Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ kiểm tra, đánh giá kết quả bước đầu việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 tại huyện Tam Nông.
Tự giác, tự kiểm, tự nhận, tự sửa Đảng bộ huyện Tam Nông có 6.237 đảng viên, sinh hoạt tại 41 chi, đảng bộ cơ sở. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trên cơ sở nắm vững mục tiêu, quan điểm của Trung ương, các cấp ủy huyện Tam Nông đã thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng; vận dụng các cơ chế, chính sách một cách phù hợp và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Đặc biệt, Đảng bộ huyện Tam Nông đã có cách làm sáng tạo, trên tinh thần "tự giác, tự kiểm, tự nhận, tự sửa" để nhận diện suy thoái theo từng cấp độ.
Trên cơ sở làm tốt việc học tập, quán triệt và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 và kinh nghiệm rút ra từ công tác chỉ đạo điểm, các cấp ủy ở Đảng bộ huyện Tam Nông đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát để đưa Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 vào cuộc sống. Để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ phải nhận diện được các biểu hiện của suy thoái và kiên quyết sửa chữa, khắc phục; thực hiện những chuẩn mực theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức sơ sở Đảng trong huyện đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với những nội dung cụ thể về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Theo đặc điểm và tính chất nhiệm vụ được giao, các đoàn thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị đều đã xây dựng chuẩn mực đạo đức với những nội dung rất cụ thể với phương châm: "tự giác, tự kiểm, tự nhận, tự sửa" để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, nhân viên, chiến sĩ thực hiện. Các tập thể, cá nhân đều xây dựng kế hoạch hành động cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đã góp phần tạo nên bầu không khí dân chủ, đối thoại, cởi mở, sự đoàn kết, nhất trí ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng được khơi dậy. Người tốt, việc tốt được kịp thời biểu dương, khen thưởng; cá nhân, tập thể có biểu hiện suy thoái được góp ý, phê bình kịp thời để tự giác nhận diện khuyết điểm, tự đấu tranh, tự nhận hình thức kỷ luật, nỗ lực tự sửa chữa, khắc phục.
Để gỡ cho được cái khó bấy lâu nay trong tự phê bình và phê bình, nhận diện rõ ràng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, mở đường cho nhận thức tự giác của mỗi cá nhân, Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Nông đã "lượng hóa" 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo thang điểm từ 0 đến 4, tương ứng từ không vi phạm đến vi phạm ở các cấp độ từ nhẹ đến nặng; theo đó là các hình thức xử lý kỷ luật. Trường hợp có biểu hiện suy thoái (cấp độ 1) thì ban chi ủy, ban thường vụ cấp ủy phân công cấp ủy viên theo dõi, giúp đỡ khắc phục khuyết điểm. Cá nhân suy thoái ở mức độ trung bình (cấp độ 2) thì cấp ủy gợi ý kiểm điểm và có kết luận về việc kiểm điểm để cán bộ, đảng viên tự nhận thức khuyết điểm và tự giác sửa chữa, khắc phục. Nếu suy thoái ở mức độ nghiêm trọng hơn (cấp độ 3,4) thì ngoài hai biện pháp trên, cá nhân vi phạm còn phải bị xem xét hình thức kỷ luật.
Cách làm này chính là "chìa khóa" để mỗi cá nhân tự giác nhận thiếu sót, nghiêm túc tự kiểm điểm, dũng cảm tự nhận hình thức kỷ luật, kiên quyết tự sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; hạn chế được tình trạng tự phê bình chung chung, hời hợt hoặc né tránh khuyết điểm, thiếu sót. Đồng chí Trần Trọng Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tam Nông cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, một số cán bộ chủ chốt ở cơ sở thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý với các chức vụ như bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND... có khuyết điểm đã nghiêm túc tự kiểm điểm trước tập thể cấp ủy, tự nhận diện mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - mà biểu hiện cụ thể là thiếu kiểm tra, đôn đốc trong thực thi nhiệm vụ, chưa hoàn thành chức trách được giao; vi phạm chuẩn mực đạo đức gia đình, xã hội; tự nhận hình thức kỷ luật và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để sửa chữa, khắc phục trong sự giám sát của tập thể cấp ủy địa phương và cấp ủy cấp trên. Qua tự phê bình và phê bình đã có 6 cán bộ chủ chốt ở các xã Quang Húc, Hùng Đô, Xuân Quang, Hương Nộn, Dị Nậu và thị trấn Hưng Hóa tự nhận suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cấp độ 2, một cán bộ xã Cổ Tiết suy thoái ở cấp độ 3 đã xin nhận kỷ luật.
Việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2016 cũng được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời; đã có 45 đảng viên được "nâng loại", 86 đồng chí bị "hạ loại". Theo tiêu chuẩn cán bộ đối với các chức danh, qua rà soát, UBND huyện không bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học đối với 4 hiệu trưởng và 9 phó hiệu trưởng, 1 phó trưởng phòng cấp huyện; cho thôi việc 1 cán bộ cấp huyện, 1 cán bộ cấp xã. Điều này thể hiện sự nghiêm túc và công bằng theo phương châm "có vào - có ra, có lên - có xuống" trong công tác tổ chức và cán bộ, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực và trình độ. Cùng với tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề tồn tại, gây bức xúc của nhân dân; qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy huyện và cơ sở, từ tháng 11- 2016 đến tháng 7- 2017, huyện ủy đã chuẩn y áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách 16 đồng chí, cảnh cáo 3 đồng chí, khai trừ đảng viên 2 đồng chí; một số cán bộ khác bị xử lý hành chính. Một đồng chí chủ tịch cấp xã sau khi kiểm điểm đã bày tỏ: Nếu đơn thuần chỉ áp thiếu sót của tôi vào suy thoái về tư tưởng chính trị thì tôi cũng không đủ sự "dũng cảm" để tự nhận vì nói đến suy thoái như vậy thì làm sao còn đủ tư cách công dân, tư cách đảng viên, chứ chưa nói là tư cách cán bộ chủ chốt ở xã. Nhưng khi được BCH Đảng bộ phân tích, soi vào bản thân tôi thấy mình chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo nên tôi tự nhận mình có biểu hiện suy thoái ở mức độ 2 mà không cấn cá gì và tôi sẽ quyết tâm sớm khắc phục, sửa chữa, để xứng đáng là người đứng đầu chính quyền cơ sở.
Một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là đổi mới sinh hoạt đảng. Về vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Các chi bộ khu dân cư trực thuộc đảng bộ cơ sở thống nhất tổ chức sinh hoạt đảng vào ngày mùng 4; chi bộ, cơ quan cấp huyện sinh hoạt vào ngày mùng 5 hằng tháng. 60 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên và cán bộ cấp huyện về sinh hoạt với các chi bộ khu dân cư để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng, tạo mối liên hệ mật thiết giữa cấp ủy cấp trên với các chi bộ trực thuộc cơ sở và đảng viên. Ngày thứ hai của tuần đầu hằng tháng, các cơ quan, tổ chức đảng trong huyện đều tổ chức lễ chào cờ, sinh hoạt kể chuyện về tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và rút ra ý nghĩa thực tiễn từ câu chuyện. 41 tổ chức cơ sở đảng đều có "Sổ ghi nhận tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học còn tổ chức tuyên dương thành tích dưới cờ Tổ quốc ở Di tích cột cờ thành Hưng Hóa, báo công với Bác tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cổ Tiết; tổ chức các hình thức giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ tại các di tích lịch sử Đền thờ Lý Nam Đế, Đền thờ danh nhân Nguyễn Quang Bích...
Mới đây, Đoàn công tác của Trung ương và Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã về Tam Nông kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Ghi nhận những chuyển biến tích cực bước đầu về phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng; các đoàn công tác đánh giá cao sự vận dụng nghị quyết, chỉ thị một cách sáng tạo để các tập thể, cá nhân tự giác nhận diện các biểu hiện suy thoái, tự giác kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật, quyết tâm học tập và làm theo tấm gương của Bác để tự sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Khỏe, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Cách làm của Đảng bộ Tam Nông đóng góp cơ sở thực tiễn để Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 Bộ Chính trị trong toàn Đảng bộ.
“Cây” nghị quyết đơm hoa
Có thể nói việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung thiết thực, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Quá trình vận dụng thực hiện nghị quyết và chỉ thị là hiện thực hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Chỉ thị, nghị quyết của Đảng không chỉ là mục tiêu, phương châm, mệnh lệnh hành động mà với sự vận dung linh hoạt, sáng tạo, các chủ trương, nghị quyết, chính sách đã đi vào đời sống. Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh và của huyện, Tam Nông đã tạo được một số chuyển biến, kết quả bước đầu. Đã phát huy các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, xã hội, huy động các nguồn lực, tạo dựng được diện mạo kết cấu hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" khá đồng bộ. Đặc biệt là về giao thông, tuyến Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh chạy dọc huyện cùng với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ hình thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các huyện trong tỉnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế- xã hội. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Tam Nông dẫn đầu khối các huyện trong tỉnh, nửa đầu năm 2017 đứng thứ ba toàn tỉnh. Cùng với tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, hơn một năm qua, Tam Nông đã thu hút gần 3 ngàn tỉ đồng vốn đầu tư với nhiều dự án tại Khu công nghiệp Trung Hà và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phía bắc huyện. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Một bộ phận lớn nhân dân đã được hưởng lợi từ hai dự án cấp nước sinh hoạt ở phía bắc, phía nam huyện và dự án cải tạo lưới điện với 35 trạm biến áp, 30 km đường dây... Phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra sôi nổi trong toàn huyện. Đến nay, 4 xã: Thượng Nông, Dậu Dương, Hương Nộn, Cổ Tiết đã được công nhận xã nông thôn mới; hai xã: Tứ Mỹ, Vực Trường đang nỗ lực phấn đấu để đến cuối năm 2017 về đích nông thôn mới. Như vậy, Tam Nông sẽ vượt 3 lần mục tiêu số xã nông thôn mới trước thời gian 3 năm. Công tác dồn đổi ruộng đất mở đường cho sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn đang được chỉ đạo thực hiện như một khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đã có 18 xã dồn đổi 1.350 ha, trong đó 4 xã đã hoàn thành, từ đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh cây ăn quả, rau màu ở Hương Nộn, Thượng Nông...có diện tích hàng chục ha. Năm 2016, Đảng bộ Tam Nông đã vươn lên trở thành 1 trong 3 đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.
Sau dồn đổi ruộng đất, xã Hương Nộn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Để "cây" nghị quyết đơm hoa phải nói đến vai trò của người vun trồng. Trong học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Đảng bộ Tam Nông lấy việc "nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu mỗi đơn vị; thực hiện tốt đạo đức công vụ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân... làm khâu đột phá; đồng thời chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Đồng chí Phan Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, một số vấn đề nổi cộm như giải phóng mặt bằng thi công Quốc lộ 32, đường Hồ Chí Minh và đất thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; không đồng thuận trong thu phí ở dự án BOT đường Hồ Chí Minh; tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Bứa ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, sản xuất và an ninh trật tự; khúc mắc về giao đất ở khu tái định cư Rừng Chẽ (Hưng Hóa) và các khiếu nại, tố cáo kéo dài nhiều năm của công dân ở các xã Hương Nộn, Quang Húc, Tề Lễ, Tam Cường, Vực Trường... đã được tập trung giải quyết hợp lý, thuận lòng dân. Tình trạng nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới được tập trung xử lý, từ mức nợ 246 tỷ đồng (năm 2013), đến nay chỉ còn gần 40 tỷ đồng. Nhiều đồng chí lãnh đạo huyện và một số lãnh đạo chủ chốt các xã đã thực hành nêu gương để thuyết phục, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng cùng làm việc tốt. Nỗi lo sinh mạng của bà con ở Hùng Đô khi phải ngồi trên con đò nát sang bãi Giữa làm đồng mỗi ngày đã được đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thấu hiểu, chủ động ủng hộ mỗi người 2 triệu đồng; Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ xã mỗi người cũng tự nguyện không nhận tiền phụ cấp 1 quý và vận động con em địa phương đóng góp để sắm đò mới. Bằng nguồn ủng hộ đó cộng với hỗ trợ của huyện, bà con Hùng Đô đã có một con đò chắc chắn để sang bãi an toàn. Một giáo viên ở Trường THCS Nguyễn Quang Bích cho hay rằng, có lần đồng chí Phó Chủ tịch huyện cùng đồng chí Phó Trưởng Phòng Giáo dục đến trường, thấy nhà để xe xập xệ đã trích tiền lương ủng hộ trường 7 triệu đồng. Từ việc làm nêu gương đó đã có thêm nhiều người ủng hộ, kể cả giáo viên và phụ huynh học sinh. Không lâu sau đó, nhà trường đủ tiền làm 200 m2 nhà mái tôn để xe cho giáo viên và học sinh. Trong chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo, Tam Nông được giao đến năm 2020 huy động đóng góp 2,5 tỷ đồng để cùng các nguồn lực khác xóa 113 nhà tạm. Phát huy vai trò nêu gương, các đồng chí lãnh đạo huyện, từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trưởng, phó phòng, ban và lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn đều đăng ký ủng hộ từ 1/2 đến 1 tháng lương nên ngay trong năm đầu đã thu được 1,3 tỷ đồng. Cùng tham gia chương trình còn có các con em quê hương đang sống và làm việc trên mọi miền đất nước cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đã thu được gần 3 tỷ đồng. Với 2 nguồn lực này, đến năm 2018 Tam Nông phấn đấu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, về trước kế hoạch 2 năm. Trên tinh thần "đảng viên giúp nhau xóa nhà tạm", từ năm 2017, một số cơ sở ở Tam Nông đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn đóng góp của đảng viên để xây dựng "ngôi nhà cấp ủy" cho các hộ đảng viên khó khăn về nhà ở.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, cấp ủy ở mỗi cơ sở ở Tam Nông đều ít nhiều có sáng tạo trong vận dụng để tạo được sự chuyển biến thực sự. Đồng chí Đào Quang Thành, Bí thư Đảng ủy xã Hương Nộn cho rằng, biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên ở xã thường là nể nang trong tự phê bình và phê bình, ngại học tập lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, né tránh trách nhiệm khi được tín nhiệm làm bí thư chi bộ hay trưởng khu dân cư. Soi rọi ý thức và hành vi của mình với các biểu hiện suy thoái được "lượng hóa", nhiều đồng chí đã tự kiểm điểm, tự nhận sai sót, xây dựng chương trình, kế hoạch tự phấn đấu sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; hằng tháng tập thể chi bộ xem xét và ghi nhận chuyển biến. Đảng bộ có văn bản hướng dẫn 17 chi bộ tiêu chí phân loại đảng viên hằng tháng, trong đó có những quy định rất cụ thể như dù không có các biểu hiện suy thoái được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 nhưng trong năm có 1 lần vắng mặt sinh hoạt chi bộ không có lý do hoặc có ít nhất 8 kỳ sinh hoạt không phát biểu ý kiến thì không thể được xếp loại tốt. Bộ tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên được đưa ra toàn dân thảo luận, góp ý trước khi ban hành và có cơ chế để quần chúng phản ánh, kiểm tra, giám sát thực hiện. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian, Hương Nộn đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức sinh hoạt Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, không có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, tinh thần phục vụ nhân dân tốt hơn. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận cao trong thực hiện dồn đổi ruộng đất, xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa như trồng hoa nhài, trồng chuối, trồng ổi, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap...
Xuân Quang là xã có nhiều khó khăn, thuần nông. Lãnh đạo đảng bộ có đồng chí được cấp ủy huyện gợi ý kiểm điểm, tự nhận suy thoái tư tưởng chính trị về trách nhiệm người đứng đầu và nêu quyết tâm sửa chữa khắc phục. Làm việc với thường trực đảng ủy, chúng tôi nhận thấy ở các đồng chí tinh thần đoàn kết và cầu thị, mong muốn xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, lãnh đạo hiệu quả hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cổ Tiết và Thượng Nông là hai xã nông thôn mới, chất lượng thực tế các tiêu chí nông thôn mới cho thấy đây là những "xã mạnh, dân giàu". Cổ Tiết có tới 30% số hộ chuyển từ nông nghiệp sang kinh doanh thương mại và dịch vụ, tạo sự chuyển biến mạnh về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Thượng Nông sau dồn đổi ruộng đất, quy hoạch dân cư, đã và đang đưa văn minh đô thị về nông thôn. Ở một số khu dân cư, "nhà đã có số, đường đã có tên", rất thuận lợi trong quản lý hành chính, quản lý xã hội. Trong nhịp sống hối hả thường ngày, nền nếp sinh hoạt chi bộ vẫn duy trì đều đặn; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu luôn được phát huy; các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ khi mới manh nha đã được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết không để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Chỉ thị, nghị quyết là khái niệm vốn được hiểu như là mệnh lệnh có tính bắt buộc thực hiện. Nhưng đối với một nghị quyết, chỉ thị cần thiết và cấp bách cho sự tồn tại, phát triển của Đảng và của đất nước như Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 thì "ý Đảng là lòng Dân"; chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, nghị quyết như cây xanh tươi tốt bám rễ đất lành để đơm hoa kết trái. Theo đồng chí Bùi Đình Thi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Nông: Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ Tam Nông đã đạt được một số kết quả bước đầu trong tổ chức thực hiện. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ sơ kết, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm những mặt đã làm được - nhất là cách làm hay, sáng tạo; trên cơ sở đó sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung, lượng hóa cụ thể hơn nữa các cấp độ suy thoái trong 27 biểu hiện cho phù hợp với thang tính điểm và tình hình thực tế. Làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao hơn nữa tinh thần "tự giác, tự kiểm, tự nhận, tự sửa", phát huy vai trò nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là đạo đức công vụ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân; để nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thấm sâu, lan tỏa, thực sự đi vào cuộc sống; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Những mặt còn hạn chế, Tam Nông sẽ nỗ lực cao nhất để khắc phục, để việc thực hiện nghị quyết và chỉ thị của Đảng tạo được sự chuyển biến tích cực trong Đảng bộ và trong đời sống xã hội.
Đắc Sinh- Nguyễn Sản
Báo Phú Thọ