Trọng tâm trong bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng
Có thể nói, an ninh quốc gia là một vấn đề đặc biệt hệ trọng, then chốt, sống còn của một đất nước nói chung, của Đảng, Nhà nước và chế độ ta nói riêng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng đặt ra ngày càng cấp thiết. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: an ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường (thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước...), dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”… Đây là những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển" [1].
Bộ luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12-6-2018 khẳng định, “không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng in-tơ-nét, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian". "Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát [2]. Cũng theo Luật An ninh mạng, trên không gian mạng Việt Nam có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Hệ thống này bao gồm: "hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng; hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái; hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia; hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở Trung ương; hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí; hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia"[3].
Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5-9-2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia” xác định: phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng; khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin; tăng cường bảo vệ an ninh mạng các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia [4].
Cũng theo Thiếu tướng, PGS, TS. Cao Anh Dũng, Giám đốc Học viện Quốc tế (Bộ Công an), Việt Nam hiện đang đối mặt với các nguy cơ, thách thức đe dọa đến an ninh quốc gia trên không gian mạng, gồm: chiến lược “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng; hoạt động gián điệp mạng và các loại tội phạm công nghệ cao; nguy cơ chiến tranh mạng; tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin mạng đe dọa tới an ninh quốc gia [5].
Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không bao giờ từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng càng lợi dụng triệt để những thành tựu khoa học - kỹ thuật và không gian mạng vào các hoạt động chống phá với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt của Đảng, quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng hiện nay là: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế”[6]. Theo đó, bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nói cách khác, đây là cuộc đấu tranh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) có trách nhiệm rất lớn trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng hiện nay.
Vai trò của các CSGDĐH trong XH
Có thể nói, ý tưởng giáo dục đại học châu Âu đã có từ khoảng 2.500 năm trước tại Hy Lạp cổ đại. Chữ đại học được dịch từ tiếng Anh là university và tiếng La-tinh “universitas” với nghĩa nguyên thuỷ của từ này là “tổng thể”, ngụ ý những điều mà đại học hướng đến là “tri thức tổng thể” hay “chân lý phổ quát”. Nói cách khác, tính chất học thuật cũng như môi trường học thuật được xem là đặc trưng nổi bật nhất của giáo dục đại học; mục tiêu của đại học là mối quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức, hơn là từ lý do kinh tế.
Vai trò của đại học đã từng được Khổng Tử đề cập: đường lối đại học ở chỗ làm cho sáng tỏ cái đức sáng, làm cho con người đổi mới luôn luôn, lo cho đến chỗ hoàn toàn tốt lành mới thôi. Quan niệm đại học ở đây gắn liền với một sứ mệnh cao cả đối với cộng đồng. Người học đại học phải hướng đến đức sáng, đến sự đổi mới và đến những chân lý, lẽ phải và cái thiện tuyệt đối để đóng góp cho sự phát triển của XH.
Ngày nay, đại học được xem như đầu tàu của công nghệ và đổi mới, tạo ra và truyền bá tri thức tinh hoa cho XH. GDĐH có vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc phát minh ra những thành tựu khoa học mới. Nhà trường đại học không chỉ là nơi đào tạo mà còn là những trung tâm nghiên cứu để hình thành hệ thống tri thức mới, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại cũng như góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH bền vững. GDĐH không chỉ có ý nghĩa đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc phát minh ra những thành tựu khoa học mới. Tuyên bố của UNESCO trong Hội nghị quốc tế về GDĐH năm 1998 đã khẳng định: "sứ mệnh của GDĐH là góp phần vào yêu cầu phát triển bền vững và phát triển XH nói chung"[7]. Cần phải lưu ý đặc biệt đến vai trò phục vụ của GDĐH đối với XH, đặc biệt là các hoạt động hướng tới việc làm giảm sự nghèo khó, thiếu khoan dung, bạo lực, ngu dốt, đói kém, huỷ hoại môi trường, bệnh tật, và những hoạt động hướng tới việc củng cố hoà bình, thông qua cách tiếp cận liên ngành và xuyên ngành [8].
Có thể có nhiều quan điểm về vai trò của đại học trong XH (XH ở đây không chỉ được hiểu là một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia mà còn được hiểu là XH toàn cầu), nhưng nhìn chung, nền đại học có hai vai trò quan trọng bậc nhất là: 1) Lãnh đạo/dẫn dắt XH về mặt trí tuệ và tư tưởng; 2) Đại diện cho chân lý, công lý và lương tri của loài người [9].
Trong bối cảnh hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức không ngừng tăng lên, các nghiên cứu mũi nhọn đã và sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này bao hàm khả năng kích thích, tinh luyện và thu hút những nhà nghiên cứu cũng như những sinh viên giỏi nhất, nghĩa là các nhà nghiên cứu của tương lai. Đại học bên cạnh đó còn phải là nơi đấu tranh chống lại sự bất công và áp bức, phát triển những tư tưởng tốt đẹp vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của con người [10].
Theo cách tiếp cận chức năng, một CSGDĐH phải thực hiện được tối thiểu hai sứ mệnh (còn gọi là trách nhiệm chức năng, nhiệm vụ, công việc) quan trọng bậc nhất sau đây: 1) Knowledge: chức năng nghiên cứu của đại học; 2) Intellectuals: chức năng đào tạo của đại học. Hiện thực hoá hai sứ mệnh này sẽ phục vụ quan trọng cho mục tiêu quốc gia và góp phần thay đổi thế giới.
Trong môi trường GDĐH, mỗi giáo viên và cán bộ nghiên cứu là những “trí thức”, những “chuyên gia chuyên ngành” (nhân lực trình độ cao) trong một hay một số chuyên ngành nào đó, đồng thời luôn phải nỗ lực thực hiện “trách nhiệm XH của người hiểu biết” (dùng chuyên môn và sự hiểu biết của mình để góp phần khai sáng XH nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp, hướng mọi người đến những giá trị phổ quát của loài người) [11].
Bởi vậy, có thể nói các CSGDĐH có sứ mệnh đặc biệt đối với XH bao gồm: đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng và XH.
Trách nhiệm các CSGDĐH trong bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật để chống phá Việt Nam, do đó với vai trò, sứ mạng của mình, để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, các CSGDĐH cần thực hiện những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện chức năng nghiên cứu của đại học, thể hiện vai trò dẫn dắt về trí tuệ và tư tưởng. Các CSGDĐH cần định hướng nghiên cứu của giảng viên, sinh viên vào vấn đề bảo toàn an ninh quốc gia trên không gian mạng, về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.
"Trên thực tế, không gian mạng đã, đang và sẽ là môi trường để các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước ta. Hoạt động thường xuyên, phổ biến của chúng trên không gian mạng là tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta" [12]. Trong khi đó, số lượng sinh viên Việt Nam tiếp cận, sử dụng in-tơ-nét ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng sinh viên tiếp cận với các thông tin tuyên truyền, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch ngày một lớn, dễ bị các đối tượng lôi kéo, tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, thù địch. Qua việc tham gia nghiên cứu, mỗi sinh viên sẽ “miễn dịch” với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ địch và trở thành chiến sĩ kiên trung, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, qua đó tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Thực hiện được nhiệm vụ này có ý nghĩa vô cùng lớn với công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng hiện nay, bởi nền giáo dục đại học Việt Nam đã và đang chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng, số lượng người được học tập ở trình độ đại học đang gia tăng rất nhanh.
Các CSGDĐH cần tăng cường công tác nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, qua đó Việt Nam tự chủ sản xuất các trang thiết bị, tiến tới có thể tự chủ trong sử dụng, cao hơn là trong sản xuất các trang thiết bị và ứng dụng dịch vụ mạng. Việt Nam đang phụ thuộc vào thiết bị hạ tầng và hệ thống công nghệ mạng lõi do các công ty nước ngoài cung cấp và luôn thường trực nguy cơ bị nước ngoài kiểm soát, giám sát. Phần lớn hạ tầng công nghệ phần cứng của Việt Nam, từ các hạ tầng lõi cho đến các thiết bị cá nhân đều nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc và Mỹ. Các hãng bảo mật và cơ quan chức năng nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã chứng minh và cảnh báo về các mã độc, “cửa hậu” được cài sẵn trong các thiết bị trước khi xuất xưởng, cho phép đối phương có thể truy cập, kiểm soát từ xa. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị mạng sử dụng trong nước, gồm cả các trang thiết bị của các cơ quan, tổ chức nhà nước có xuất xứ nước ngoài.
Các CSGDĐH cần nghiên cứu và tìm ra những "giải pháp hiệu quả phòng, chống chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh thông tin. Mặc dù chưa xảy ra chiến tranh mạng, tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hoạt động tấn công mạng nguy hiểm, gây ra những thiệt hại lớn cho Việt Nam. Do đó, yêu cầu phòng ngừa không để chiến tranh mạng xảy ra là hết sức cần thiết" [13]. Để đối phó với nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, chúng ta phải triển khai ngay các giải pháp tổng thể, đồng bộ bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, các CSGDĐH cần nghiên cứu và tìm ra những giải pháp hiệu quả phòng, chống chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh thông tin...
Thứ hai, thực hiện chức năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Các CSGDĐH cần xây dựng các chương trình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Hiện nay, tình trạng thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, nhất là về an ninh, an toàn mạng cũng dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được các vấn đề an ninh, an toàn mạng.
"Việt Nam có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin đông đảo nhưng số lượng làm việc trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế, trong đó, không ít người giỏi, có năng lực chuyên môn tốt đã chuyển ra ngoài khu vực nhà nước làm việc. Đáng chú ý là, số lượng người có chuyên môn sâu về an ninh, an toàn thông tin mạng còn thiếu, đặc biệt là trên lĩnh vực bảo mật mạng" [14]. Do đó, các CSGDĐH cần có chiến lược đào tạo phù hợp để có nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và bảo đảm về chất lượng, có thể đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu của bảo vệ an toàn trên không gian mạng hiện nay. Chỉ khi bảo đảm được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh mới có thể chống lại hoạt động gián điệp mạng cũng như các loại tội phạm công nghệ cao.
Các CSGDĐH còn cần tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức của một số cấp lãnh đạo, quản lý về vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, đặc biệt là cán bộ thuộc các bộ phận cơ mật, thiết yếu; ý thức và kỹ năng về an ninh, an toàn mạng của người sử dụng tại Việt Nam.
Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng hiện nay là vấn đề vô cùng cấp bách, được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành. Nếu phát huy được vai trò dẫn dắt về trí tuệ và tư tưởng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu để hình thành hệ thống tri thức mới, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại, các CSGDĐH sẽ góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] GS, TS. Tô Lâm (2021), Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
[2], [3] Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018, khoản 3, 4, Điều 2; Điều 10.
[4], [5, ][12], [13], [14] Cao Anh Dũng: Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo định hướng Đại hội XIII của Đảng, Tuyên giáo, 14-1-2022.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1.
[7] UNESCO Paris, Synthesis Report on Trends and Development in Higher Education since the World Conference on Higher Education (1998-2003), 2003.
[8] Trần Khánh Đức (2014), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[9], [10] Giản Tư Trung, Đại học để làm gì?, nguồn: Tiasang.com.vn
[11] Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Vấn đề tự chủ - tự chịu trách nhiệm ở các trường đại học, cao đẳng”, nguồn: www.ier.edu.vn
Đinh Thanh Xuân
Đại học Bách khoa Hà Nội