Kon Tum vang nhịp chiêng xuân
Hoa anh đào khoe sắc trên cao nguyên Măng Đen (Kon Tum).

Vóc dáng chuyển mình, hội nhập

Nhớ lại thời điểm cuối năm 1991, Kon Tum “ra riêng” với khốn khó trăm bề. Cơ sở hạ tầng gần như không có gì, tỷ lệ nghèo đói trên 65%. Nhưng người Kon Tum có tài sản quý giá là truyền thống yêu nước, lòng tin son sắt, thủy chung với Đảng, cùng bản lĩnh vượt khó và một ý chí quyết tâm thoát nghèo, làm giàu trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Suốt hơn một phần tư thế kỷ qua, Kon Tum sôi động tựa một công trường hối hả. Những con đường lớn rộng mở đang phá thế ngõ cụt bao năm. Trước đây, Kon Tum chủ yếu là làm nông nghiệp với cây lúa và nông sản quay vòng trên đất dốc, đồi cao nhưng vẫn lo về thiếu lương thực thì đến cuối cuối 2019, toàn tỉnh đã có trên 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ chỗ không có một nhà đầu tư nào thì giờ đây, các khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai... đang dần được “lấp đầy”. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y - vùng đất ngã ba Đông Dương, khu du lịch sinh thái Măng Đen đang đêm ngày hối hả mời gọi đầu tư, trở thành nơi khởi đầu, đột phá phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngày mới tách tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ trên dưới 10 tỷ đồng, chưa đủ để sắm sửa trang bị thiết yếu phục vụ hoạt động của các sở, ngành. Vậy mà năm 2019 này, lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.124 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh khởi sắc, riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 8,78%; thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhanh, đạt 1.704 USD/năm.

Cơ cấu kinh tế ở Kon Tum đã tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, dần hình thành các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến cao su, cà phê Đăk Hà, Thanh Hương, Da Vàng, sâm Ngọc Linh; rượu sim Măng Đen... Toàn tỉnh hiện có 27 dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao còn hiệu lực, đang được triển khai với tổng vốn đăng ký đạt gần 7.000 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen; dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen của Tập đoàn Vingroup; dự án đầu tư trang trại thực nghiệm rau, hoa, củ theo công nghệ Nhật Bản của Công ty Cổ phần Nông trại xanh Măng Đen; dự án đầu tư trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế của Công ty TNHH Biophap; Tập đoàn FLC đã khởi công Khu đô thị Legacy cao cấp đầu tiên tại TP. Kon Tum và mới đây, Tập đoàn TH đã ký biên bản ghi nhớ về đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái là những tín hiệu vui từ chủ trương của Tỉnh ủy về thu hút đầu tư.

Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Kon Tum luôn chú trọng hội nhập kinh tế quốc tế. Đã chủ động tích cực triển khai các thỏa thuận, nội dung hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam; chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng và trong quan hệ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia. Đồng thời, tỉnh đã tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung và TP. Hồ Chí Minh.

Trái ngọt từ ý Đảng, lòng Dân

Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi đã gặp rất nhiều đại biểu tiêu biểu, đại diện cho khắp các buôn làng về dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ III. Từ vị tướng của dân tộc Giẻ Triêng Đinh Hồng Đe đã ngoài 70 tuổi đến bà Y Hếp, thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, ông A Khuất, làng Đăk Mút, xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà, bà Y Liên, thôn Mô Tả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông... Họ đều có chung cảm nhận rằng buôn làng Kon Tum đã đổi thay nhanh quá, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Cho dù ở tít tắp vùng sâu, người dân đã không còn chỉ lo cho “cái bụng” mà còn hướng đến của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Mừng vui hơn cả là trên mỗi buôn làng, từ Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Hà, Kon Rẫy... đã thấy một thế trận lòng dân, quốc phòng - an ninh bền vững. Đó là thành quả của một hệ thống chính trị vững vàng từ tỉnh đến các buôn làng, là nhân tố để ổn định và phát triển.

Ông A Ku, Phó Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện vùng sâu Tu Mơ Rông cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi cây trồng, làng Pu Tá quê ông đã có trên 40 hộ trồng được cây sâm dây Ngọc Linh từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, đời sống bà con Xơ Đăng trong xã ngày càng được cải thiện. Còn tại xã vùng cao Đăk Tăng, huyện Kon Plông, không ai nghĩ  rằng mới ngoài 20 tuổi, chàng trai A Nga với tấm bằng cử nhân Luật trở về quê hương để khởi nghiệp từ đồng đất của buôn làng, vươn lên lập nghiệp từ sóc, bảo vệ đất rừng và trồng cây ăn quả. Đó còn là ông A Grin, người dân tộc Gia-rai ở làng Lung, xã Ya Xia, huyện biên giới Sa Thầy luôn gương mẫu, đi đầu dìu dắt bà con trong làng vươn lên, không cam chịu nghèo khó để thoát nghèo, làm giàu trên quê hương của mình. Với già làng A Chông ở thôn Đăk Long, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà thì hồ hởi: “Nhà mình nuôi được heo, có làm ghè rượu nếp ngon lắm, Tết này mời cán bộ về nhà mình nhé”!

Đến Kon Tum hôm nay, ta nghe âm hưởng từ cuộc sống dội về như nặng sâu tình Dân, nghĩa Đảng. Người Kon Tum chất phác và thuần hậu. Nhưng bên trong vẻ thuần hậu, chất phác ấy là sự thông tuệ, bản lĩnh được chưng cất, kết tinh từ truyền thống văn hóa đã ngàn xưa. Để rồi hôm nay, đồng bào các dân tộc Kon Tum lại siết chặt tay, viết tiếp bản đại hợp xướng hào hùng về chủ đề cách mạng, về tấm lòng trung trinh, son sắt với Đảng, với quê hương Kon Tum kiên cường và anh dũng. Những kỳ tích trên chặng đường mới đã minh chứng cho sự chỉ lối, soi đường của Nghị quyết hợp quy luật, đúng lòng dân của Đảng; biết dựa vào dân, bắt nhịp hơi thở cuộc sống của Nhân dân, cùng chung sức đứng lên, bước tiếp trong tâm thế vững vàng để kiến thiết, dựng xây vùng đất ngã ba biên giới thân yêu.                                                                                                                                               
Xuân Canh Tý - trở về với Kon Tum, vùng đất nắng gió ân tình giữa mùa Xuân  của những tiếng cồng chiêng trầm hùng, của tiếng đàn Tơ- rưng, Krông-put dịu ngọt, thiết tha… Ở đó còn có những tiếng chim rừng lánh lót giữa một màu xanh thẳm của núi rừng rất đỗi bình yên.

Hãy nổi cồng chiêng lên, cho tiếng chiêng thanh âm vang khắp núi rừng, cho tiếng cồng trầm thấm đượm vào đất đai, sông suối ngàn đời của ông cha để lại. Và trên khắp buôn làng Kon Tum xanh thẳm lại rộn một âm thanh đã trở thành sức mạnh, niềm tin, vang vọng bài ca Kết đoàn trong dựng xây, kiến thiết…


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất