Sau khi có Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 5-10-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 572), xác định đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường khối đại đoàn kết Quân - Dân trong tình hình mới, Đảng ủy Quân sự tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt phổ biến sâu rộng đến từng cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, quần chúng trong các cơ quan, đơn vị. Từ đó, nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang tỉnh về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc được nâng lên.
|
Đại tá Phạm Văn Đông (thứ ba từ phải sang), Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 572. Ảnh: Trần Dũng.
|
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã cụ thể hóa Chỉ thị 572 bằng nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, như Kế hoạch số 3389/KH-BCH ngày 11-11-2016 về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc thù của lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2021; Nghị quyết số 86-NQ/ĐU ngày 12-10-2020 của Đảng ủy Quân sự tỉnh “Về công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”; Kế hoạch số 5288/KH-BCH ngày 6-10-2021 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về “Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị hỗ trợ an sinh xã hội”... Bám sát các nghị quyết, kế hoạch hành động của cấp ủy cấp trên, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, nền nếp công tác công tác dân tộc. Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 572 gắn với thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, công tác dân tộc và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Hằng năm tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp với các ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các phong trào, các cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu...
Đảng ủy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức 16 buổi tập huấn cho 1.120 lượt người về kiến thức khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất; gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận thực hiện 4 cùng với Nhân dân “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với phương châm “Kiên trì, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ”; 1.543 buổi tuyên truyền với 83.624 lượt người tham gia để tuyên truyền, vận động đồng bào ổn định đời sống, không di cư tự do, vượt biên, buôn bán sử dụng các chất ma túy, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh; không nói và làm theo các luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua tuyên truyền, vận động, đồng bào đã tự giác chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền các cấp; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp công tác cho 413 lượt cán bộ, chiến sỹ làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động 7.984 lượt hộ đồng bào Mông không di cư trái pháp luật sang Lào và các tỉnh Tây Nguyên, 574 hộ dân không tái trồng cây thuốc phiện; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 14.735 lượt người; tham gia giúp vận chuyển vật liệu làm nhà cho 1.475 hộ gia đình ở các xã vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương), Hủa Na (huyện Quế Phong).
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương vững mạnh. Trọng tâm là nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiệu quả quản lý chính quyền cơ sở và năng lực tập hợp quần chúng của các tổ chức chính trị - xã hội. Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với cấp ủy, chính quyền củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của 13 đảng ủy xã, 254 chi bộ thôn, bản; 75 ban công tác mặt trận Tổ quốc thôn, bản và 54 tổ chức chính trị - xã hội; phát hiện và giới thiệu 3.542 đoàn viên ưu tú là cán bộ, chiến sỹ, lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bồi dưỡng lớp cảm tình Đảng, giới thiệu cho cấp ủy địa phương kết nạp mới 517 đảng viên, đạt tỷ lệ 14,5%. Tham gia củng cố các tổ chức đảng ở các xã Mường Típ, Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn); Cắm Muộn, Nậm Giải (huyện Quế Phong); Yên Tĩnh, Yên Na, Nga My (huyện Tương Dương); Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Thủy (huyện Thanh Chương); bồi dưỡng 33 đồng chí là cán bộ trưởng thôn, bản nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở; 17 tổ chức quần chúng (Đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ...) từ yếu vươn lên hoạt động khá, nên tỷ lệ tập hợp hội viên từ 65% lên đạt 80-85% hội viên tham gia hoạt động.
Tham mưu hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp thực hiện tốt công tác tuyển gọi 6.357 thanh niên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất chính trị, sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh các cấp tổ chức mở 34 lớp cho 2.527 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trưởng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và các đối tượng là trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh bảo đảm chất lượng; lựa chọn giới thiệu 394 đồng chí dân quân tự vệ cử đi đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham mưu, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia cùng cấp ủy, chính quyền hòa giải thành công 13 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, 7 vụ phức tạp liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo đền bù giải phóng mặt bằng khu tái định cư các dự án Thủy điện (Quế Phong, Tương Dương)... góp phần giúp đồng bào yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Tổ chức được 23 buổi chiếu phim, 31 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, làm mới 247 bộ pa-nô, áp-phích tuyên truyền về công tác bầu cử; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức 17 cuộc gặp mặt các người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ ở 6 huyện miền núi, rẻo cao.
Quán triệt và tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới... Trong 10 năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động 7.642 lượt cán bộ, chiến sỹ đóng góp hơn 75 ngàn ngày công; làm mới 272km đường giao thông nông thôn, nạo vét, tu sửa hơn 153km kênh mương thủy lợi, làm mới 8 cầu tạm, vận động nhân dân hiến 42.754m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi với tổng trị giá số tiền hơn 11 tỷ đồng. Đặc biệt từ năm 2012, theo quyết định phân công của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nhận giúp đỡ xã nghèo Nậm Giải, huyện Quế Phong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ trên 80% (năm 2012) xuống còn 24% (năm 2021), được cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo giúp xã nghèo UBND tỉnh đánh giá cao.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng địa phương, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục tập quán, nếp sống của đồng bào các dân tộc. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiệu quả, thiết thực; phối hợp mở 4 lớp xóa mù chữ cho 342 lượt đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Phối hợp Đoàn kinh tế Quốc phòng 4, các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn giúp các xã nghèo miền Tây phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” và phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hằng năm, cấp ủy, chỉ huy các cấp chủ động phối hợp với các lực lượng, đã huy động hơn 25.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, 179 lượt phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, theo đúng phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống. Trong thời gian dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát (năm 2020, 2021), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các biện pháp trong phòng, chống dịch. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã huy động trên 3.900 lượt cán bộ, chiến sỹ và lực lượng dân quân tự vệ, phục vụ 28 điểm cách ly 33.000 công dân; trong đó có hơn 4.500 công dân là người dân tộc thiểu số; đón hơn 100.000 công dân từ các tỉnh phía Nam về các địa phương bảo đảm an toàn. Tu sửa, nâng cấp 12 trạm y tế; 16 phòng học, nhà ăn bán trú; xây 34 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, “nhà 100 đồng”; hỗ trợ 45 con bò giống trao tặng cho 45 hộ gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn; tổ chức khám tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí 12 đợt cho 3.536 lượt người, mua sắm tặng vật tư trang thiết bị y tế cho các trạm xá quân dân y... Triển khai thực hiện tốt các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như: Trồng chè san tuyết, cỏ voi, trồng bí xanh, giúp dân no đủ - tự chủ bản làng ở Kỳ Sơn; khai hoang, cải tạo ruộng trồng lúa nước ở Tương Dương; trồng chanh leo sử dụng phân dúi, nuôi bò sinh sản ở Quế Phong; cam giống mới ở Quỳ Hợp... Từng bước giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.
Đảng ủy, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với quân nhân là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp khó khăn đột xuất, quân nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các chế độ liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đề bạt quân hàm, nâng lương theo các văn bản quy định, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng.
Hiện nay có 127 cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó có 7 đồng chí giữ chức vụ chỉ huy cấp Trung đoàn và tương đương, 9 đồng chí chỉ huy cấp Tiểu đoàn, 6 đồng chí chỉ huy cấp Đại đội và 4 đồng chí chỉ huy Trung đội; thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sỹ là người đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chế độ, chính sách hậu phương Quân đội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; hỗ trợ giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống, an tâm công tác.
Đảng ủy Quân sự đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở phối hợp với trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã mở 19 lớp cho 665 thanh niên ưu tú là người dân tộc thiểu số bồi dưỡng nhận thức về Đảng trước khi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự; kết nạp mới 49 đảng viên là quân nhân người dân tộc thiểu số. Phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.773 lượt quân nhân xuất ngũ là người dân tộc thiểu số.
Hằng năm, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm công tác tham mưu, đề xuất cử cán bộ là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cho cơ sở, kết quả: Đào tạo, bồi dưỡng 83 đồng chí tại các nhà trường; cử tuyển 55 em, tuyển sinh quân sự 225 em vào các trường đại học, cao đẳng trong Quân đội, từ năm 2012 đến nay đã cử 1.251 đồng chí đi đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, trong đó học Trung cấp 960, Cao đẳng 144, Đại học 147 đồng chí; điều động 95 đồng chí chỉ huy trưởng, chỉ huy phó là cán bộ dân tộc thiểu số của ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn đi đào tạo các trường đại học, cao đẳng trong Quân đội; đặc biệt có 1.087 lượt cán bộ quân sự tham gia vào HĐND các cấp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thông qua nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị hằng năm tạo được sự chuyển biến tốt về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện các chủ trương, chính sách công tác dân tộc; đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, góp phần duy trì cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định trong Quân đội và 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 572/CT-QUTW, nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên và chiến sỹ lực lượng vũ trang về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nền nếp, hiệu quả; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Ghi nhận những thành tích đạt được trong những năm qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen, có 29 tập thể và 29 cá nhân được Ban Dân vận Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.