Bắc Giang đẩy mạnh công tác quản lý việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh

Bắc Giang có ba tuyến sông (sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam) với tổng chiều dài khoảng 347km, có tiềm năng về tài nguyên cát, sỏi không lớn; cát, sỏi có chất lượng trung bình, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên, vật liệu xây dựng của địa phương. Trong đó, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tập trung tại 2 tuyến sông là sông Cầu và sông Lục Ngạn; hiện tỉnh đã cấp phép cho 22 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại 26 khu vực mỏ, với tổng trữ lượng cấp phép 6,093 triệu m3. Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh mới cung cấp được khoảng 20% cho nhu cầu cát, sỏi của địa phương, phần còn lại được cung ứng từ các tỉnh khác như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên… qua các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng.

Tăng cường công tác quy hoạch về khai thác, kinh doanh

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố thực hiện việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi bồi ven sông, kinh doanh và sử dung cát, sỏi trên địa bàn. Qua đó đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ cát sỏi trên địa bàn tỉnh, nhất là trong công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã tăng cường chỉ đạo công tác lập, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh: đã lập và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có việc định hướng khai thác và sử dụng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

Việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, kinh doanh và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định đã góp phần định hướng cho việc khai thác, sử dụng khoáng sản bảo đảm tiết kiệm, hợp lý; làm căn cứ cấp phép bảo đảm đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 15 khu vực nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều và 8 bãi cát nghiêm cấm các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi tại địa bàn các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa. UBND tỉnh đã chỉ đạo lắp đạt 46 biển khu vực cấm khai thác cát, sỏi trên 3 tuyến sông.

Cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi đúng quy định

Giai đoạn 2011-2019, UBND tỉnh đã cấp phép thăm dò cát, sỏi tại 55 khu vực lòng sông, bãi ven sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương, còn lại 25 khu vực chưa được cấp phép (chủ yếu tập trung ở lòng sông Cầu). Tuy nhiên, qua đánh giá tài nguyên cát, sỏi tại các khu vực sông Cầu đã gần cạn kiệt do thời gian qua Bộ Giao thông - Vận tải đã cho thực hiện 2 dự án nạo vét tuyến đường thủy nội địa trên tuyến sông Cầu (đã dừng hoạt động từ năm 2017). Tổng số Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản là 28, tổng trữ lượng cát, sỏi đã được phê duyệt là 5,786 triệu m3, trữ lượng khoáng sản đi kèm (đất san lấp, đất làm gạch) là 1,37 triệu m3; đến nay đã có 23/28 quyết định phê duyệt trữ lượng đã đưa vào cấp phép khai thác cát, sỏi phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã cấp 33 giấy phép khai thác cát, sỏi cho 28 doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi ven sông của 22 doanh nghiệp còn thời hạn, với tổng diện tích cấp phép 345,66 ha, tổng trữ lượng cấp phép 6,093 triệu m3.

Việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm đúng quy định, theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt, bảo đảm sử sụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên cát, sỏi của tỉnh; góp phần cân bằng sự thiếu hụt nhu cầu về cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, không gây biến động, chênh lệch lớn về giá cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với khu vực vùng miền núi, vùng sâu của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khai thác cát, sỏi của tỉnh vẫn còn một số bất cập, tồn tại như: các doanh nghiệp khai thác không bảo đảm công suất theo thiết kế, hoạt động khai thác không thường xuyên, liên tục; nhiều điểm quy hoạch, khai thác tại các vùng sông, suối nhỏ, gây khó khăn cho công tác quản lý; một số điểm khai thác cát, sỏi không thuận tiện cho giao thương giữa các địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh công tác quản lý việc thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn một cách hợp lý, đem lại hiệu quả.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất