO 9001:2008, 9001:2015 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 1-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tiếp tục tăng cường trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục vận hành chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính TP. Hải Dương. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp khi thực thi công vụ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường trên cơ sở bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, định hướng của Thanh tra tỉnh. Tăng cường chỉ đạo tổ chức đối thoại, giải quyết vấn đề bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện của người dân ngay từ cấp cơ sở theo tinh thần thượng tôn pháp luật, hạn chế tối đa xảy ra khiếu kiện vượt cấp, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất