Thái Nguyên đặt mục tiêu nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số

Hạ tầng là nền tảng đột phá

Hưởng ứng lời kêu gọi chuyển đổi số quốc gia, ngày 31-12-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã đều thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; cán bộ, công chức, viên chức, đến người dân, doanh nghiệp đều ý thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu, tạo nên cách làm mới, cuộc sống mới và là cơ hội để bứt phá vươn lên.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn, Phổ cập kỹ năng số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Phú Bình.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Phú Bình.

Ngay sau đó,  tỉnh Thái Nguyên đã mời gọi, thu hút, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Saigontel-NGS… Xác định phát triển hạ tầng viễn thông là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 100% các tuyến sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang và được xây dựng đến hầu hết các xã, đảm bảo nhu cầu sử dụng dịch vụ in-tơ-nét băng rộng của người dân, với kết quả đạt được: 100% cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế được kết nối in-tơ-nét băng rộng cố định. 99% khu vực dân cư được kết nối in-tơ-nét băng rộng (cáp quang và 3G, 4G).

Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, mở ra cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên số, đó như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh. Lần lượt các ứng dụng số thuốc đa dạng các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, chính trị được áp dụng triển khai như: C - Thái Nguyên, Sổ tay đảng viên, ThaiNguyen ID,… Việc xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu đã tạo nền tảng cho chính quyền số được quan tâm. 

Người dân là chủ thể, là đối tượng thụ hưởng

Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ con người, tỉnh Thái Nguyên đã rất quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng chuyển đổi số. Năm 2022 đã đào tạo, tập huấn cho gần 5.000 người, trong đó phần lớn là lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ phụ trách công nghệ thông tin ở cơ sở trên Nền tảng OneTouch của Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Công nghệ thông tin truyền thông Thái Nguyên. 

Đến cuối năm 2022, công tác chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, xây dựng được 80 chợ 4.0 - chợ thanh toán số không dung tiền mặt; thành lập 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 15.000 thành viên; hỗ trợ an sinh xã hội, tạo tài khoản số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi.  Đặc biệt việc chi trả không dùng tiền mặt được tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai trong những tháng cuối năm 2022 nhằm tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Nhờ đó, trường học, trạm y tế và hàng nghìn hộ dân đã có thể tiếp cận tới những công cụ, dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Thái Nguyên cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn, tính đến hết năm 2022 có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn. Đến ngày 30-1-2023, có gần 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 1.900 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt gần 17.500 giao dịch.

Đồng thời thí điểm chuyển đổi số tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa: với trên 100 điểm di tích được định vị, số hóa 2D. Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa triển khai số hóa 2D toàn huyện Định Hóa và số hóa 3D triển khai ảo hóa (VR) tại khu vực 16 điểm di tích và khu Trung tâm dịch vụ ATK Định Hóa lên bản đồ Map 4D. Địa chỉ truy cập bản đồ số 2D, 3D và VR tour 360 Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên tại https://atk.vimap.vn/ Ứng dụng du lịch thông minh là giải pháp đang được thực hiện tích cực hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu số hóa và nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa Thái Nguyên, ứng dụng bước đầu được thực hiện đã đem lại những thay đổi tích cực trong cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh Khu di tích đến với người dân.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực đó, năm 2022, Sổ tay đảng viên điện tử đoạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức. “Nền tảng Xã hội số - Ứng dụng Thái Nguyên ID” được Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Từ những chỉ đạo xuyên suốt, các triển khai hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Theo đó, Thái Nguyên tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất