|
Công an T.P Hồ Chí Minh tăng cường tuyên truyền phòng ngừa ma túy cho học sinh. Ảnh: cand.vn
|
Lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội về ma túy
Một trong những điểm đáng lưu ý là việc xuất hiện xu thế sử dụng Clear web (trang web rõ nguồn gốc, được lập bằng công cụ tìm kiếm tiêu chuẩn, không giới hạn người truy cập, sử dụng cho các mạng xã hội thông thường), Dark net (mạng của các trang web không thể truy cập từ các công cụ tìm kiếm - bao gồm các trang web có rô bốt được thiết lập để ngăn chặn google và các công cụ tìm kiếm khác; thường được gọi là các web ẩn), Deep web (các trang web ẩn, không thể truy cập thông qua các công cụ tìm kiếm để bảo vệ sự riêng tư và an ninh để truy cập vào các dịch vụ như ngân hàng trực tuyến hoặc trao đổi các thông tin nhạy cảm, các hoạt động vi phạm pháp luật khác) để tiếp thị, mua bán ma túy đang có chiều hướng gia tăng phức tạp.
Tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ sử dụng in-tơ-nét gần 70%, cao hơn mức trung bình ở Đông Nam Á là 63%. Đáng chú ý, có 94% số người dùng in-tơ-nét ở nước ta truy cập mạng hằng ngày cho thấy nhu cầu giao tiếp, tìm hiểu thông tin qua in-tơ-nét và MXH ngày càng tăng cao. Do đó, bên cạnh những lợi ích mang lại, thì chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ phát triển thị trường ma túy bất hợp pháp trên không gian mạng (KGM).
Các đối tượng rủ rê, lôi kéo, tụ tập trên KGM thông qua việc thành lập các hội nhóm kín trên Zalo, Facebook, Telegram, Tiktok, Instagram... để bàn bạc, thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức sử dụng ma túy; hoặc lợi dụng các trang mạng điện tử như một kênh thông tin hiện đại để quảng cáo, giao dịch chủ yếu các loại ma túy, như: cỏ mỹ, cần sa, các loại ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng sử dụng như “nước vui”, bánh cần, bánh lười “lazy cakes” chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử POD, thuốc lá gói “Tabaco”, thuốc lá điếu hiệu Hitton có tẩm dung dịch chứa chất ADB-BUTINICA; sử dụng các thiết bị thông minh, MXH, các ứng dụng nhắn tin OTT có độ bảo mật cao, được mã hóa đầu cuối để trao đổi thông tin với nhau.
Đặc biệt, tài khoản đăng kí trên các trang MXH, các trang mạng điện tử này rất dễ dàng, khi bị phát hiện đối tượng có thể khóa tài khoản ngay lập tức, đánh sập trang và tạo tài khoản mới để tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các công ty công nghệ quản lý các ứng dụng trên trong quá trình điều tra còn chậm trễ hoặc không hỗ trợ vì nhiều lý do; lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để phạm tội khi gửi, nhận hàng hóa thông qua các công ty dịch vụ vận chuyển (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn.
Đáng chú ý, các đối tượng có thể giám sát hành trình vận chuyển của lô hàng thông qua 1 tài khoản của đại lý chuyển phát nhanh cấp để theo dõi. Nếu lô hàng không thông quan đúng thời gian, các đối tượng nghi ngờ lập tức bỏ hàng, cắt liên lạc khiến công tác điều tra, bắt giữ đối tượng của lực lượng chức năng gặp khó khăn hoặc chỉ thu giữ được hàng vô chủ.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tăng cường lực lượng triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả với nhiều chuyên án, vụ án đối tượng lợi dụng KGM để hoạt động phạm tội về ma túy. Điển hình: vụ bắt giữ nhóm đối tượng sử dụng ứng dụng Telegram (với khoảng 1.300 thành viên) mua bán trái phép chất ma túy cần sa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ngày 27-3-2023, Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt được 3 đối tượng, thu giữ 1 kg cần sa; 3 cân tiểu ly và đồ vật, tài sản khác có liên quan. Sáu tháng sau, ngày 14-9-2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng 1 số đơn vị đã bắt quả tang được 4 đối tượng, thu giữ: 3 can nhựa loại 12 lít (1 can đã sử dụng hết, 2 can đầy) dung dịch ma túy; 3 can có dung tích 20 lít; khoảng 3.600 thuốc lá điện tử thành phẩm (đã pha trộn ma túy tổng hợp); 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp vào thuốc lá điện tử; 2 máy dùng để cuốn thuốc lá điếu sợi; 3 máy hàn nhiệt dùng để hàn nilon; 1 máy hút chân không để đóng gói; 4 máy dùng để trộn lẫn hóa chất, dung dịch; 60 thùng (mỗi thùng 200 cây) thuốc lá điện tử dùng một lần; hơn 30 thùng vỏ điếu thuốc lá sợi (đang chờ nhập sợi để tẩm ướp ma túy đóng điếu) và các tài liệu khác có liên quan.
Quí 1 năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt giữ 9.408 vụ với 14.847 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó, tổng số vụ lợi dụng KGM là: 1.912/9.408 vụ, chiếm tỉ lệ 20,32%; tổng số đối tượng lợi dụng KGM là: 3.656/14.847 đối tượng, chiếm tỉ lệ 24,62%; sử dụng phương thức lập tài khoản là 1.765 vụ; lập hội, nhóm hoạt động phạm tội là: 21 vụ; lợi dụng hoạt động bưu chính ở trong nước để vận chuyển là 245 vụ, quốc tế 5 vụ. Các ứng dụng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội ma tuý sử dụng phổ biến là: Zalo 1.394 vụ; Facebook 714 vụ; Telegram 245 vụ; Viber 17 vụ; Snapchat, Wechat 1 vụ;…
Giải pháp
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 thế giới về tỉ lệ người sử dụng In-tơ-nét, với hơn 70 triệu tài khoản MXH được đăng kí, trong đó số lượng thanh thiếu niên sử dụng MXH chiếm phần lớn. Điều này đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong công tác bảo vệ nhóm người này trên KGM, nhất là nhóm người chưa thành niên.
Hiện nay, số lượng lớn các báo, tạp chí điện tử và hằng trăm ngàn hội nhóm trên KGM được thiết lập phục vụ các nhu cầu khác nhau của đời sống xã hội, thu hút lượng người có cùng mối quan tâm tham gia đông (trong đó thành viên hội nhóm có quyền đăng tải thông tin phát tán đến hầu hết các thành viên trong nhóm mà không phụ thuộc vào người đăng có uy tín hay không).
Với lượng dữ liệu khổng lồ trên KGM, hàng chục triệu bài viết, bình luận được đăng tải mỗi ngày thì việc tổ chức phát hiện, tìm kiếm, sàng lọc các thông tin phản ánh liên quan đến an ninh, trật tự, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy trên KGM bằng hình thức thủ công của lực lượng Công an; việc quản lý, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý của các nhà mạng chưa tốt sẽ dẫn đến hiệu quả đấu tranh thấp,
Người chưa thành niên có khả năng nhận thức, tiếp cận nhanh chóng, dễ thích nghi với những thay đổi của in-tơ-nét và MXH, nhưng cũng là đối tượng dễ bị lợi dụng trong khi đó chưa có đủ các cơ chế để bảo đảm an toàn cho đối tượng này trên KGM. Sự không ổn định về mặt tâm lý và sinh lý, cùng với sự phát triển chưa hoàn chỉnh của nhân cách khiến cho các em ở tuổi chưa thành niên thường có xu hướng muốn chứng minh bản thân, bộc lộ tính cách mạnh mẽ nhưng thiếu suy nghĩ, sẵn sàng mạo hiểm, thử thách dù là trên MXH, in-tơ-nét. Điều này càng trở nên phức tạp khi hiểu biết pháp luật và kiến thức về đời sống xã hội còn hạn chế, thậm chí sai lạc, khiến người chưa thành niên dễ trở thành nạn nhân dụ dỗ, lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động phạm tội về ma túy…
Để bảo vệ thanh thiếu niên trước những ảnh hưởng tiêu cực của tội phạm ma túy trên KGM, cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên KGM, trong đó tuyền truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về sử dụng, truyền tải thông tin trên MXH, các hành vi vi phạm pháp luật trên KGM dưới nhiều hình thức để mọi tầng lớp người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện… Tổ chức các chiến dịch truyền thông và sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc tạo dựng một môi trường mạng lành mạnh, qua đó khuyến khích mọi người, từ cá nhân, gia đình đến cộng đồng, đều đóng góp vào việc bảo vệ thanh thiếu niên.
Hai là, phát triển và triển khai các chương trình giáo dục về an toàn mạng trong trường học và cộng đồng, cung cấp kiến thức về các nguy cơ trực tuyến như: rủ rê lôi kéo sử dụng ma túy, trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy…, cùng với biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, thanh thiếu niên sẽ tự tin và an toàn hơn khi tham gia KGM. Gia tăng sự giám sát của phụ huynh đối với hoạt động trực tuyến của con cái là hết sức quan trọng. Áp dụng công cụ kiểm soát và xây dựng một bộ quy tắc sử dụng in-tơ-nét cụ thể cho gia đình có thể giúp bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, việc dành thời gian trò chuyện và lắng nghe trẻ em chia sẻ về những gì chúng trải qua trên mạng không chỉ thắt chặt mối quan hệ gia đình mà còn là cơ hội để hướng dẫn trẻ em cách tiếp cận thông tin một cách an toàn.
Ba là, tổ chức các khóa học và hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp trực tiếp và quản lý cảm xúc cho thanh, thiếu niên. Tổ chức các sự kiện và hoạt động thúc đẩy lối sống năng động, bao gồm thể thao, nghệ thuật và các dự án xã hội, giúp thanh, thiếu niên tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn ngoài thế giới ảo. Mục tiêu là giúp họ xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong đời sống thực và giảm sự phụ thuộc vào MXH.
Bốn là, các cơ quan quản lý cần làm việc chặt chẽ với nền tảng MXH để tăng cường các biện pháp bảo vệ người dùng, đặc biệt là thanh, thiếu niên thông qua việc thiết lập quy định rõ ràng về nội dung và quyền riêng tư.
Năm là, áp dụng các biện pháp kĩ thuật nghiệp vụ hiện đại, hiệu quả trong việc tìm kiếm, sàng lọc các thông tin “độc”, “xấu” liên quan đến ANTT, các hành vi vi phạm pháp luật trên KGM; thiết kế xây dựng hệ thống kĩ thuật đủ lớn để cho các lực lượng, cho Công an các địa phương sử dụng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên KGM.
Sáu là, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma túy áp dụng tổng thể các biện pháp để kịp thời ngăn tội phạm về ma túy liên quan đến KGM không để xảy ra phức tạp. Phối hợp sản xuất tin, bài, phóng sự chuyên sâu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên KGM, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trên các chương trình truyền hình, các nền tảng mạng truyền thông…
Rà soát, phát hiện các tài, khoản, hội, nhóm, các vụ việc có dấu hiệu hành vi phạm tội về ma tuý để triển khai các biện pháp đấu tranh phù hợp; Xét xử điểm các vụ án ma túy lợi dụng KGM để răn đe và tuyên truyền. Tăng cường hợp tác quốc tế học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin, phương pháp, lộ trình xử lý nguy cơ về tội phạm ma túy trên KGM; trao đổi thông tin tài liệu, phương thức thủ đoạn hoạt động mà các đối tượng tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội xuyên quốc gia, quốc tế.
Các giải pháp này cần được triển khai một cách đồng bộ và liên tục, với sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo nên một môi trường mạng an toàn và tích cực cho thanh, thiếu niên.
Chỉ riêng quý 1 năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt giữ 9.408 vụ với 14.847 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó, số vụ lợi dụng KGM là: 1.912/9.408 vụ, chiếm tỉ lệ 20,32%; số đối tượng lợi dụng KGM là: 3.656/14.847 đối tượng, chiếm tỉ lệ 24,62%; sử dụng phương thức lập tài khoản là 1.765 vụ; lập hội, nhóm hoạt động phạm tội là: 21 vụ; lợi dụng hoạt động bưu chính ở trong nước để vận chuyển là 245 vụ, quốc tế 5 vụ. Các ứng dụng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội ma túy sử dụng phổ biến là: Zalo 1.394 vụ; Facebook 714 vụ; Telegram 245 vụ; Viber 17 vụ; Snapchat, Wechat 01 vụ… |