|
Đẩy mạnh phát triển vùng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
|
Quan điểm của Đại hội XIII về phát triển vùng
Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển các vùng chủ yếu như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc được định hướng trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; vùng Đông Nam Bộ có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.
Trong năm 2022, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng, bao gồm: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về phát triển 6 vùng của Bộ Chính trị, nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; đồng thời, từng bước hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp liên kết giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21-4-2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Ngày 11-7-2023, Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định số 824/QĐ-TTg; Quyết định số 825/QĐ-TTg; Quyết định số 826/QĐ-TTg; Quyết định số 827/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nguyên. Tiếp đó, ngày 19-8-2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 974/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 975/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng Điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên các ngành, do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, thực hiện chức năng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng.
Những kết quả đạt được
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tăng trưởng GRDP không ngừng được cải thiện; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm trong giai đoạn 2011-2020 của vùng đạt 7,96%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
Vùng Đồng bằng sông Hồng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2020 bình quân đạt 7,94%/năm (cả nước là 6,36%). Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách tăng nhanh, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2005-2020 chiếm 32,7% tổng thu ngân sách nhà nước cả nước.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,3%. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004 (chiếm 14,5% GDP cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt mức đạt 56,9 triệu đồng/người/năm.
Vùng Tây Nguyên thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tây Nguyên hiện trở thành vùng sản xuất chủ lực một số sản phẩm nông sản với quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao (nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả); ngành du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; các giá trị văn hóa được bảo tồn, kế thừa và phát huy.
Vùng Đông Nam Bộ, quy mô GRDP năm 2020 của vùng tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Năm 2022, GRDP của vùng chiếm 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng là 8,5%. Quý II-2023, tăng trưởng GRDP bình quân toàn khu vực đạt 5,47%.
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân. Cơ chế thực thi chính sách phát triển vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả. Hội đồng điều phối của các vùng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển vùng, liên kết vùng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vùng, vẫn còn một số hạn chế:
Việc huy động nguồn lực đầu tư cho các vùng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao, tỉ lệ đường cao tốc thấp. Chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các công trình hạ tầng quan trọng. Việc gắn kết trong đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm với vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư và định hướng phát triển của tỉnh, của vùng còn hạn chế.
Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, bị động, chưa mang tính tổng thể (mới chỉ là phép cộng cơ học), trong nhiều trường hợp mới chỉ mang tính hình thức. Việc liên kết liên ngành, liên tỉnh trong đầu tư phát triển; liên kết doanh nghiệp để hình thành mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở khai thác điều kiện lợi thế, nguồn tài nguyên ở từng khu vực địa bàn, địa phương chưa nhiều, còn thiếu chặt chẽ; lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Kết quả việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng vẫn còn một số hạn chế. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng trũng của việc phát triển, một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Nguy cơ tụt hậu của vùng ngày càng lớn. Vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các địa phương phát triển không đồng đều. Các ngành sản xuất công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Phát triển các khu kinh tế ven biển, cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tính liên kết, bổ trợ giữa các khu chưa chặt chẽ. Vùng Tây nguyên tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững; thu nhập bình quân đầu người thấp. Khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp. Giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Vùng Đông Nam Bộ, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng ở Đông Nam Bộ từng đạt trung bình trên 10% rồi giảm rõ rệt trong thập niên gần đây, duy trì trung bình 7-8% mỗi năm. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; kết cấu hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao…
Đi tìm nguyên nhân
Một là, xuất phát điểm của một số vùng còn thấp, cơ chế, chính sách của các vùng chưa đủ mạnh và phù hợp để tạo đột phá và một số địa phương trọng điểm chưa phát huy lợi thế sẵn có, tạo nguồn lực và động lực để dẫn dắt sự phát triển của cả vùng.
Hai là, quy hoạch của vùng, ngành, địa phương còn thiếu tính liên kết, giữa các quy hoạch còn chưa đồng bộ, chưa xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ đột phá, trọng tâm phát triển gắn với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực. Các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ, phân bổ nguồn lực còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Ba là, sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương chưa thực sự chặt chẽ và thiếu cơ chế tài chính để huy động, chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương trong vùng. Nhận thức của các cấp, các ngành về cơ chế điều phối, kết nối vùng còn chưa thống nhất.
Bốn là, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thuận lợi để có thể thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân. Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa đạt hiệu quả, các chính sách, thông tin mời gọi, quảng bá chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Năm là, năng lực, kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ có mặt còn hạn chế, tính năng động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển vùng; còn tư duy “kinh tế địa phương” lấn át tư duy “kinh tế vùng”. Hoạt động của ban chỉ đạo, hội đồng điều phối một số vùng chưa được phát huy cao độ.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển vùng ở Việt Nam
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện chủ trương phát triển vùng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết về phát triển vùng của Bộ Chính trị. Tạo sự thống nhất cao hơn trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của phát triển vùng và liên kết vùng. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đổi mới, năng động, sáng tạo; ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy tính năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển vùng. Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Đổi mới, hoàn thiện thể chế điều phối vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Ba là, nâng cao hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng trong cả nước. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút các nguồn vốn đầu tư. Rà soát, sửa đổi pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định liên quan theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các kết cấu hạ tầng dùng chung, kết cấu hạ tầng liên kết vùng.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển các vùng và liên kết giữa các vùng trong cả nước. Tiếp tục xây dựng chương trình tổng thể về phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đầu tư toàn diện và bài bản cho quá trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao và đào tạo nghề đón đầu xu hướng phát triển sản xuất. Ðẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp để nâng cao về năng suất, thu nhập; chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ lao động với kỹ năng nghề nghiệp. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế.
Năm là, liên kết chặt chẽ và đồng bộ trong quy hoạch vùng, ngành, địa phương; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ đột phá, trọng tâm phát triển gắn với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực.
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng”. Đồng thời, các giải pháp phát triển vùng cần thực hiện đồng bộ, phân bổ nguồn lực cho phát triển vùng cần tập trung và hiệu quả cao hơn. Trong đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch gắn với đô thị hóa trở thành động lực phát triển vùng. Chú trọng xây dựng các hành lang kinh tế trọng điểm, thúc đẩy liên kết, hội nhập quốc tế và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Thực tiễn cho thấy, phát triển vùng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tư duy và tầm nhìn mới cho sự phát triển của quốc gia trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển vùng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và triển khai thực hiện quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, chủ trương phát triển vùng cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững đất nước, đạt được những mục tiêu quan trọng đã đề ra vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Nguyễn Thị Hồng Lâm, TS. Trần Thị Ngọc Minh – Học viện Báo chí và Tuyên truyền