Thanh Hóa: Kết quả ấn tượng trong thực hiện chuyển đổi số năm 2023
Bộ phận “một cửa” xã Đông Tiến (Đông Sơn) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của BTV Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số, năm 2023, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp cả về thể chế, cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số và đạt kết quả cao trên tất các mặt. 

Nâng cao nhận thức số 

Công tác truyền thông thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, triển khai đồng bộ từ đầu tư hạ tầng, đổi mới nội dung, hình thức, tần suất tuyên truyền, đa dạng các phương thức truyền thông, từ hệ thống truyền thanh cơ sở đến trang, cổng thông tin điện tử và sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền.

Trang thông tin chuyển đổi số của tỉnh thu hút được trên 1.861.000 lượt người theo dõi; đây là kênh chính thống cập nhật thông tin các chính sách pháp luật, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, tổ công nghệ số cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Trang thông tin điện tử hệ thống đài truyền thanh của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Chuyên mục “Chuyển đổi số” trên sóng truyền hình của tỉnh và các cơ quan báo chí cũng đã tích cực tuyên truyền đậm nét về chuyển đổi số. 

Bên cạnh đó, tổ chức các khóa học, chương trình để trao đổi về chuyển đổi số, xu thế và tính tất yếu của chuyển đổi số hiện nay trong doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; về sử dụng dữ liệu mở để khai thác các giá trị nhằm phát triển doanh nghiệp trong thời đại số; chia sẻ các kinh nghiệm của những doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số, như: Hội nghị tuyên truyền về chuyển đổi số, hội nghị tư vấn tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số như nền tảng hỗ trợ vay vốn tín chấp, các nền tảng chuyển đổi số cho 6.500 doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 22-8-2023 về việc tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã tổ chức 5 sự kiện tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy, quảng bá để toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện chính sách, quy định cho chuyển đổi số

Với quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, với quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý của tỉnh trong xây dựng, phát triển chính quyền số và chỉ đạo việc đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số. Năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã ban hành 1 Chỉ thị, 15 Quyết định, 6 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo khác về chuyển đổi số.

Phát triển hạ tầng số 

Hạ tầng công nghệ thông tin. Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị công nghệ thông tin; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng nội bộ (LAN), kết nối internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 100% các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi sang IPv6; người dùng thực hiện truy cập song song địa chỉ IPv4 và IPv6 trên môi trường mạng.

Các Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tiếp tục được đầu tư đảm bảo cho việc duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7.

Duy trì, vận hành gần 700 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; tổ chức vận hành trên 100 hội nghị giao ban trực tuyến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và với các Chính phủ và bộ, ngành, trung ương; hơn 410 cuộc họp trực tuyến giữa cấp huyện với cấp xã nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính khác.

Hạ tầng viễn thông. Hạ tầng viễn thông tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, Intenet băng thông rộng cố định, di động và dịch vụ truyền hình qua mạng viễn thông. Tổng số trạm trên toàn mạng là 9.399 trạm BTS (2.789 trạm 2G, 2.713 trạm 3G, 3.897 trạm 4G) lắp đặt tại 3.920 vị trí (cột A1 chiếm 3.3%, cột A2 chiếm 96.7%); có 14 thiết bị chuyển mạch cố định; 2.785 thiết bị truy nhập Internet băng thông rộng; tỷ lệ sử dụng chung cột ăng ten giữa các doanh nghiệp viễn thông đạt 7.6%. Các doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng mới gần 800km cáp mạng ngoại vi; cải tạo chỉnh trang gần 150km cáp; phối hợp với các cơ quan Nhà nước để di dời, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh ước đạt 2.973.300 thuê bao (trong đó 25.300 thuê bao cố định; 2.948.000 thuê bao di động), đạt mật độ 80,50 máy/100 dân; tổng số thuê bao Internet trên toàn tỉnh ước đạt 2.400.000 thuê bao, đạt mật độ 65,4 thuê bao/100 dân.

100% số thôn/bản trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng thông tin di dộng 3G/4G; Số thôn/bản trên địa bàn tỉnh đã có hạ tầng băng rộng cố định là 4.342/4.357 (tỷ lệ 99.65%), số thôn/bản chưa được đầu tư hạ tầng băng rộng cố định là 15 bản.

Phát triển dữ liệu số

Dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; do đó, các ngành, các đơn vị đã thực hiện số hóa, phát triển, xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị và tăng cường kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu phục vụ cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ trong công tác ra quyết định của các cơ quan giúp nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị.

Việc tạo lập, kết nối, chia sẽ dữ liệu giúp người dân, doanh nghiệp không phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần; cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước không phải nhập lại thông tin khi thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm; việc khai thác các dữ liệu dùng chung sẽ làm giảm việc đầu tư trùng lặp, gây lãng phí và cho phép cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài phục vụ khu vực tư để xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới cho xã hội; vì thế, trong thời gian qua các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tạo lập, duy trì được một số các dữ liệu số như sau: Cổng Dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn) đã được đưa vào triển khai, sử dụng với 234 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực nhằm chia sẻ, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công; hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư bắt đầu được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 20-2-2023 giúp người dân khi thực hiện các dịch vụ công không phải khai báo lại thông tin cá nhân và thời gian thực hiện các dịch vụ công được nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.

Ngành, lĩnh vực, chính quyền số

Với quyết tâm thực hiện xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; đổi mới phương thức làm việc; quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều sự thay đổi, đổi mới và hiện đại hóa nền hành chính; vì vậy, kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử được thể hiện bằng những con số, phương pháp cụ thể: Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) (tại địa chỉ https://lgsp.thanhhoa.gov.vn) được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định; hiện đang cung cấp 10 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 11 dịch vụ kết nối bên ngoài; đã thực hiện khai báo mã định danh điện tử cho 2.588 đơn vị và đồng bộ lên hệ thống danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý). Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh; thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 2.939.433 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5%; hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%; việc này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cung cấp 842 dịch vụ công trực tuyến một phần và 868 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.710 dịch vụ (Quyết định số 2971/QĐ-UBND ngày 22-8-2023); tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 98%. Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống Một cửa điện của tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã: Hoàn thành việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện năm 2022 theo Quyết định số 3853/QĐ-UBND ngày 9-11-2022 về việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh đã công nhận hoàn thành các  tiêu chí chuyển đổi số cấp xã năm 2022 đối với 37 đơn vị cấp xã, đang tiếp tục thẩm định công nhận cho các đơn vị còn lại.

Ngoài việc triển khai các ứng dụng dùng chung đối với tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; các ngành, đơn vị đã triển khai thực hiện chuyển đổi số, mang lại hiệu quả trong phát triển mỗi ngành, đơn vị. 

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Thọ Xuân.

Phát triển kinh tế số và xã hội số

Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,28%. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các kế hoạch, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về vốn, nguồn nhân lực, đặc biệt là Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 28-3-2023 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số; và xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Xã hội số, xác định chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng kết quả mà chuyển đổi số mang lại; thời gian qua các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số và hình thành công dân số. Đã thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản như: thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dịch vụ công, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet…đồng thời hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Khuyến khích người dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, sản phẩm nông nghiệp đặc sản, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp số. Tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng mô hình:"Camera Nhân dân với an ninh, trật tự" để thực hiện việc quản lý an ninh, trật tự; duy trì hiệu quả kênh giao tiếp với người dân thông qua hệ thống Zalo OA để trao đổi giữa các cơ quan chính quyền với người dân để tháo gỡ khó khăn và trao đổi thông tin một cách thuận lợi và nhanh chóng. 100% nhà văn hoá, thôn khu phố, các điểm du lịch được lắp đặt Wifi miễn phí.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được duy trì vận hành, trực đảm bảo hệ thống Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu tỉnh Thanh Hóa hoạt động tốt 24/7; thực hiện thường xuyên công tác sao lưu dữ liệu website, phần mềm ứng dụng, dùng chung cho các cơ quan, đơn vị tại Trung tâm; tổ chức quản lý, hỗ trợ vận hành, tổng hợp theo dõi tình hình sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hỗ trợ khắc phục các lỗi trên phần mềm: Chữ ký số; hệ thống một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc....; quản lý vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP).

Hệ thống giám sát của Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng tỉnh phát hiện 16 cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đang bị lây nhiễm mã độc, kết nối vào mạng máy tính ma (botnet) do tin tặc điều khiển; 434 máy tính nhiễm mã độc đã được xử lý, 954 máy tính có kết nối đến các tên miền độc hại ngoài internet, 940 máy tính tồn tại các lỗ hổng bảo mật; Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh đã triển khai thực hiện ứng cứu 464 lượt sự cố liên quan đến phần mềm dùng chung.

Phát triền nguồn nhân lực chuyển đổi số
Nhân lực chuyển đổi số là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, về bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số cho các cán bộ lãnh đạo, công chức trên địa bàn tỉnh. Đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cho hơn 3.500 học viên là cán bộ công chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số, Thanh Hóa tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất