Giới thiệu tạp chí Xây dựng Đảng in số 10-2024

Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là trang trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đánh giá cán bộ giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ. Người nhắc nhở: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cảnh lịch sử, toàn cả công việc của họ.

Nhân Quốc tế người cao tuổi và Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024, chuyên mục có bài viết Nỗ lực đóng góp cho cộng đồng xứng đáng là rường cột của gia đình và xã hội”  của đồng chí Nguyễn Thanh Bình (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam). Tác giả nhấn mạnh: Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nhân dân”. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, người cao tuổi Việt Nam với lực lượng đông đảo gần 17 triệu người hiện nay (và sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới) thực sự là một nguồn lực quý báu, quan trọng trong xây dựng gia đình, đất nước, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; góp phần to lớn ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14-10-1930 - 14-10-2024), chuyên mục này có bài viết Nhìn lại 15 năm thi hành Điều lệ Đảng của TS. Nguyễn Thanh Bình (Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương). Vừa qua, Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) đã nghiêm túc thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Hội nghị đã thống nhất đánh giá việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng là vấn đề rất lớn, hệ trọng, cần được thực hiện hết sức thận trọng, khoa học, nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng và nên tiến hành đồng thời với việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển Cương lĩnh của Đảng phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập. Trung ương thống nhất chủ trương chưa bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIV. Trên cơ sở tổng kết công tác thi hành Điều lệ Đảng, sẽ đề nghị Đại hội XIV giao BCH Trung ương khoá XIV chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng ngay từ đầu nhiệm kỳ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng vào thời điểm phù hợp.

Chuyên mục này cũng đăng bài viết Công tác đánh giá cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp” của tác giả Bảo Yến. Bài viết nhấn mạnh: Công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm sự thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội đề ra. Trong đó, đánh giá đúng cán bộ là khâu tiền đề, có ý nghĩa quan trọng để lựa chọn đúng người bầu ra BCH đảng bộ khóa mới.

Tiếp đó là bài viết 5 giải pháp nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên” của tác giả Hồng Văn. Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề trong công tác cán bộ, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Thực tế cho thấy, ở những nơi làm tốt công tác đánh giá cán bộ, đánh giá đúng cán bộ sẽ phát huy được khả năng của từng cán bộ sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Ngược lại, đánh giá không đúng cán bộ sẽ dẫn đến sử dụng cán bộ sai, ảnh hưởng không tốt cho cơ quan, đơn vị. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng thời gian qua công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Khép lại chuyên mục là bài viết “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ ở Ninh Bình”  của tác giả Huy NamĐánh giá cán bộ được coi là khâu tiền đề, quan trọng nhưng là khâu khó trong công tác cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, với quyết tâm chính trị cao, Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Bằng nhiều giải pháp cụ thể như: chuyển cách đánh giá từ “định tính” sang “định lượng”, thực hiện đánh giá đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể với cá nhân và với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương… công tác đánh giá cán bộ của tỉnh có chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao, tích cực.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này đăng bài viết Phát triển tư duy lý luận của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân và đảng viên được làm kinh tế tư nhân” của PGS. Trần Đình Huỳnh nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Kế thừa các đại hội trước, tại Đại hội XIII của Đảng, tư duy lý luận về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta tiếp tục được nâng lên, khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân... Đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu, mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người, góp phần xây dựng thành công XHCN ở Việt Nam.

Tiếp đó là bài viết Để đánh giá cán bộ đúng thực chất, có hiệu quả” của tác giả Phạm Giang. Đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến các khâu khác của công tác cán bộ. Làm tốt khâu quan trọng này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quan trọng là thế nhưng đánh giá cán bộ vẫn bị coi là khâu yếu. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Bài viết đi tìm nguyên nhân và chỉ ra 5 giải pháp khắc phục.  

Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đăng bài viết Dấu ấn Việt Nam trong việc ứng phó với già hóa dân số” của TS. Trương Xuân Cừ (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam). Từ ngày 11-9 đến ngày 13-9-2024, tại tỉnh Ba-li, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a đã diễn ra Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về già hóa dân số, thu hút hơn 400 đại biểu từ 38 quốc gia trong khu vực tham gia. Hội nghị do Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia In-đô-nê-xi-a (BAPPENAS), Tổ chức HelpAge International (Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế - HAI) và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đồng tổ chức. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến già hóa dân số, chuyển đổi tư duy từ chỗ xem người cao tuổi như một gánh nặng, thụ động, yếu đuối và dễ bị tổn thương sang việc công nhận người cao tuổi là một nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng xã hội và kinh tế. Trong đó, những chia sẻ, thảo luận, đóng góp của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị được đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Cũng trong chuyên mục này, đọc giả đón đọc kỳ 2 Đảng mạnh từ mỗi chi bộ và cán bộ, đảng viên” trong loạt bài viết 3 kỳ của tác giả Diệp Chi Tây Bắc chuyển mình từ cơ sở”. TCCSĐ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở nên việc xây dựng Đảng vững mạnh bắt đầu từ xây dựng, củng cố các TCCSĐ. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở các tỉnh miền núi phía bắc đã có những bước đi tiên phong và sáng tạo trong cách làm thể hiện rõ tư tưởng và hành động hướng về cơ sở.  

Tiếp đó, độc giả đón đọc bài Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, là người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng của tác giả Nguyễn Bá Thắng. Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, trẻ, là người dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả quan trọng, vừa bảo đảm về số lượng, cơ cấu, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này gửi đến bạn đọc bài viết Thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở TP. Hồ Chí Minh” của tác giả Đinh Thành. Bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua hình thức thi tuyển là một giải pháp mang tính đột phá trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được BTV Thành ủy thông qua  ngày 13-9-2022. Sau đợt thi tuyển 13 chức danh cán bộ, quản lý cấp phòng đầu tiên với kết quả tích cực, TP. Hồ Chí Minh đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm để mở rộng thực hiện Đề án.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này đăng bài viết Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở Thanh Hóa” của tác giả Trần Lê ViệtThực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 33/2021/CT-TTg ngày 26-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Kết luận số 862-KL/TU ngày 1-8-2022 của BTV Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn đạt nhiều kết quả quan trọng.

Chuyên mục này còn có bài Khai thác tiềm năng, lợi thế để huyện Lắk phát triển bền vững, giàu bản sắc của tác giả Nguyễn Văn Chiến. Những ngày đầu tháng 9-2024, khi mặt trời vừa ló rạng, dọc Quốc lộ 27 qua địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã bừng lên sinh khí của một ngày mới. Người và xe tấp nập trên những cung đường nhựa phẳng lì, rộng rãi. Mọi ngả đường, người đến công sở, người vào nương rẫy, người buôn bán, học sinh nô nức đến trường. Nhộn nhịp và huyên náo… Ngày mới trên đất Lắk bây giờ là thế, không còn cảnh thâm u, đìu hiu một thuở.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này có bài viết Học Bác Hồ để thêm lan tỏa yêu thương của tác giả Mai Anh. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị cùng các chuyên đề học tập và làm theo Bác Hồ hằng năm, Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, khơi dậy được sức mạnh, sự đoàn kết và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, cùng góp sức chung tay xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp, đưa Buôn Ma Thuột từng bước khẳng định là trung tâm của vùng Tây Nguyên.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này gửi đến bạn đọc bài viết Người làm nghề tổ chức với việc tham mưu về đánh giá cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Là một người có thâm niên trong nghề, tác giả đau đáu: người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng luôn phải tự giác luyện rèn, tự biết phải, trái của mình để phát huy phải, sửa trái đạt đến độ có tâm sáng, tầm cao trong việc tham mưu đánh giá cán bộ chính xác giúp cấp uỷ bố trí đúng người, đúng việc góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên số này đăng bài viết Mạnh mẽ và thực chất”  của tác giả Ngọc Anh bình luận nhân vừa qua Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết với nhan đề "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”. Bài viết khái quát, thể hiện những vấn đề cốt lõi, có trọng tâm, trọng điểm về định hướng, nội dung đổi mới mạnh mẽ, thực chất phương thức lãnh đạo đáp ứng những yêu cầu thực tiễn lịch sử đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, đặc biệt tái khẳng định vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ chế chính trị “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này gửi đến độc giả bài báo “Muốn dân làm theo thì phải được họ tin…” của tác giả Tuấn Minh. Là 1 trong 11 bản của xã biên giới Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), bản Lĩnh nằm bên kia dòng suối Nặm Pồn, với diện tích đất nông nghiệp hơn 1.600ha; gần 159 hộ và 723 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Thái, Kinh, Mông. Bản Lĩnh có xuất phát điểm thấp, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo cao… Những năm gần đây, kinh tế của người dân bản Lĩnh đã được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn mới ở địa bàn đã có những khởi sắc. Người có đóng góp không nhỏ cho những đổi thay đó là Bí thư chi bộ Lường Văn Bình.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này có bài viết Tản mạn chuyện nghỉ hưu của nhà văn Ma Văn Kháng. Có được một cuộc sống hòa đồng, có ích ở đoạn đời hưu trí là ước mong của mọi người. Tất nhiên, ai cũng hiểu đó là hệ quả tốt đẹp của những con người khi còn trong độ tuổi đã lao động hết mình, đã tận tâm, tận lực, cố gắng cống hiến sức lực và tài năng cho lý tưởng và cộng đồng. Ngẫm lại càng thấy quy luật nhân quả là rất chính xác. Làm sao có thể có được những ngày sống thanh thản, vui vẻ, hạnh phúc hôm nay nếu những ngày đương chức để lại những ân hận, xót xa vì đã mắc lỗi lầm? Gieo hạt nào được quả ấy! Đời có vay có trả! “Có trời thì cũng có ta” (Nguyễn Du). Con người tự chọn số phận của mình!

Trang Thông tin công tác xây dựng Đảng số này gửi đến bạn đọc hai thông tin: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu (Thảo Nguyên), Đẩy mạnh hợp tác giữa hai Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (Mai Anh).

Chuyên mục Quốc tế kỳ này đăng bài viết Ngoại giao kinh tế của Nhật Bản và kinh nghiệm của Phan Nam. Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế được đánh giá là một trong những trụ cột của hoạt động ngoại giao, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia thành công về ngoại giao kinh tế khi quốc gia này sử dụng ngoại giao kinh tế hiệu quả để phục vụ cho “sự trỗi dậy thần kỳ” của đất nước. Hiện nay chính sách ngoại giao kinh tế đang được Chính phủ Nhật Bản ngày càng coi trọng và đẩy mạnh.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc số này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác tổ chức, cán bộ và công tác đảng viên…

Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 10-2024, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất