Một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng là lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chủ trương lớn trên các lĩnh vực, mà chủ yếu thông qua các nghị quyết. Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong thời gian qua, các cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng, hiệu quả ngày được nâng cao.
|
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị triển khai, quán triệt các nghị quyết chuyên đề của tỉnh Sóc Trăng, nhiemj kỳ 2020-2025 (Ảnh: Báo Sóc Trăng).
|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm theo đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Trong kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, báo cáo viên và thành phần tham gia nghiên cứu, học tập, thời gian, địa điểm, trang trí khánh tiết, tổ chức thực hiện. Các cấp ủy quan tâm xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng; tập trung lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá, những vấn đề nổi cộm, bức xúc để chỉ đạo giải quyết hiệu quả. Chương trình hành động của tập thể được các đơn vị tổ chức thực hiện thông qua các kế hoạch công tác, các đề án, dự án... Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết của Đảng; qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng.
Các cấp ủy, cơ quan đơn vị tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức trực tuyến được mở rộng, do việc tổ chức hội nghị diễn ra cùng một thời điểm, phạm vi rộng, số lượng đại biểu tham dự lớn, tính thời sự cao và tiết kiệm thời gian, kinh phí. Cuối tháng 3-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị diễn ra tại 124 điểm cầu, bao gồm: 1 điểm cầu cấp tỉnh, 3 điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; 11 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố; 109 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn có các đồng chí nguyên lãnh đạo xã, ủy viên BCH Đảng bộ xã, lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, công chức xã, cấp ủy viên các chi bộ trực thuộc đảng uỷ xã, ban giám hiệu các trường học, trưởng, phó ban nhân dân ấp, khóm và lực lượng đoàn viên, thanh niên tham dự. Ngay sau Hội nghị trực tuyến, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy đồng loạt tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân.
Để nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, trực tiếp quán triệt học tập, tổ chức triển khai thực hiện và trực tiếp giới thiệu nghị quyết của Đảng tại cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mình. Tại mỗi hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đều thành lập ban tổ chức hội nghị do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban để giúp cấp ủy tăng cường quản lý, theo dõi việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của cán bộ, đảng viên. Các hội nghị học tập, quán triệt được tổ chức nghiêm túc, dành thời gian thích hợp cho thảo luận, thống nhất chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết; chú trọng kết hợp giữa nghe giới thiệu, truyền đạt của báo cáo viên tại hội nghị với tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên. Đối với những nghị quyết chuyên đề, sau khi tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên bằng hình thực trực tiếp hoặc trực tuyến, cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị nghiên cứu chuyên sâu dành cho cán bộ, đảng viên thuộc ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
|
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (hàng đầu, bên trái) và các đồng chí BTV Tỉnh ủy tại Hội nghị triển khai, quán triệt các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Báo Sóc Trăng).
|
Công tác biên soạn, chuẩn bị tài liệu được các cấp ủy chú trọng. Trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu, học tập nghị quyết của Trung ương, tùy theo nội dung, yêu cầu của nghị quyết, các cấp ủy chỉ đạo ban tuyên giáo nghiên cứu biên soạn tài liệu học tập theo hình thức hỏi - đáp bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời tổ chức tốt việc in sao tài liệu, bảo đảm 100% các chi bộ được cung cấp tài liệu để triển khai học tập nghị quyết của Đảng.
Các cấp ủy chú trọng quan tâm về chất lượng báo cáo viên tham gia báo cáo nghị quyết, chủ động mời báo cáo viên có trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn sâu sắc để truyền đạt nghị quyết tại đại phương, đơn vị. Các báo cáo viên truyền đạt nghị quyết tập trung làm rõ các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết; tăng tính đối thoại, thảo luận, tương tác với cán bộ, đảng viên. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp hiểu sâu, nắm vững, thống nhất nhận thức về những nội dung cơ bản, điểm mới trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; làm cơ sở để triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng được tiến hành thường xuyên, sáng tạo, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh các kênh thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương (cổng thông tin điện tử, báo chí, tạp chí…), các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, thông qua hoạt động sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi... Nội dung tuyên truyền tập trung giới thiệu những nội dung cốt lõi, những vấn đề mới trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; phản ánh đầy đủ, kịp thời, toàn diện, từng bước triển khai nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân. Qua đó đã kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết, uốn nắn những nhận thức chưa đúng; chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội.
Các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng; chỉ rõ ưu điểm và những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện, góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả ở các cấp; lấy kết quả học tập, triển khai thực hiện nghị quyết là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Đổi mới công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết, tạo thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần đưa nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
T.S