Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế ở Tuyên Quang
Một góc TP. Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Một góc TP. Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang.com.vn.

Triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách

Nhằm phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX phát triển. Tỉnh đã quan tâm, triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 13.000 lượt cán bộ, thành viên HTX, trong đó, đào tạo sơ, trung cấp 244 người; bồi dưỡng trên 11.000 lượt người. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã giúp cho cán bộ quản lý trong các HTX nâng cao về công tác tổ chức điều hành, từng bước kinh doanh hiệu quả, linh hoạt trong các mô hình HTX, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Các chính sách về đất đai được triển khai thực hiện đầy đủ đã tạo điều kiện cho các HTX hoạt động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 47 HTX được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà xưởng, kho, cơ sở dịch vụ sản xuất - kinh doanh. Các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX vay vốn, bố trí đủ nguồn vốn vay cho các phương án sản xuất - kinh doanh có khả thi, đáp ứng đầy đủ các điều kiện được vay vốn của ngân hàng. Các HTX được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định.

Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh được thành lập, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động giới thiệu, cung cấp thông tin và công nghệ, thiết bị, hỗ trợ lựa chọn chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, tỉnh có 4 đề tài và 13 dự án khoa học được triển khai thực hiện nhằm thực hiện thành công việc chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới cho các HTX.

Để đẩy mạnh việc tiếp thị và mở rộng thị trường, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực cho các HTX tham gia như: tổ chức các hội chợ quy mô vùng, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại các tỉnh miền núi phía Bắc, các chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu, các chương trình đưa hàng Việt về các huyện, thành phố… Nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như cam sành Hàm Yên, chè Shan Tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà, hồng không hạt Xuân Vân, mật ong An Khang… được tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm hàng hóa nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, được hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa… Nhờ đó, sản phẩm nông sản được quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh và có cơ hội vươn xa ra nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2017 tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm đối với các HTX. Kết quả đã có 32 HTX được hỗ trợ nhân rộng và phát triển mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Mỗi HTX được hỗ trợ 100 triệu đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 3,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh thực hiện hỗ trợ 34 HTX tham gia các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 8 HTX thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm với kinh phí hỗ trợ 3,26 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chính sách về thành lập các HTX mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ. Các HTX được đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng như xây dựng trụ sở, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, nhà kho, các công trình điện và hệ thống tưới nước… tạo điều kiện để các HTX hoạt động.

Hiệu quả từ chính sách đúng

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, các HTX đã ngày càng tăng về số lượng. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 500 HTX, tăng hơn 300 HTX so với thời điểm đầu năm 2002. Số lượng HTX tăng kéo theo số thành viên HTX cũng tăng lên gần 12.000 thành viên.

Thực hiện chủ trương về đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhiều HTX đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm đặc sản của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 HTX sản xuất 62 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Với những cách làm mới, sáng tạo, nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình đã ra đời, làm cho bộ mặt kinh tế của tỉnh có nhiều thay đổi quan trọng.

Đặc sản chè xanh Ngọc Thúy của HTX Sử Anh đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Được thành lập trên địa bàn xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn - nơi chè trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, trang bị cơ sở vật chất hiện đại để phát triển mạnh mẽ sản phẩm chè khô. Đây là sản phẩm được đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra. HTX đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, sử dụng tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc. Với những nỗ lực và cố gắng đó của Ban lãnh đạo HTX, hiện nay, sản phẩm của HTX đã và đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định tin dùng.

Câu chuyện về HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung được nhiều người biết đến nhờ sự bứt phá để thay đổi về chất. Thành lập năm 2018, HTX Sáng Nhung chủ yếu hoạt động xung quanh dịch vụ nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền.

Hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm sạch “Nông sản xanh Sáng Nhung” tại TP. Tuyên Quang

Hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm sạch “Nông sản xanh Sáng Nhung” tại TP. Tuyên Quang.

Để tạo nên sự bứt phá của mình, HTX Sáng Nhung đã đưa các loại thảo dược từ thiên nhiên như đinh lăng, cỏ nhọ nồi, cát sâm, quế, hồi, cà gai leo, kim ngân, hành, tỏi… vào phối trộn thức ăn chăn nuôi lợn. Lợn được nuôi bằng nguồn thức ăn thảo dược chất lượng cao nên rất săn chắc, thơm ngon và bổ dưỡng. Hiện nay HTX Sáng Nhung đã và đang từng bước xây dựng thành chuỗi cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học - thảo dược cung cấp ra thị trường với cam kết “sạch từ trang trại đến bàn ăn”. Nhiều sản phẩm như thịt lợn tươi và các chế phẩm từ thịt lợn như lạp sườn, giò, chả, xúc xích, ruốc… từ thịt lợn thảo dược đã được bày bán tại chính hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm sạch Nông sản xanh Sáng Nhung ở TP. Tuyên Quang. Hiện nay, mô hình HTX Sáng Nhung không chỉ tạo việc làm cho các thành viên của HTX mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, hiện nay, nhiều mô hình hợp tác trên địa bàn tỉnh đã rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động đổi mới phương thức hoạt động sản xuất - kinh doanh để phù hợp với yêu cầu mới của thị trường. Các HTX không chỉ phát triển ở khu vực các trung tâm huyện, thành phố mà xuất hiện trong cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số HTX đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, thu hút nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào HTX thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao của địa phương. Đồng thời tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ đó, chất lượng hoạt động của các dịch vụ được nâng lên, nhiều HTX thành lập mới đã chủ động quan tâm đến thị trường đầu tư trước khi tổ chức sản xuất sản phẩm.

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhiều HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển phát triển bền vững, hiệu quả. Trên nền tảng mạng xã hội, các HTX đã xây dựng các website, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến, tìm kiếm thị trường, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng từ các vùng miền khác nhau thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Những kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) cho thấy kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã được quan tâm và phát triển ngày càng mạnh mẽ với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Điều đó khẳng định ý chí, nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong việc cùng nhau đoàn kết, vươn lên, xây dựng và phát triển kinh tế nhằm đạt được những mục tiêu chung mà tỉnh phấn đấu đặt ra.

Tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể

Để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể, trên cơ sở Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã ban hành Chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Đến năm 2045, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển với nhiều mô hình hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số có quy mô, hiệu quả hoạt động ngang bằng với kinh tế tập thể của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó ít nhất 75% HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết; phấn đấu thu hút trên 20% dân số trong độ tuổi lao động tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Tuyên Quang cũng đã đề ra nhiều giải pháp toàn diện trên tất cả các mặt như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò tầm quan trọng của kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX đối với phát triển kinh tế tập thể…

Thực hiện tốt các giải pháp trên không chỉ giúp cho kinh tế tập thể phát triển mà còn giúp người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được xóa đói, giảm nghèo, có nguồn thu nhập ổn định để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn mới trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất