Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực để phát triển 5 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; dịch vụ y tế; phát triển hạ tầng.
Trong đó, Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2021-2023 ngành công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm ước đạt 15,41%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân hằng năm tăng 14,86%. Đặc biệt, trong nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cũng đúng với định hướng lấy công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo là đột phá đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tính riêng năm 2023, trong 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản phẩm tăng so với năm 2020, thì nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực vẫn phát triển ổn định, đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng của toàn ngành. Điển hình như thép và phôi thép tăng 40,62%; dầu ăn tăng 28,3%; quần áo may sẵn tăng 18,6%; giày xuất khẩu tăng 16,4%; điện sản xuất tăng 14,5%... Một số sản phẩm như lọc hóa dầu, xi măng, thép... có sản lượng thuộc nhóm đầu của cả nước. Qua đó, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về công nghiệp nặng của cả nước, với trọng tâm là công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo.
Tỉnh thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các cơ sở sản xuất điện, thép, xi-măng hoạt động ổn định, đạt công suất.
Các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường các sản phẩm dệt may, da giầy, xi-măng, thép; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp để có thêm sản phẩm mới.
Thanh Hóa ưu tiên thu hút các dự án tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm sau lọc hóa dầu, thiết bị điện, linh kiện và thiết bị điện tử, tin học, sớm thực hiện dự án Trung tâm điện khí LNG; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống.
Đặc biệt, với vai trò và vị thế đã được khẳng định, Khu Kinh tế Nghi Sơn đang trở thành đầu tàu công nghiệp Thanh Hóa. Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ từng bước được xây dựng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Đồng thời trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và là đầu mối quan trọng, nơi trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và vùng phụ cận Thanh Hóa. Tính từ năm 2021 đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp (19 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư 15.868 tỷ đồng và 168 triệu USD; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ - thương mại ước đạt 546.143 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 9.505 triệu USD; thu ngân sách nhà nước ước đạt 52.747 tỷ đồng...
Dù vậy, tăng trưởng công nghiệp có xu hướng giảm, nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn do bị thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản lượng một số phẩm truyền thống giảm, sản phẩm công nghiệp mới còn ít, chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp lớn, công nghệ cao.
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, thuộc Khu Công nghiệp Lễ Môn trong ca sản xuất.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, ngày 28-1-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Theo đó, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hoá, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ. Từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, hóa chất, may mặc, da giày; vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp kim loại, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử - công nghệ thông tin có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Phấn đấu phát triển ngành công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; triển khai nhanh các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo hạt nhân tăng trưởng cho nền kinh tế toàn tỉnh phát triển.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh; thu hút các nguồn vốn đầu tư, tích cực đấu nối, thụ hưởng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ tăng thu xuất, nhập khẩu, tranh thủ nguồn lực từ Trung ương cho đầu tư phát triển.
Các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng và các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi đôi với tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo mặt bằng sạch thu hút các các nhà đầu tư thứ cấp. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao.
Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất. Phấn đấu Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước, gắn với phát triển bền vững.
Trần Lê Việt