Niềm tin của dân – Sức mạnh của Đảng (bài 2)
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ ( 2020-2025). Ảnh: TTXVN

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ ( 2020-2025). Ảnh: TTXVN.

Bài 2: YÊU CẦU TẤT YẾU, NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo và không ngừng nâng cao sức chiến đấu của Đảng, việc triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; giữ nghiêm nguyên tắc, quy chế làm việc; rà soát, sàng lọc và kịp thời đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng là yêu cầu tất yếu trong công tác xây dựng Đảng bộ TP. Hà Nội vững mạnh. Đây là một giải pháp quan trọng, không chỉ góp phần ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên, xây dựng Đảng vững mạnh mà góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tăng kiểm tra, giảm vi phạm

Xác định vai trò quan trong của công tác kiểm tra, giám sát, trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố tập trung tổ chức triển khai toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm để kịp thời phát hiện và phòng ngừa vi phạm, không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn. Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào việc tổ chức thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy, các chương trình, kế hoạch của cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp mình. Đặc biệt là tập trung kiểm tra, giám sát những tổ chức đảng và đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những nơi mất đoàn kết nội bộ.

Đồng chí Phùng Tân Nhị, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Ba Vì khẳng định: Lãnh đạo phải có kiểm tra và nếu không có kiểm tra  xem như không có lãnh đạo. Thực hiện quan điểm đó trong thời gian qua BTV Huyện ủy Ba Vì tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã đóng vai trò là quan trọng đối với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hiện nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên đà phát triển mạnh, có nhiều dự án đầu tư trên địa bàn huyện Ba Vì. Chính vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không chỉ phát hiện, kết luận và xử lý nghiêm các cái vi phạm xảy ra mà còn góp phần phòng ngừa sai phạm.

Là một trong một những huyện được Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội đánh giá làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 BTV, BCH Đảng bộ huyện Ba Vì đã ban hành chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm đồng thời ban hành đề án về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ huyện giai đoạn 2021-2025.

Hai giải pháp mà Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Ba Vì xác định mang tính chất trọng tâm, thứ nhất là kiện toàn và củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát từ huyện cho đến cơ sở. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy có bảy đồng chí là ủy viên, trong đó có năm ủy viên chuyên trách và hai ủy viên kiêm chức; một đồng chí Chủ nhiệm là ủy viên BTV, hai đồng chí phó chủ nhiệm trong đó có một đồng chí phó chủ nhiệm thường trực là huyện ủy viên. Ủy ban kiểm tra cấp cơ sở có cơ cấu từ ba cho đến năm đồng chí ủy viên. Trong đó, đối với cấp xã đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy sẽ làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy và một đồng chỉ phó chủ nhiệm hoạt động không chuyên trách. Cùng với kiện toàn về mặt tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, Huyện uỷ Ba Vì chú trọng đề cao phẩm chất và đạo đức cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Hằng năm, Huyện uỷ Ba Vì tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát từ huyện đến cơ sở; giảng viên là các đồng chí cán bộ có kinh nghiệm của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Giải pháp thứ hai được Huyện uỷ Ba Vì chú trọng là xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa để tăng tính chủ động, kế hoạch trong triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Với quan điểm chỉ đạo giám sát phải mở rộng, mở rộng cả về mặt đối tượng giám sát, cả về nội dung giám sát và kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra các sai phạm. Ở huyện Ba Vì, lĩnh vực huyện xác định cần tập trung kiểm tra, giám sát là công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, lĩnh vực đầu tư công, tài chính, công tác cán bộ…

Không thể phủ nhận, trước đây công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức đảng của Đảng bộ huyện Ba Vì chưa được quan tâm đúng mức. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số vi phạm trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng. Vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có một số cuộc kiểm tra, kết luận và cũng đã có một số tổ chức đảng, đảng viên phải bị xử lý kỷ luật, một số cán bộ phải chuyển công tác. Nhận thức rõ tồn tại, trong nhiệm kỳ 2020-2025 BTV Huyện ủy xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng hằng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm bảo đảm việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Ba Vì đã tiến hành 7 cuộc kiểm tra đối với 7 tổ chức đảng và 12 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, các đảng viên này đều thuộc diện BTV Huyện uỷ quản lý, kết luận là 7 tổ chức đảng đều có vi phạm, tuy nhiên là chưa đến mức phải xem xét kỷ luật. Có 8 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách và có 4 đảng viên vi phạm nhưng chưa đến mức thi hành kỷ luật mà yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, đề ra giải pháp khắc phục các khuyết điểm được kết luận; cho thôi giữ chức vụ đối với 5 đồng chí là bí thư và chủ tịch UBND các xã khi các cán bộ không còn đủ uy tín và năng lực để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ, kịp thời kiện toàn, thay thế các đồng chí cán bộ mới để sớm ổn định tình hình địa phương, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Trở lại thời điểm năm 2021, khi tình tình hình đơn thư, khiếu nại về việc dồn tiền đổi thửa của một thôn trong xã Vật Lại lên cao, Thanh tra huyện nhanh chóng vào cuộc để làm rõ sai phạm cùng trách nhiệm liên quan. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ có kết quả xác minh, kết luận có sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền xã Vật Lại. Cụ thể đồng chí Chủ tịch xã Vật Lại đã mắc một số khuyết điểm, sai sót khi phê duyệt phương án dồn tiền đổi thửa chưa đúng đối với hướng dẫn của Sở Nông nghiệp. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng đã có hình thức kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Chủ tịch UBND xã Vật Lại, tạm thời dừng việc chia ruộng, dồn tiền đổi thửa.

Dù hình thức kỷ luật là khiển trách, nhưng nhận thấy đồng chí Chủ tịch xã Vật Lại uy tín giảm sút, không còn đủ năng lực để giải quyết vấn đề đặt ra ở Vật Lại. Để sớm ổn định tình, BTV Huyện uỷ bàn bạc, thống nhất phải có giải pháp thay thế cán bộ kịp thời. Sau khi được làm công tác tư tưởng, đồng chí Chủ tịch UBND xã Vật Lại dù còn thời gian công tác nhưng đã tự nguyện làm đơn thôi tham gia BCH Đảng uỷ xã, thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Vật Lại, nhường vị trí cho người khác có năng lực hơn. Ngay sau đó, Huyện uỷ Ba Vì đã kịp thời có quyết định điều động một đồng chí mới về để bảo đảm sự lãnh đạo liên tục trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Đặng Tiến Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao công tác thay thế cán bộ sau kiểm tra, giám sát vi phạm của Huyện uỷ Ba Vì. Đây là chủ trương kịp thời và hợp lý từ quá trình triển khai cho đến lựa chọn cán bộ thay thế. Khi đồng chí chủ tịch mới về, sau thời gian khoảng 5 tháng nhưng xã Vật Lại đã có những thay đổi lớn về cảnh quan, về các phong trào thi đua, thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương và đặc biệt là xử lý tốt các đơn thư, khiếu nại, ổn định dư luận nhân dân.

Giữ nguyên tắc, đúng quy chế

Nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, quy chế làm việc là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cũng như với từng cán bộ, đảng viên. Trong phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận, không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng là một trong những biểu hiện nguy hiểm dẫn đến suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Thực tế, không ít trường hợp khi sai phạm xảy ra ở chi bộ, đảng bộ cơ sở là do cấp ủy, cán bộ lãnh đạo không nắm rõ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, lúng túng trong triển khai thực hiện, không kịp thời xây dựng quy chế làm việc, quy chế làm việc không đúng với quy định chung; không bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện quy chế phù hợp với điều kiện mới...

Tại Đảng bộ TP. Hà Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XVII, BTV Thành ủy và nhiều cấp ủy đảng trực thuộc đã tiến hành giám sát, kiểm tra cấp ủy cấp dưới về việc xây dựng quy chế làm việc. Nhiều cấp ủy đảng tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác đảng cho các bí thư chi bộ, cán bộ chủ chốt, trong đó có nghiệp vụ về xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác... Từ thực tế hoạt động của các tổ chức đảng ở Đảng bộ TP. Hà Nội cho thấy, tổ chức đảng nào thực hiện tốt nguyên tắc đảng, ban hành quy chế làm việc chặt chẽ, tổ chức thực hiện hiệu quả đều là những tập thể mạnh. Ngược lại, những nơi vi phạm nguyên tắc, không làm đúng quy chế làm việc thường dẫn tới những khuyết điểm, sai phạm...

Để xây dựng Đảng bộ TP. Hà Nội mạnh từ “gốc” – đảng viên và chi bộ, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ thành phố luôn chú trọng xây dựng đoàn kết trong Đảng và coi đây là vấn đề cốt tử, luôn được đặt lên hàng đầu. Điểm sáng được nhân lên từ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU chính là việc các cấp ủy đảng từ thành phố xuống cơ sở rất chú trọng việc xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác ngày càng chặt chẽ. Nguyên tắc làm việc “3 không” của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đó là: “Không có vụ việc nào không có người giải quyết; không có tồn tại nào mà không có người chịu trách nhiệm và không có khuyết điểm nào mà không ai bị xử lý” đã được triển khai có hiệu quả. Khi đánh giá về việc thực hiện quy chế làm việc, phối hợp giữa cấp uỷ và chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, đồng chí Đặng Tiến Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại (Ba Vì) khẳng định: Kết quả mà xã Vật Lại đạt được trong thời gian qua là nhờ sự đoàn kết của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữ cấp uỷ, chính quyền hài hoà trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và chính quyền triển khai thực hiện. Cấp ủy luôn nêu cao nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, mỗi sự việc đều có sự bàn bạc kỹ lưỡng trong tập thể cấp ủy, phân công phân nhiệm rõ ràng, phát huy được vai trò của từng cán bộ, đảng viên nên đem lại hiệu quả cao.

Sau Đại hội Đảng bộ xã Tòng Bạt (Ba Vì) nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng uỷ đã ban hành Quyết định số 04 ngày 26-9-2020 về quy chế hoạt động của BCH Đảng bộ, trong đó có nội dung thứ nhất là về việc phối hợp với chính quyền để chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Sau đó, UBND xã đã ban hành Quyết định số 176 ngày 21-7-2021 về quy chế hoạt động của UBND xã. Trên cơ sở quy chế, cấp uỷ và chính quyền xã Tòng Bạt đã phối hợp lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và tập trung nhất vào công tác xây dựng nông thôn mới từ năm 2014. Nhờ vậy, đến năm 2019, xã Tòng Bạt đã hoàn thành về đích nông thôn mới. Hiện nay, Tòng Bạt đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, đã đạt được 11/18 tiêu chí.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt chia sẻ: Tòng Bạt là xã thuần nông, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy công tác xây dựng nông thôn mới gặp một số khó khăn nhất định, nhất là huy động nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng.... Nhưng đứng trước khó khăn, chúng tôi luôn báo cáo kịp thời với BTV Đảng ủy, họp bàn và đưa ra phương án giải quyết. Tuân thủ nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân nên các vấn đề khó khăn đều được tháo gỡ, nhất là vừa rồi cấp ủy, chính quyền đã phối hợp thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng để làm sân vận động và một số đường nông thôn. Ban đầu nhiều hộ dân chưa nhất trì, nhưng bây giờ tất cả đã đồng thuận, vui vẻ cùng xây dựng quê hương khang trang, sạch đẹp.

Đồng chí Phạm Duy Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tòng Bạt khẳng định: Thực hiện làm việc theo quy chế cái được là tiến độ công việc, trách nhiệm và tinh thần của người được giao việc rất rõ ràng. Khi được phân công nhiệm vụ, các đồng chí nhận nhiệm vụ rất cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế được tình trạng như trước kia là lúc lúc nào xong sẽ báo cáo, không xong chưa báo cáo.

Để cấp ủy các cấp thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp, cấp ủy cấp trên thường có sự kiểm tra, giám sát, đồng hành cùng cán bộ trong giải quyết các việc khó. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết: Một giải pháp mà Huyện ủy Chương Mỹ chú trọng đó là bên cạnh việc xây dựng các quy chế, tạo các điều kiện về hành lang pháp lý để cán bộ có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ của mình, BTV Huyện ủy luôn đồng hành cùng các cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các khâu khó, các điểm tồn tại tại địa phương. Đây là điều kiện rất quan trọng tạo điều kiện cho cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Khi Huyện ủy Chương Mỹ luân chuyển đồng chí Tống Văn Thái về xã Tiên Phương giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, đây là mô hình mới của huyện nên làm sao để giữa chủ trương của Đảng ủy và việc tổ chức điều hành thực hiện của UBND có sự thống nhất là vấn đề đặt ra. Lời giải cho vấn đề này đó là cán bộ phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này mà đề cao vai trò cá nhân sẽ dẫn đến vi phạm kỷ luật, dễ sa vào tiêu cực, tham nhũng.

Đồng chí Nguyễn Danh Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương cho rằng: Đồng chí Thái khi được luân chuyển về làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã đến nay luôn được người dân quý mến, tạo được niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xã Tiên Phương đạt được những kết quả tích cực như hôm nay bởi tập thể cấp ủy nói chung, đồng chí Thái nói riêng luôn tuân thủ nguyên tắc, quy chế hoạt động của Đảng, đoàn kết nội bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thà ít mà tốt

Thực tiễn hoạt động của Đảng cho thấy, nhân dân giảm sút niềm tin với Đảng không phải từ đường lối, chủ trương, chính sách lớn. Điều mà nhân dân bất bình, lo lắng là Đảng đang mất dần hình ảnh đẹp từ vi phạm của những cán bộ, đảng viên, trong đó có việc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng. Vì thế, nêu gương, đi đầu, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ là lẽ đương nhiên, là nhiệm vụ thường ngày của mỗi đảng viên. Vậy nên khi đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng là đã tự mình từ bỏ mục tiêu, lý tưởng mình đã phấn đấu. Mặc dù số đảng viên bỏ sinh hoạt bị xóa tên theo quy định Điều lệ Đảng ở Đảng bộ TP. Hà Nội chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng việc đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt Đảng đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ, tác động tiêu cực đến mục tiêu, lý tưởng của đảng viên khác. Đáng lo ngại hơn, đảng viên bỏ sinh hoạt đảng đã ảnh hưởng xấu tới uy tín, làm suy giảm vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Trong những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển đảng viên mới để liên tục bổ sung nguồn lực cho Đảng thì công việc không kém phần quan trọng mà Đảng bộ TP. Hà Nội thực hiện là rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng. Khi có Chỉ thị 28 của Ban Bí thư ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, Thành ủy Hà Nội xác định đây là một “cú híc”, “mệnh lệnh hành động” để việc triển khai thực hiện có kế hoạch, cơ sở và bài bản hơn.

Làm việc với Huyện ủy Ba Vì chúng tôi được biết, để thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW, Huyện ủy tập trung vào hai giải pháp để thực hiện. Thứ nhất là qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng để xem xét, khai trừ ra khỏi Đảng đối với những đảng viên, cán bộ đảng viên có những vi phạm đến mức phải khai trừ Đảng. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Huyện ủy đã phải xem xét, xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ đối với 16 đảng viên. Giải pháp thứ hai đó là thông qua công tác tổ chức đảng và đảng viên để có giải pháp giáo dục, quản lý đối với những đảng viên giảm sút về mặt ý chí phấn đấu, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhưng nếu những đảng viên không tiến bộ, tiếp tục vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, bỏ sinh hoạt đảng, Huyện ủy chỉ đạo từ chi bộ đến cấp ủy cơ sở thực hiện quy trình xóa tên đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ba Vì đã sàng lọc và đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên hoặc cho xin ra khỏi Đảng đối với 80 đồng chí.

Làm việc với chúng tôi, đồng chí Phùng Hữu Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì) cho biết: Cẩm Lĩnh có 11 chi bộ trực thuộc với 625 đảng viên, khi có Chỉ thị số 28-CT/TW, Đảng ủy đã xây dựng kế hoạch để tổ chức quán triệt đến toàn thể đảng viên trong toàn Đảng bộ. Các tổ chức đảng phải thực hiện chặt chẽ quy định Điều lệ Đảng về chế độ sinh hoạt Đảng, đã là đảng viên phải chấp hành nguyên tắc tổ chức. Trong trường hợp ý thức đảng viên tốt, chi bộ hoạt động tốt rất dễ để có tiếng nói chung. Nhưng nếu ngược lại, cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm minh. Đảng viên phải có bản lĩnh chính trị, luôn tiên phong, nêu gương là yêu cầu tất yếu. Nhưng khi ý thức đảng viên không còn, cũng không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đồng chí Phùng Văn Bằng, Bí thư chi bộ thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh chia sẻ thêm: Trên địa bàn xã có đơn vị quân đội Kho 32, quân nhân sau nghỉ hưu chuyển sinh hoạt đảng từ đơn vị về nơi cư trú, có đồng chí chấp hành tốt và phát huy được năng lực, có đóng góp cho Đảng, nhân dân. Tuy nhiên, sau khi rà soát, sàng lọc, có 2 trường hợp do điều kiện sức khoẻ, nơi sinh sống nên vi phạm chế độ sinh hoạt đảng, cấp ủy chi bộ đã động viên, nhắc nhở, tạo mọi điều kiện nhưng nếu đảng viên không xác định rõ trách nhiệm của mình, chi bộ phải tiến hành thủ tục xoá tên 2 đảng viên đó.

Những giải pháp và biện pháp xử lý trên đều không ngoài mục tiêu, phương châm mong muốn giữ lại đảng viên là chính. Phải tiến hành thủ tục xóa tên 1 đảng viên quả thực rất đau xót, trăn trở và cân nhắc rất kỹ của cấp ủy. Kỳ thực tổ chức đảng không muốn phải đưa ra khỏi đảng bởi kết nạp được một đảng viên không hề dễ dàng, đó là sinh mệnh chính trị của 1 người, nhưng lại liên quan đến uy tín của Đảng, sự công bằng giữa các đảng viên, đồng thời là lời cảnh báo, răn đe, giáo dục nhất là với thế hệ trẻ. Đau xót nhưng không thể không làm, nhất là từ khi có Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư.

Dù với bất cứ lý do gì thì việc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng là biểu hiện tự chuyển hóa, suy thoái về chính trị, tư tưởng, thiếu ý chí chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu lý tưởng. Có những đồng chí khi còn đang công tác thì sinh hoạt đảng để tiến thân, khi về nghỉ hưu thì không muốn tham gia sinh hoạt đảng. Có những đồng chí lấy lý do sức khỏe để miễn sinh hoạt đảng, nhưng kỳ thực vẫn có thể đi thăm thân, du lịch... Khi đảng viên không còn thiết tha với Đảng, phai nhạt lý tưởng không thực hiện nhiệm vụ của đảng viên theo quy định tại Điều lệ Đảng, tự ý bỏ sinh hoạt đảng mà không có lý do chính đáng hoặc không báo cáo chi bộ để được hướng dẫn sinh hoạt đảng, tổ chức đảng không chỉ phát hiện, sàng lọc mà cần phải kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng.

Có thể thấy rằng, việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc làm cấp thiết, tất yếu để làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ, nâng cao uy tín của đảng viên đối với người dân, từ đó củng cố, xây dựng niềm tin của dân đối với Đảng. Nếu Đảng làm tốt công tác rà soát, sàng lọc thì trong hàng ngũ của Đảng chỉ còn đội ngũ những người ưu tú, có trách nhiệm, nêu gương, đi đầu chắc chắn sẽ tạo được niềm tin, tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, khi đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác rà soát, sàng lọc đảng viên, BTV Thành ủy Hà Nội ban hành Quy định số 09-QĐ/TU ngày 24-10-2022 về một số vấn đề về công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội thực hiện Đề tài khoa học “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ TP. Hà Nội - Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, trong đó có Đề án “Rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng ở Đảng bộ TP. Hà Nội” để việc thực hiện nhiệm vụ này được bài bản, có hệ thống và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ TP. Hà Nội. Tin rằng, với những quyết liệt trong hành động, nhiều giải pháp đồng bộ của cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội, không có khó khăn nào mãi là rào cản đối với sự phát triển của Đảng bộ Thủ đô Hà Nội.

  (Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất