|
Lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Vietcombank bấm nút khai trương Vietcombank Digital Lab vào năm 2016, thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ của Vietcombank cho công nghệ và khả năng ứng dụng công nghệ số trong cung ứng các dịch vụ ngân hàng.
|
Ngày 7-6-2021, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ra Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, một số nhóm ngành cần ưu tiên chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương bao gồm: nhóm ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nhóm ngành giao thông vận tải; nhóm ngành năng lượng; nhóm ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng và nhóm ngành nông, lâm nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng có vai rất quan trọng bởi đây là ngành giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế.
Ngày 11-5-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ra Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ và phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Theo đó, ngành Ngân hàng đặt ra 8 nhiệm vụ chính: 1) Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; 2) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; 3) Phát triển hạ tầng số; 4) Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước; 5) Hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại tổ chức tín dụng; 6) Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số; 7) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; 8) Phát triển nguồn nhân lực.
Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy các hạ tầng quan trọng của Ngành Ngân hàng như hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt xu hướng dịch chuyển số, tăng tốc số của các chủ thể trong nền kinh tế. Điều đó phần nào cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt của ngành Ngân hàng Việt Nam trước những biến động, rủi ro khó lường trong công cuộc chuyển đổi số lâu dài, gian truân. Không thể phủ nhận, chuyển đổi số mang lại những lợi ích cốt lõi sau cho các tổ chức tài chính ngân hàng, có thể kể đến như: 1) Cải thiện bảo mật trên tất cả các cấp độ xử lý dữ liệu: Mã hóa dữ liệu giúp các ngân hàng giảm thiểu tối đa khả năng rò rỉ thông tin. Quan trọng nhất, chuyển đổi số sẽ giúp làm tăng tính an toàn của các giao dịch. 2) Tăng hiệu quả hoạt động và giảm thời gian chờ đợi: Khách hàng không muốn chờ đợi, đặc biệt là khi họ đã tin tưởng giao cho ngân hàng một số tiền lớn. Hệ thống xử lý dữ liệu lớn với kiến trúc dựa trên microservice đảm bảo xử lý giao dịch nhanh chóng và an toàn. 3) Phân tích và quản lý rủi ro tốt hơn: Các hệ thống phát hiện gian lận giúp ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn. Ngoài ra, các công nghệ xác thực và quy trình xác nhận đa cấp được hỗ trợ bởi công nghệ sẽ loại bỏ những sai sót có thể xảy ra trong giao dịch đối với khách hàng và nhân viên ngân hàng. 4) Tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại: Tự động quá các tác vụ thủ công, lặp lại giúp các ngân hàng cải thiện năng suất nhân viên và tiết kiệm lượng lớn chi phí nhân công. Ngoài ra, tự động hóa giúp giảm sai sót do con người trong quá trình thực hiện, đối chiếu các giao dịch. 5) Cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa: Chuyển đổi số cho phép các ngân hàng biết khách hàng thực sự muốn gì, từ đó thiết kế các dịch vụ tài chính phù hợp nhất với yêu cầu của khách hàng thay vì việc phỏng đoán. Việc áp dụng các công nghệ mới cho phép các ngân hàng tăng cường sự tương tác của khách hàng với các dịch vụ được cá nhân hóa. 6) Cho phép đổi mới và khả năng thích ứng và tùy biến cao: Sự xuất hiện của các cổng thông tin mua sắm, kênh xã hội và ứng dụng di động tích hợp đã mở ra nhiều cánh cửa để các ngân hàng tiếp cận gần với khách hàng.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Về nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số, Quyết định số 749/QĐ-TTg nhấn mạnh: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức... Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực...” từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về “... tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số...”.
Phát triển nguồn nhân lực là một trong 9 nhóm giải pháp quan trọng nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số Ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11-5-2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"). Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực chuyển đổi số nói chung đi kèm với cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng đã và đang ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các ngân hàng. Do đó, để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng có thể cân nhắc tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng tầm nhìn và văn hóa của ngân hàng phù hợp với chuyển đổi số như việc xây dựng mô hình ngân hàng số (digital bank), ngân hàng tương tác xã hội (social engaged bank), ngân hàng dựa trên dữ liệu (data-driven bank)... Một văn hóa số sẽ củng cố, truyền cảm hứng cho bộ máy nhân sự của ngân hàng nhằm kiến tạo tư duy số (digital mindset). Để làm được điều này, cần có sự chuyển đổi từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao nhằm tạo chuyển biến nhận thức từ trên xuống dưới, từ cao xuống thấp. Ngoài ra, giải pháp này cũng có thể bao gồm: (i) Yêu cầu lãnh đạo, quản lý đào tạo, huấn luyện cho cán bộ cấp dưới về chuyển đổi số theo định kỳ (việc này bắt buộc bản thân đội ngũ lãnh đạo phải học hỏi, cập nhật để tránh tụt hậu); (ii) Cán bộ, nhân viên cấp dưới trao đổi, bày tỏ ý kiến quan điểm tới đội ngũ lãnh đạo quản lý về công nghệ, kỹ năng số, các sáng kiến đổi mới... để tăng cường kết nối giữa cán bộ với đội ngũ lãnh đạo các cấp, đồng thời, từng bước xây dựng và hình thành kỹ năng và môi trường, phong cách làm việc phù hợp yêu cầu chuyển đổi số ngân hàng.
Hai là, cấu trúc bộ máy và sắp xếp lại các bộ phận, phòng/ban một cách hợp lý để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới một cách linh hoạt và nhanh chóng; xem xét thành lập và đưa vào vận hành đội ngũ chuyên trách, đầu mối triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số và các sáng kiến ứng dụng công nghệ trong ngân hàng, đội ngũ chuyên trách có thể hình thành dưới dạng phòng, trung tâm chuyển đổi số hoặc tổ công tác (task force) nghiên cứu, phát triển các sáng kiến chuyển đổi số bao gồm nhân sự đến từ nhiều bộ phận khác nhau (như tuân thủ, nhân sự, pháp lý, công nghệ, nghiệp vụ...) phát triển, vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo, môi trường thử nghiệm nội bộ để phục vụ nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, thu hút sự tham gia của các công ty công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà phát triển phần mềm độc lập hay nhân sự tài năng trong chính nội bộ ngân hàng.
Ba là, xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại nhân lực hiện có về kỹ năng, kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tốc độ thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và trong ngành Ngân hàng nói riêng cũng đòi hỏi lực lượng cán bộ, nhân viên phải có khả năng tiếp thu, học, học lại các kỹ năng, kiến thức mới trong suốt quá trình làm việc của mình (kỹ năng học tập suốt đời - lifelong learning).
Bốn là, xây dựng mối quan hệ, mạng lưới với các tổ chức, đối tác khác như Fintech, Bigtech, các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo, đi thực tế, thực tập để học tập công nghệ cũng như chuẩn bị nguồn cán bộ dự trù từ đội ngũ sinh viên.
Năm là, đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, phương án thu hút, giữ chân nhân sự tài năng thông qua các chế độ ưu đãi lương, thưởng, môi trường làm việc hấp dẫn, linh hoạt, các chương trình thi đua, khuyến khích nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ mới...
Tuy nhiên, để đảm bảo chuyển đổi số thành công, các ngân hàng cần một lộ trình từng bước phù hợp theo các bước như sau: Bước 1: Định hướng và chiến lược số: Ngân hàng cần xác định chính xác trọng tâm, chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược kinh doanh; Bước 2: Phân tích vấn đề: Ngân hàng cần tái thiết kế lại quy trình dựa trên hành trình trải nghiệm khách hàng, mục tiêu tối ưu hóa hoạt động. Ví dụ: các nhà quản lý cần tìm hiểu sâu và phân tích những vấn đề nhức nhối thực sự khi khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán, mở thẻ, chăm sóc khách hàng. Từ đó đưa ra ý tưởng các sáng kiến số phù hợp để giải quyết vấn đề; Bước 3: Xây dựng lộ trình chuyển đổi số: Ngân hàng xây dựng ngân sách, lập mô hình tính toán hiệu quả mang lại và xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp với mục tiêu và ngân sách của ngân hàng; Bước 4: Thực hiện và giám sát: Ngân hàng xác định rõ ràng KPI để theo dõi kết quả của từng dự án chuyển đổi số và đảm bảo sử dụng công nghệ tốt nhất, triển khai trong thời gian nhanh nhất; Bước 5: Đánh giá và xác nhận: Việc đánh giá và xác nhận kết quả giúp các ngân hàng có thêm thông tin cập nhật, nhằm đưa ra các cải tiến phù hợp để dự án đạt được hiệu quả mong muốn; Bước 6: Báo cáo và cải tiến: Báo cáo kết quả thực hiện và cải tiến thường xuyên là các hành động quan trọng để đảm bảo một dự án thành công, phù hợp với tình hình triển khai và đồng bộ với các dự án chuyển đổi số khác.
Hiện nay chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Do đó, từng đảng viên, từng cán bộ, cá nhân công tác trong lĩnh vực ngân hàng cần có ý thức nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen trong việc thực hiện chuyển đổi số, không ngừng học tập, trau dồi tri thức, gia tăng khả năng kết nối, truyền tải, sử dụng và áp dụng chuyển đổi số vào công việc và cuộc sống thường ngày.
Lê Ngọc Kiều Ngân
Đảng bộ Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ