Thái Nguyên: Phát triển hạ tầng viễn thông để xóa vùng lõm sóng di động
Triển khai trạm phát sóng mới tại xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương).

Triển khai trạm phát sóng mới tại xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. 

Xóa các vùng lõm sóng di động là một chủ trương xuyên suốt của Ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây. Theo thống kê của Cục Viễn thông, trước năm 2021, toàn quốc có 2.418 thôn/bản chưa có sóng di động. Trong 2 năm 2021 và 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng được 2.164/2.481 thôn, còn lại 254 thôn. Năm 2023, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung thêm 1.506 thôn chưa có sóng đi động, trong đó có 969 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (gồm 781 thôn đã có điện, 188 thôn chưa có điện) và 537 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (gồm 474 thôn đã có điện, 63 thôn chưa có điện). Để xóa vùng lõm sóng của tất cả các thôn trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào kế hoạch đấu thầu, lựa chon doanh nghiệp triển khai từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích đối với các thôn đặc biệt khó khăn; đối với các thôn còn lại, sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai phủ sóng bằng các nguồn lực của doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa trong giai đoạn 2023-2025.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện có khoảng 1.800 điểm thu phát sóng di động (trạm BTS). Như vậy, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có trên 10 trạm BTS cung cấp sóng 2G, 3G, 4G cho gần 1,76 triệu thuê bao. Mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% xã/phường/thị trấn, 99,8% thôn/xóm cung cấp dịch vụ truy nhập in-tơ-nét và truyền hình chất lượng cao, tổng số thuê bao truy nhập in-tơ-nét cố định băng rộng qua cáp quang là 251.000 thuê bao (tăng 38% so với năm 2020), tương đương 72% hộ gia đình đã sử dụng dịch vụ truy nhập in-tơ-nét băng rộng. Điều này đã tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sử dụng dịch vụ truy nhập in-tơ-nét băng rộng, tiếp cận thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những mô hình phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi cơ bản nhận thức, từ đó ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần.

Trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét và truyền hình trả tiền, trong đó, 3 doanh nghiệp có thị phần lớn đang đầu tư và phát triển hạ tầng mạng viễn thông là Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, MobiFone Thái Nguyên. Năm 2022, các nhà mạng đã xây dựng trạm BTS, kéo cáp quang tại các xóm vùng cao gồm các xóm: Cao Biền, Ba Nhất (xã Phú Thượng), Lũng Luông (xã Thượng Nung), huyện Võ Nhai; Ba Họ (xã Yên Ninh), huyện Phú Lương. Bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Nhai chia sẻ, 260 hộ người Dao ở xóm Cao Biền và Ba Nhất (xã Phú Thượng) và hơn 200 hộ dân người Mông ở xóm Lũng Luông, Lũng Hoài (xã Thượng Nung), huyện Võ Nhai đã được tiếp cận các dịch vụ in-tơ-nét và xem được các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, phục vụ đời sống, học tập, lao động sản xuất.

Mặc dù các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung nguồn lực, tích cực phát triển hạ tầng để khắc phục vùng “lõm sóng”, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 11 xóm vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa có sóng di động, 3 xóm chưa có hạ tầng in-tơ-nét cáp quang.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên là đến năm 2025 phát triển cáp quang băng rộng và phủ sóng thông tin di động 4G đến 100% thôn/xóm, bản; tỷ lệ mỗi hộ gia đình có một đường in-tơ-nét cáp quang đạt trên 80%, Sở sẽ chỉ đạo mở rộng dung lượng băng thông đường truyền, cung cấp in-tơ-nét chất lượng cao, xóa vùng lõm sóng đi động cho các thôn/xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc hỗ trợ dịch vụ viễn thông cho các cơ sở giáo dục, trạm y tế xã, đến nay đang có 27 cơ sở giáo dục được hỗ trợ sử dụng miễn phí dịch vụ truy nhập in-tơ-nét băng rộng cố định do VNPT cung cấp. Thời gian tới dự kiến sẽ có 11 trạm y tế thuộc các xã vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sử dụng dịch vụ in-tơ-nét băng rộng do Viettel cung cấp.

Để phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó”, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị kéo cáp quang, xây dựng trạm BTS phù hợp với quy hoạch chi tiết hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh; đề nghị các địa phương tạo điều kiện về quỹ đất để hỗ trợ các nhà mạng xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng vùng phủ sóng di động, in-tơ-nét cố định để tất cả người dân trên địa bàn tỉnh đều được hưởng thụ dịch vụ viễn thông.

Tỉnh Thái Nguyên có 16 thôn thuộc khu vực khó khăn trên địa bàn huyện Võ Nhai được phổ cập dịch vụ truy cập in-tơ-nét băng rộng cố định trong chương trình dịch vụ viễn thông công ích theo Quyết định số 969/QĐ-BTTTT gồm: 4 thôn thuộc xã Sảng Mộc (Tân Lập, Khuổi Chạo, Khuổi Mèo, Nà Lay); 5 thôn thuộc xã Nghinh Tường (Thâm Thạo, Bản Nưa, Hạ Lương, Thượng Lương, Nà Châu); 2 thôn thuộc xã Thần Sa (Kim Sơn và Thượng Kim); 4 thôn thuộc xã Thượng Nung (Lũng Cà, Lũng Hoài, Lũng Luông, Trung Thành) và 1 thôn thuộc xã Cúc Đường là Mỏ Chì.
                                                                                                                          

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất