Trong những năm qua, công tác dân vận đã được các cấp ủy đảng quan tâm, chỉ đạo. Nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các đơn vị kinh doanh như ngân hàng thương mại cổ phần về công tác dân vận được nâng lên; vai trò công tác vận động quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của các ngân hàng đã được khẳng định, đạt nhiều kết quả. Sự phối hợp giữa cấp ủy các cấp được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên và người lao động phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.
|
Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12-2-1956). Ảnh: Tư liệu.
|
Từ những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Người còn dạy: Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền… Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên”. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Bác, Đảng luôn xác định hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong tư tưởng của Người, vấn đề dân vận được đặc biệt quan tâm. Người chỉ rõ, quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng để nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình, đó chính là công tác dân vận. Bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền là cơ quan đại diện cho nhân dân để quản lý mọi công việc của dân, của xã hội. Cán bộ chính quyền từ Trung ương đến xã, phường đều do dân cử ra, chịu sự giám sát của dân. Mọi hoạt động của chính quyền xét đến cùng là phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh “dân là chủ”, mọi quyền hành và lực lượng là của nhân dân, mọi công việc đều do dân. Là một nước dân chủ nên Nhà nước phải giữ mối quan hệ mật thiết với dân thông qua hệ thống pháp luật, chính sách; tổ chức, điều hành, thực thi luật pháp, chính sách phải vì lợi ích của nhân dân và bảo đảm tự do dân chủ của dân. Bác chỉ rõ: Tất cả các cán bộ chính quyền, tất cả các cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận. Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là đảng cầm quyền; cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân sự đúng đắn hợp với lòng dân, và tổ chức thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Vận dụng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh vào công tác dân vận tại các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, công tác dân vận hiện nay cần làm cho mỗi cán bộ ngân hàng, nhất là thế hệ trẻ, nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn để đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ tiêu, đóng góp xây dựng nền kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Muốn vậy, lãnh đạo các cấp cần thực sự quan tâm, thực hiện công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tài để triển khai thực hiện có hiệu quả những chính sách kinh doanh, nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp phát triển ngành Ngân hàng. Theo đó, các cấp ủy đảng cần chú trọng việc cụ thể hoá các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các chính sách phù hợp thực tiễn; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên có tinh thần làm việc hăng say, trách nhiệm. Thời gian tới, để tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, các cấp ủy từ trụ sở chính đến các chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các chi bộ thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, thông báo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động”; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, đảng viên; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong hoạt động chuyên môn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên về công tác dân vận; đồng thời thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ khách hàng cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng các điển hình tiên tiến gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các đơn vị kinh doanh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú để vận động, khuyến khích toàn thể người lao động phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cơ quan, cộng đồng xã hội, cho đất nước; định kỳ đánh giá tổng kết cùng với biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh doanh, nhằm cổ vũ tinh thần thi đua hoàn thành nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực. Chú trọng xây dựng những tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các kênh truyền thông nội bộ của ngân hàng, trong các đợt sinh hoạt của cơ quan, đơn vị. Gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện công tác chuyên môn.
Bốn là, tuyên truyền để mỗi cán bộ công nhân viên của ngân hàng đều biết làm “dân vận khéo” trên lĩnh vực công tác của mình. Các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị (công đoàn cơ sở, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, ban nữ công…) để thực hiện tốt công tác dân vận.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Để thực hiện quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận phải xuất phát từ nhận thức đầy đủ, đúng đắn của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, và của từng cán bộ ngân hàng, nhất là bộ phận thường xuyên giải quyết công việc cung cấp sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch tại ngân hàng.
Thực tiễn đã khẳng định công tác dân vận trong ngành Ngân hàng giữ một vai trò hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy kinh doanh, tăng cường ý chí phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của đội ngũ người lao động. Thực hiện tốt công tác dân vận là giải pháp hữu hiệu để xây dựng cấp ủy các cấp trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Nguyễn Thu Giang - Chi nhánh Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam