Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chống chủ nghĩa cá nhân”, giới thiệu với bạn đọc những quan điểm của Người về chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện, hậu quả tai hại của chủ nghĩa cá nhân và ý nghĩa của việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân đối với mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Bác nhấn mạnh: Đấu tranh chống chủ nhĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”… Nếu lợi ích cá nhân không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu… Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể.
Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Các Mác (5-5-1818 - 5-5-2018), chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, Tạp chí đăng bài “Chỉ dẫn của C.Mác về công tác tổ chức - cán bộ” của PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Tác giả khái quát những giá trị tư tưởng của C.Mác về công tác tổ chức - cán bộ: Đảng phải là một tổ chức chính trị có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, công khai, thực sự là ngọn cờ để tập hợp giai cấp công nhân và nhân dân lao động; đảng Cộng sản phải được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định; Tổ chức đảng phải thu hút, tập hợp được những người thực sự tiên phong, tiêu biểu nhất trong cuộc đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; Khi có chính quyền, cán bộ, công chức phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, có năng lực lãnh đạo, tổ chức quần chúng và thực sự gương mẫu, liêm khiết.
Nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2018), bài “Cuộc đấu tranh chống “giặc ở trong lòng” của PGS, TS. Vũ Quang Hiển đề cập đến những cảnh báo của Hồ Chí Minh về diện mạo và sự nguy hiểm của những “giặc bên trong” đó là chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện của nó đang trở thành nguy cơ hiện hữu thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ ta. Bài viết nhấn mạnh giá trị thực tiễn của Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc bên trong”. Theo tác giả, thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc bên trong” là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trọng tâm về công tác cán bộ, số này có các bài viết tổng kết hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 của BCH Trung ương (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Bài “Một số điểm nhấn trong Chiến lược cán bộ” của Phạm Văn Định đề cập tới sự cần thiết có Chiến lược cán bộ mới. Theo tác giả, một số nội dung cần được nhấn mạnh trong Chiến lược cán bộ mới này là: Tiếp tục thực hiện trung thành và sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ; tiếp tục mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ; tăng cường trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định trong công tác cán bộ cho phù hợp với hoàn cảnh mới của đất nước.
Bài “Một số kết quả sau 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ” của Lê Thị Thu Hằng (Phó Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương) đánh giá về những kết quả chủ yếu đạt được về đội ngũ cán bộ, về công tác cán bộ và nêu ra những bài học kinh nghiệm sau 20 thực hiện Chiến lược cán bộ.
Bài “Nhận diện những bất cập, hạn chế qua 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ” của Xuân Vinh quán triệt quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” đi sâu nhận diện những bất cập, hạn chế, yếu kém trong thực hiện Chiến lược cán bộ 20 năm qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, có những giải pháp đồng bộ, đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đầy đủ năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu thời kỳ phát triển mới.
Bài “Về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược” của Hoàng Văn Hiếu khái quát về những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và những định hướng lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Bài “Cần có những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ” của Trần Thiết qua tổng kết 20 thực hiện Chiến lược cán bộ, theo tác giả, cần có những giải pháp lớn mang tính đột phá nhằm nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, tập trung khắc phục triệt để những yếu kém, hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ thời gian qua. Đó là: 1) Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. 2) Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. 3) Xây dựng hệ thống quy chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi chạy chức, chạy quyền; 4) Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng.
Bài “Xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ trong thời kỳ mới” của TS. Nguyễn Ngọc Ánh (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) từ chỗ khái quát thực trạng các chính sách đối với cán bộ, công chức, tác giả đề xuất các giải pháp đãi ngộ vật chất và động viên tinh thần trong xây dựng, thực hiện chính sách giai đoạn hiện nay.
Bài “Một số vấn đề đặt ra về bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương” của Bá Thắng phản ánh thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp trong việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đây là một chủ trương của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Bài “Một số nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong Đảng bộ Quân đội” của ThS. Đỗ Anh Vinh (Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng) trên cơ sở đánh giá những mặt được và chưa được của công tác xây dựng đảng về đạo đức trong Quân đội, tác giả đề xuất 3 nội dung chủ yếu xây dựng Đảng về đạo đức trong Đảng bộ Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bài “Thành ủy Hà Nội: Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng các tổng công ty” của Vũ Đức Bảo (Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy) từ chỗ nêu ra thực trạng của tình hình, tác giả khẳng định việc sắp xếp, tổ chức lại nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với coi trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng đồng bộ với mô hình quản trị doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tác giả đã nêu ra các yêu cầu và nguyên tắc đổi mới, sắp xếp lại; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng và một số đề xuất, kiến nghị để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhân kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2018), số này có bài “Xây dựng đội ngũ cán bộ ở Điện Biên”. Tác giả Thanh Xuân điểm lại những kết quả Điện Biên đã đạt được, đó là: Đổi mới trong tuyển dụng và đánh giá cán bộ, nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; luân chuyển gắn với bố trí một số chức danh cán bộ không là người địa phương; thực hiện các chủ trương thí điểm.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Trách nhiệm bí thư cấp ủy trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của tác giả Nguyễn Hòa Văn. Bài viết là những suy nghĩ về vai trò quan trọng của bí thư cấp ủy các cấp. Trách nhiệm của bí thư cấp ủy thể hiện ở chỗ: Tự xác định trách nhiệm khi tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình lãnh đạo xảy ra tham nhũng; mở rộng dân chủ thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; gương mẫu trong mọi hoạt động.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát”. Tác giả Nguyễn Văn Hiếu (Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy) đề cập đến cách làm của Thành ủy, BTV Thành ủy trong đổi mới phương thức lãnh đạo, coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của xứ Thanh” của Lê Thị Hiền (Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Tác giả phản ánh kết quả và kinh nghiệm của các cấp ủy của Đảng bộ huyện Yên Định (Thanh Hóa) luôn chủ động, linh hoạt tạo được sợi dây liên kết giữa lòng Dân - ý Đảng, đưa Yên Định trở thành huyện đầu tiên của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Sôi nổi học và làm theo Bác ở Hoài Ân” của Bảo Yến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hoài Ân (Bình Định), nhân dân trong huyện đã đoàn kết đồng lòng, tích cực học và làm theo Bác Hồ, đưa Hoài Ân vươn mình phát triển, mang diện mạo của một miền quê trù phú, xanh tươi. Học Bác, Hoài Ân chú trọng “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “tự soi, tự sửa”.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Nghĩ về yếu tố cạnh tranh trong công tác cán bộ” của Bùi Văn Tiếng. Tác giả chia sẻ: Người làm nghề tổ chức xây dựng đảng cần suy nghĩ để tham mưu cho Đảng ban hành một “bộ luật cạnh tranh” vừa có tác dụng thúc đẩy những hành vi cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, vừa có tác dụng ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng, hành vi bất bình đẳng và không lành mạnh trong công tác cán bộ.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Củng cố niềm tin” của Mai Anh bình luận qua việc một số vụ án đã được khởi tố, điều tra thời gian gần đây. Những cán bộ vi phạm dù giữ bất kỳ cương vị nào cũng bị đưa ra xét xử công khai, đúng người, đúng tội đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng ta – một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng đinh.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Nhận thấy và nhận được từ Anh”, TS. Nguyễn Văn Biết giới thiệu về đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - một người tận tụy, trách nhiệm, đam mê công việc; trân trọng con người, có tầm nhìn xa; lối sống giản dị, chân phương.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Chẩn bệnh bốc thuốc” của Minh Anh. Tác giả phân tích các dạng thức khác nhau biểu hiện của một căn bệnh trong xã hội đó là “bệnh hướng thượng”. Với cấp trên thì xun xoe, nịnh bợ, với cấp dưới thì coi thường. Soi vào 27 biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên thì những hiện tượng đó thuộc nhóm suy thoái về đạo đức, lối sống. Tại mỗi cuộc họp, mỗi lần sinh hoạt chi bộ các hiện tượng trên cần được nêu ra để mỗi người tự so sánh, tự suy ngẫm mà điều chỉnh hành vi tuy nhỏ nhưng tác hại lớn của mình.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí thông tin về “Hội nghị trực tuyến xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (Gia Lương).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Một số nét về đánh giá công chức của Nhật Bản” của Vĩnh Trọng. Tác giả nêu bật kinh nghiệm của Nhật Bản về nội dung đánh giá; phương pháp đánh giá công chức. Tác giả nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; phải kết hợp quá trình đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ nhằm phản ánh liên tục và kịp thời sự phát triển của cán bộ, công chức cũng như điều chỉnh các mục tiêu cho phù hợp, bảo đảm đạt hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cao nhất.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác bầu cử và chính sách cán bộ.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 5-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng