|
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác mặt trận năm 2021, triển khai chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022 (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
|
Thật vậy, khi thấm nhuần lời Bác dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công…” và tích cực học tập, làm theo Người, từ đó Hậu Giang có những bước phát triển khá, là điểm sáng trong vùng.
Phát huy kết quả đạt được qua các kỳ Đại hội Đảng và hiện nay thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”..., Tỉnh ủy Hậu Giang khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về nâng cao năng lực cán bộ tỉnh nhà để tiếp tục huy động trí lực, tài lực, đưa Hậu Giang từ tỉnh trung bình lên tỉnh khá vào cuối năm 2025.
Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ tỉnh Hậu Giang thời gian qua
Tính đến cuối tháng 4-2022, tổng số cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã là 3.700 người (số tròn), trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đại đa số đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra. Qua đánh giá, hầu hết cán bộ đều có tâm huyết, năng động, sâu sát cơ sở, chịu khó lao động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở 3 cấp đều có cán bộ giỏi, là nhân tố tích cực trong đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể của địa phương, đơn vị; là lá cờ đầu về phát động, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước…
Kết quả đã góp phần rất lớn cho Hậu Giang đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội qua từng năm. Cụ thể, tăng trưởng năm 2004 là 7,41%, đến cuối năm 2021 tăng 10,36 lần; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 54,4 triệu đồng, tăng 49,5 triệu đồng so với năm 2004; đời sống vật chất, tinh thần người dân tăng lên đáng kể. Đến nay, tỉnh có 35/51 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7/51 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 1/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 2/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; giao thông kết nối liên hoàn, phá thế độc đạo; Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 hiện đã đi vào cuộc sống, trong đó, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã, đang tích cực thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch...
|
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp gỡ trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
|
Về công tác cán bộ, việc đánh giá thực chất cán bộ luôn được coi trọng. Cấp ủy các cấp đã bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để đánh giá cán bộ hằng năm và trước khi quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Công tác quy hoạch cán bộ được quan tâm và từng bước được đổi mới. Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp, đã chú trọng về tiêu chuẩn chức danh, số lượng, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thực hiện đúng theo quy trình, quy định và theo thẩm quyền; luân chuyển, điều động cán bộ đã tạo điều kiện cho cán bộ được cống hiến, rèn luyện, trưởng thành…
Song song đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ tỉnh Hậu Giang cũng có những hạn chế nhất định; báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ ra: “Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển”.
Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay không theo kịp nhu cầu phát triển khi mà Hậu Giang đề ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đột phá trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo. Nguồn nhân lực của tỉnh vừa thừa, vừa thiếu. Thừa là thừa những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng thiếu cán bộ chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực để tỉnh thể chế hóa, hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ; đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ giỏi để dẫn dắt các ngành trọng điểm của tỉnh còn thiếu. Trong khi đó, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh đã có nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, đặc biệt là không thu hút thêm mà còn bị “chảy máu” chất xám…
Việc đánh giá cán bộ đôi khi chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, né tránh, ngại va chạm, dễ dãi hoặc định kiến, kết quả đánh giá hàng năm hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý được xếp loại ở mức hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng quy hoạch cán bộ được nâng lên nhưng vẫn còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đầu tư, quan tâm nhưng hiệu quả, chất lượng mang lại chưa tương xứng. Công tác luân chuyển cán bộ có một số ít trường hợp chưa đạt yêu cầu. Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường cán bộ; chưa đột phá trong đánh giá, phát hiện, tín nhiệm, lựa chọn cán bộ…
Thực tế trên đòi hỏi tỉnh phải đặc biệt quan tâm để có những giải pháp sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển khi mà tỉnh đề ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đột phá nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo.
Đột phá phát triển nguồn nhân lực
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định “Cán bộ là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá”, trong Chương trình số 50 ngày 9-8-2021 của Tỉnh ủy (thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh), BTV Tỉnh ủy xác định lại “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là ưu tiên thứ nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi trong nhiều Văn kiện Đảng ta cũng khẳng định “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, vì vậy, nhân tố con người là ưu tiên trước nhất để “then chốt” mở mũi.
Và để đột phá này thực sự tạo hiệu ứng lan tỏa, Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua nhiều nội dung quan trọng về cán bộ, đây là những văn bản không thể thiếu trong nhiệm kỳ và các năm tiếp theo trong xây dựng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói riêng và con người Hậu Giang “Đoàn kết - Nghĩa tình - Thủy chung - Năng động”, vì lợi ích chung mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh, Chương trình 50 xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh”. Trên cơ sở đó, đến nay tỉnh Hậu Giang đã ban hành các văn bản: Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Kế hoạch về luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025.
Song song đó là ban hành Đề án thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn, chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.
Với hệ thống văn bản được xây dựng công phu, bài bản, nội dung khá đầy đủ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đòi hỏi phải thận trọng, chặt chẽ từ khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Từ đó, sớm đáp ứng yêu cầu hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Hậu Giang đã đặt ra đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
|
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy trao Cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết công tác mặt trận năm 2021, triển khai chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022 (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
|
Hậu Giang đặt ra rất nhiều nhiệm vụ nặng nề để kiện toàn, chỉnh đốn bộ máy tổ chức cho giai đoạn phát triển mới nhưng đây không phải là tham vọng mà là khát vọng - khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà! Khát vọng phát triển trên cơ sở có những tính toán khoa học, đủ cứ liệu về nhân lực, tài lực, trí lực, phù hợp với đòi hỏi thực tế khách quan chứ không phải làm bằng mọi giá.
Hơn 18 năm thành lập và phát triển, Hậu Giang từ khó khăn dần khẳng định được vị thế, dấu ấn của những năm đầu sau thành lập là tổ chức thành công Festival lúa gạo lần thứ Nhất của Việt Nam, là trải thảm thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư; là xây dựng các công trình trọng điểm mang dấu ấn như bờ kè Xà No kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tổ chức Giải marathon quốc tế “Mekong delta marathon” Hậu Giang 2020; năm 2021, kinh tế tăng trưởng 3,08%, đứng thứ hai và cao hơn so với mức bình quân của khu vực và cả nước. Kinh tế khu vực I tăng trưởng 4,04%, cao nhất từ trước đến nay, phát triển đồng bộ về giáo dục, y tế, kết cấu hạ tầng, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới… Những kết quả đó đã tích lũy dần về lượng đảm bảo đầy đủ để nhiệm kỳ này Hậu Giang thay đổi về chất một cách ấn tượng, trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2025.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công…”, Hậu Giang đã gặt hái nhiều thành công. Với tinh thần chủ động, thường xuyên làm theo Người, cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, liên tục sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là noi gương Bác về ý chí tự lực, tự cường, có khát vọng và nuôi khát vọng, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để nhân lên sức mạnh tổng hợp hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa quê hương Hậu Giang thêm phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.