Quán triệt và triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW tại Đảng bộ tỉnh Nghệ An
Ngày 3-6-2013, BCH Trung ương (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, sau hơn 1 tháng, BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 64-KH/TU ngày 23-7-2013 về tổ chức hội nghị quán triệt tinh thần Nghị quyết số 25 cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng phổ biến, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền Nghị quyết trong các tầng lớp nhân dân. Hội nghị học tập, phổ biến Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện với gần 500 đồng chí. Đến hết tháng 11-2013, đã có 28/28 huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các đảng ủy cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy địa phương, đơn vị đến toàn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; có 100% cán bộ chủ chốt, 85% đảng viên, 79% đoàn viên, hội viên tham gia. Ngày 20-11-2013, BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 25 với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, triển khai tới các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn; các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng ở Nghệ An đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng và chất lượng tuyên truyền về công tác dân vận; nêu gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thường xuyên tuyên truyền các quan điểm, giải pháp về công tác dân vận của Đảng, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Luôn cảnh giác và chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, kích động di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật nhằm chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ, của Đảng về công tác dân vận được tăng cường đẩy mạnh thông qua các đợt sinh hoạt Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ngày dân vận cả nước (15-10 hằng năm); các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận; các nhân tố điển hình về phong trào thi đua và các cuộc vận động của các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương. Thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến công tác dân vận, đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân đều được chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi và công khai theo quy định. Hệ thống dân vận các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, hưởng ứng cuộc thi viết về các tấm gương “Dân vận khéo”; hằng năm đều đánh giá chỉ tiêu viết tin, bài về công tác dân vận của địa phương.
Xác định tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang là một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, BCH Đảng bộ tỉnh đã phân công và giao trách nhiệm cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì xây dựng 5 chương trình, đề án quan trọng. Cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền, coi đây là một giải pháp quan trọng, mang tính đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới phương pháp tiếp xúc cử tri và tổ chức kỳ họp theo hướng dân chủ hóa trong việc chất vấn và trả lời chất vấn, chất lượng các nghị quyết HĐND, quyết định của UBND được nâng lên, đúng pháp luật, tính khả thi cao, phù hợp và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng; đặc biệt đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ dân vận khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh với mức từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tổ.
UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết thành các cơ chế, chính sách, đồng thời tham gia thực hiện có hiệu quả 5 chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác dân vận. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đều có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW; trong chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền tỉnh đều có nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và Quy chế tiếp xúc đối thoại với Nhân dân. Chính quyền các cấp đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về công tác dân vận đến các cán bộ, công chức nhà nước nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và thái độ phục vụ nhân dân trong thực hành chức trách nhiệm vụ. UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp mỗi năm một lần tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cán bộ UBND các huyện, thành phố, thị xã toàn tỉnh, từ đó giúp họ hiểu và nắm bắt đầy đủ các nội dung, phương pháp công tác dân vận của chính quyền trong quá trình thực thi công vụ, phục vụ tốt hơn các nhu cầu, lợi ích của người dân và các doanh nghiệp.
|
Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Nghệ An ký Quy chế phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2021-2026. Ảnh: Báo Nghệ An.
|
Kết quả bước đầu
Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo chính quyền các cấp kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền và Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp; Ban chỉ đạo các cấp hoạt động có quy chế, chương trình kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nên đảm bảo được chất lượng hoạt động và đem lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.
UBND các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện tốt các chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, đốc thúc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, giải quyết đơn thư của công dân. Từ năm 2014 đến tháng 6-2021, chính quyền, các cơ quan các cấp đã tiếp nhận 2.889 vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có 877 vụ việc liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, chiếm 30,3% vụ việc (giảm đáng kể so với giai đoạn trước khi thực hiện đề án, giai đoạn 2008-2014 là 51,4%), đến nay đã giải quyết được 834/877 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,1%. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp đồng thời triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, người dân và doanh nghiệp”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác trong các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Năm 2022, Nghệ An xếp hạng chỉ số cải cách hành chính thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cao nhất trong lịch sử; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 23/63; chỉ số PAPI xếp thứ 17/63; lần đầu tiên Nghệ An đứng tốp 10 tỉnh, thành phố có thu hút đầu tư cao nhất cả nước (gần 1 tỷ USD).
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, tham gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước; coi trọng và đề cao vai trò chủ thể của người dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã tích cực xây dựng 461 điểm sáng về dân vận chính quyền trên các lĩnh vực và địa bàn cơ sở đạt kết quả tốt và có sức lan tỏa. Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác xã hội hóa trong ủng hộ người nghèo được phát động sâu rộng và tiếp tục đạt kết quả thiết thực. Năm 2012, có 83 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 86 xã, đến năm 2022 có 113 cơ quan đơn vị nhận giúp đỡ 115 xã; các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An với số tiền gần 310,8 tỷ đồng. Tiếp tục trung nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ 76 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh trong xây dựng hệ thống chính trị, kết cấu hạ tầng, xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo; xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật; dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động để giúp đỡ các xã vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Lực lượng vũ trang trong tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, với phương châm “gần dân, sát cơ sở”, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tham mưu xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh. Tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; tăng cường tuần tra song phương, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền. Đã tích cực triển khai thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Hành quân dã ngoại thực hiện công tác dân vận”, qua đó đã tổ chức các chương trình kết nghĩa, giúp đỡ nhân dân các địa phương tu sửa nhà cửa, làm đường giao thông liên thôn, vệ sinh thôn bản, duy trì có hiệu quả các mô hình “Phòng khám quân dân y”, “Tủ thuốc biên cương”, “Ngôi nhà thân thiện”, “Gian hàng không đồng”, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tổ chức các lớp học xóa mù chữ, tăng cường y bác sỹ về khám, chữa bệnh cho bà con đã làm tăng mối đoàn kết gắn bó giữa quân - dân. Đồng thời, các lực lượng vũ trang tỉnh là lực lượng nòng cốt trong tham gia, phòng, chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn... tạo sức mạnh chính trị vững chắc trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm xử lý tốt các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh vùng giáo, an ninh kinh tế, văn hóa, không để xẩy ra đột xuất, bất ngờ, kìm giữ không để xẩy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Triển khai quyết liệt các đợt tấn công truy quét tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, các cấp, các ngành tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động. Vào dịp lễ trọng của tôn giáo, Tết cổ truyền, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp tổ chức các đoàn chúc mừng giáo hội, tổ chức tôn giáo; thăm hỏi, tặng quà cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo... Các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo được quan tâm củng cố, kiện toàn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát nhiệm vụ chính trị, nắm bắt lợi ích chính đáng của Nhân dân để xác định nội dung và lựa chọn cách thức phát động thi đua sát hợp thực tế với nhiều hình thức đa dạng, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia.
100% cấp ủy cơ sở thực hiện có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU và Chỉ thị số 05-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phong trào thực sự hướng về cơ sở được các tổ chức, cá nhân thực hiện ngày càng có hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều mô hình, điển hình (từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 16.401 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh xây dựng hệ thống chính trị). Hằng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện phong trào phù hợp với từng lĩnh vực và gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá được thực hiện nhằm khích lệ phong trào; các hội nghị trao đổi, tọa đàm, biểu dương, khen thưởng, nhân diện những điển hình tiên tiến được tổ chức có hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã từng bước trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân; tạo tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Phong trào thi đua “Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh” hướng nội dung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tâm, trách nhiệm trong công việc, tăng cường mối quan hệ với Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tập trung chỉ đạo từng bước đi vào thực chất; công tác xây dựng thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao chuyển biến tích cực (đến hết năm năm 2022, tỷ lệ khối, xóm, bản văn hóa đạt 67,4%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia là 73,5%). Quan tâm xây dựng và bồi dưỡng kỹ năng vận động quần chúng cho những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; tạo điều kiện để họ tham gia tuyên truyền, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cấp ủy các cấp đã ban hành văn bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của ban dân vận cùng cấp. Bộ máy của Ban Dân vận Tỉnh ủy và ban dân vận các huyện, thành, thị ủy tiếp tục được củng cố và kiện toàn, bảo đảm chỉ tiêu biên chế theo quy định. Đầu nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp (2015-2020; 2020-2025), BTV Tỉnh ủy và các huyện, thành, thị ủy đã phân công đồng chí ủy viên BTV làm trưởng ban dân vận; 100% cấp ủy cơ sở phân công đồng chí phó bí thư trực đảng kiêm trưởng khối dân vận, đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng tổ dân vận ở xóm, bản, khối phố; hầu hết các trưởng khối dân vận ở cơ sở là đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021. Hiện nay, toàn tỉnh có 460/460 khối dân vận cấp xã, 3.799/3.799 tổ dân vận khối, xóm, bản tổ chức hoạt động đều, hiệu quả; tỉnh trích ngân sách hỗ trợ hoạt động mỗi tổ dân vận 2-2,5 triệu đồng/năm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận đã có những chuyển biến tích cực, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch; quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ dân vận, lý luận chính trị (năm 2013-2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 41 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, xây dựng nông thôn mới cho 12.300 lượt cán bộ dân vận các cấp). Các cấp ủy đã quan tâm bố trí, giới thiệu những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt của ban dân vận, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ làm công tác dân vận được quan tâm hơn; nhiều cán bộ và lãnh đạo của ban dân vận, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và giới thiệu bầu cử ở những vị trí cao hơn để phát triển.
Các cấp ủy đảng đã kịp thời chỉ đạo sơ kết, tổng kết và kiểm tra, giám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận. Trong 10 năm qua, BTV Tỉnh ủy đã tổ chức 34 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác dân vận (21 cuộc kiểm tra, 13 cuộc giám sát), trong đó triển khai 3 cuộc kiểm tra, 1 cuộc giám sát Nghị quyết số 25-NQ/TW; 2 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 52 cuộc khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận, công tác vận động quần chúng; 21 cuộc kiểm tra về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, 15 cuộc kiểm tra về công tác dân tộc, tôn giáo. Cấp huyện tiến hành 347 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trên 789 cuộc khảo sát, đánh giá về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận. Hằng năm cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đều tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Công tác tham mưu chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát các nội dung sát với chức năng, nhiệm vụ của ban dân vận cấp ủy, giúp cho cấp ủy chỉ đạo kịp thời những vấn đề phát sinh từ địa phương cơ sở; từ đó dân chủ được phát huy, chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện có hiệu quả cao hơn, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân
Nghệ An sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW đã có sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa Nghị quyết, Kết luận bằng các văn bản chỉ đạo và chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, tập trung vào nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm và đổi mới hơn, bằng nhiều việc làm cụ thể, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân; công chức, viên chức nghiêm chỉnh thực hiện đạo đức công vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân; sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ và công khai, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kinh tế phát triển khá nhanh, toàn diện, theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 50,8 triệu đồng (tăng 2,13 lần so với năm 2013); xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn khởi sắc với 9 đơn vị cấp huyện và 309/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 75,18%; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển ngày càng đồng bộ; giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ có bước phát triển; công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; các chính sách người có công, an sinh xã hội, giải quyết việc làm tiếp tục thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác dân vận được quan tâm đặc biệt, toàn diện và có hiệu quả cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng và củng cố, quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm; Nhân dân đồng thuận, luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh, hăng hái phát huy nội lực, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc và cả nước.