|
Vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
|
Bối cảnh,
tình hình xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Quyết định
số 27-QĐ/TW, ngày 10-8-2021 của Ban Bí thư về việc ban hành Chương trình ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021-2025
nêu rõ mục tiêu tổng quát: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
của các cơ quan đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi
mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng;
tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu, phát triển, nâng cấp các hệ thống
thông tin, phần mềm ứng dụng, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu,
thông tin, phục vụ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan đảng,
đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt
động của các cơ quan đảng phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.
Tại Nghị
quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2021 và Hội nghị trực tuyến
Chính phủ với địa phương (Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14-7-2021), Chính phủ đã
quyết nghị việc đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa
phương tranh thủ thời cơ để đẩy mạnh chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch
Covid-19; phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ trực tuyến, tăng cường
cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số
trong quản lý nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền
mặt.
Tại Nghị
quyết về phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình
hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 (Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày
12-8-2021), Chính phủ đã giao Bộ Thông tin truyền thông tập trung xây dựng và
triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước
giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021). Trong đó, giao Bộ
Thông tin truyền thông chủ trì triển khai nội dung phát triển Chính phủ điện tử,
Chính phủ số. Ngày 2-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số
23/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính
nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Nền tảng
tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ
dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12-2020, có 22/22 bộ, cơ quan
ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nền tảng tích hợp,
chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu
quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hệ thống đã kết nối với dữ liệu quốc gia là 220 hệ thống thông tin của 90 cơ quan,
đơn vị; trong đó, có 85 dữ liệu cấp bộ/tỉnh của bộ,
ngành, địa phương; 5 cơ sở dữ liệu và 9 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ
Trung ương đến địa phương.
Thực tiễn
quá trình xây dựng một số cơ sở dữ liệu
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Bộ Công
an đã vận hành chính thức Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư từ ngày 1-7-2021. Bộ
Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho khoảng 98 triệu công dân thu
thập vào CSDL quốc gia về dân cư; hoàn thành việc triển khai thí điểm phần mềm
thuộc Dự án CSDL quốc gia về dân cư tại công an 16 tỉnh, thành phố. Bộ Công an
đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp kết nối thành công
CSDL quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của
Bộ Tư pháp qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để thực hiện cấp và
huỷ số định danh cá nhân; thực hiện xác thực thông tin công dân theo yêu cầu
của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Từ cơ sở
dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công
dân. Đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn
chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân, đã in và trả hơn 50 triệu
thẻ đến tay người dân… Bộ Công an cũng đã triển khai kết nối thử
nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ ngành
và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, trong đợt cao điểm chống dịch
vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các ứng
dụng để kiểm soát đi lại, phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư cũng góp phần tích cực trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho hơn 43 triệu
người. Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng thần tốc, lớn nhất trong lịch sử cho
gần 100% dân số để Việt Nam “đi sau về trước” trong chiến lược vắc-xin…
|
Người dân đi làm căn cước công dân.
|
Đối với chiến dịch cấp Căn cước công dân, Bộ Công an đã tổ
chức hội nghị và có các văn bản chỉ đạo để thống nhất nhận thức thực hiện trong
toàn quốc, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương gắn với tận dụng tối đa số
lượng máy móc, thiết bị được trang cấp. Trong đó tập trung thực hiện điểm tại
10 địa phương trọng điểm có đông dân cư, nhiều tạm trú (Hà Nội, TP. Hồ Chí
Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An,
Bắc Ninh). Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công an các địa phương nghiên cứu những cách làm sáng
tạo vừa đảm bảo tiến độ thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân, vừa đảm bảo
an toàn chống dịch cho cả người dân đến làm Căn cước công dân và cán bộ làm
nhiệm vụ.
Với
những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, giúp sức của đông đảo
quần chúng nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã chiến thắng trong chiến dịch
đầy gian nan, thử thách này, tạo nên những chiến công hiển hách, được Đảng, Nhà
nước và nhân dân vinh danh. Đến nay, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành theo tiến
độ xây dựng, triển khai hai Dự án. Đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia
về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an
toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện
đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí". Việc xây dựng thành công
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước
công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế
số, xã hội số.
Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm: CSDL
quốc gia về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất
trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp
chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước,
đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân. Hiện nay, CSDL của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng
chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế.
Theo thống
kê, năm 2020, toàn Ngành BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết 87 triệu hồ sơ
giao dịch điện tử, và khoảng 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám,
chữa bệnh liên thông trên hệ thống Giám định Bảo hiểm y tế. Từ tháng
1-2021 đến nay, cũng đã có 38,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được tiếp nhận và
giải quyết. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu này góp phần giúp Ngành BHXH Việt
Nam thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục
vụ, cũng như hiệu quả quản lý và cải cách hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng
các yêu cầu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Hiện nay, BHXH Việt Nam tiếp tục tiến hành
làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành
BHXH, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về bảo hiểm; tiếp tục kết
nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội); Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp; kết nối, chia sẻ dữ
liệu với CSDL quốc gia về dân cư để thực hiệc xác thực đối với toàn bộ nhân
khẩu thuộc CSDL của phần mềm Cấp mã số BHXH và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia
đình; đã hoàn thành việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo
cáo quốc gia; đã hoàn thiện chức năng tổng hợp báo cáo số liệu hằng ngày, thông
kê tình hình hỗ trợ nhóm đối tượng tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021
của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện
tử toàn quốc: Từ tháng 10-2020 đến nay, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của
Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với
hơn 20.000 người dùng tại 10.933 UBND cấp xã, 710 phòng tư pháp và 63 sở tư
pháp. Tính đến ngày 20-9-2021, Hệ thống đã có 20.028.021 dữ liệu đăng ký khai
sinh, trong đó có 6.140.683 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo Quy định;
3.960.437 dữ liệu đăng ký kết hôn; 2.759.011 dữ liệu đăng ký khai tử và
5.406.532 dữ liệu khác. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục hỗ trợ các địa
phương triển khai số hoá sổ hộ tịch; đồng thời, đang nghiên cứu, bổ sung đối với
việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên Hệ thống thông tin đăng
ký, quản lý hộ tịch.
Phần mềm này đã giúp giải quyết hầu hết các nghiệp vụ đăng ký hộ tịch theo
Luật Hộ tịch trên hệ thống mạng, máy tính và được kết nối với Cổng dịch vụ công
quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh. Do đó, người
dân có thể thực hiện nhiều thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến;
lấy số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Qua đó cung cấp
nguồn thông tin hộ tịch đầu vào, cập nhật dữ liệu “sống” cho CSDL quốc gia về dân cư.
Bài
học kinh nghiệm
Từ thực tiễn việc triển khai xây dựng một số CSDL
nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, CSDL cần bảo đảm
luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ đó đòi hỏi phải bố trí nguồn nhân lực và ứng
dụng công nghệ thông tin để thường xuyên cập nhật dữ liệu, bảo đảm dữ liệu đầy
đủ, chính xác, phản ánh chân thực và phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ chính trị
của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hai là,
quá trình xây dựng CSDL, lãnh đạo các cấp các
ngành cần quan tâm chỉ đạo, quyết liệt, sâu sát, sáng tạo, bản lĩnh, đột phá,
tâm huyết, trách nhiệm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách
nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng
cao năng lực của đội ngũ cán bộ.
Ba là,
phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành,
tranh thủ kế thừa nguồn dữ liệu sẵn có, tận dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu
thông tin bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất.
Bốn là,
tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, lồng ghép thực hiện đồng thời
các dự án nhằm tiết kiệm, chống lãng phí về kinh phí, nhân lực và thời gian. Sử dụng
tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, nhưng tài nguyên
chuyển đổi số càng khai thác càng hiệu quả, càng phát triển.
Năm là,
việc xây dựng CSDL cần chú trọng gắn kết chặt chẽ
với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin
cá nhân. Trong đó, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an
toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin cần tiếp tục được quan tâm thường
xuyên.
Trần Thị Ngọc Thảo, Phó Chánh Văn phòng;
Nguyễn Ngọc Dân, Vụ Tổng hợp cán bộ
(Ban Tổ chức Trung ương)