“Trần Đình Huỳnh - Những bài chính luận”, tác phẩm lý luận chính trị này là một tập sách có độ dầy 563 trang, khổ 16x24, do Nhà Xuất bản Tri thức vừa ấn hành quý I năm 2012, của tác giả Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng thuộc Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuốn sách in đẹp, trang nhã này gồm gần 70 bài viết của tác giả, là phần lớn những bài đã được đăng tải trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Bài viết có tuổi đời cao nhất ra đời tháng 3 năm 1988 và bài viết mới hoàn thành gần đây nhất là tháng 9 năm 2011. Nghĩa là trải dài trong hơn hai mươi năm. Vậy mà giờ đây đọc lại vẫn thấy “nóng bỏng tâm huyết của tác giả đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ đất nước; vẫn tường minh trí lực của một trí thức… vẫn tha thiết một thực tâm học và làm theo lời Bác”, như lời giới thiệu rất trân trọng in ở đầu cuốn sách của Tiến sĩ Đỗ Xuân Định, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng.
Cũng là của Tiến sĩ Đỗ Xuân Định nhận định sau đây về giá trị của cuốn sách mà tôi là một người viết cả đời gắn bó với sự nghiệp của Đảng, quan tâm đến số phận dân tộc, số phận con người, hoàn toàn tán thành, sau khi đã đọc hết trang cuối của cuốn sách đồ sộ này: “Cuốn sách là một tập hợp các bài viết, mỗi bài là một tiểu luận khoa học. Tất cả những điều đó làm cho cuốn sách có giá trị lâu dài cùng thời gian. Đây chính là cái tạo nên văn phong riêng có trong viết về xây dựng Đảng của PGS. Trần Đình Huỳnh”.
1- Ra đời và phát triển vì nhu cầu của cuộc sống, hiển nhiên là vậy và như ta đã biết, chính luận là một loại hình văn bản khuôn mẫu ở đó tác giả đóng vai một nhà hoạt động chính trị xã hội, nói rộng ra vai này có thể là của tất cả những ai tham gia vào công cuộc động viên, cổ vũ, tuyên truyền, giáo dục về mặt chính trị-xã hội với một đối tượng nào đó trong xã hội. Bối cảnh của chính luận do vậy tất nhiên là đời sống tư tưởng - chính trị xã hội ở vào thời kỳ đang có cuộc giao tranh dữ dội, vô cùng phức tạp nhưng cũng hết sức phong phú, hấp dẫn và lý thú! Có thể nói, chính luận là thể loại xung trận, một hình thức giáp lá cà của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - chính trị! Thành ra, theo tôi, điều ghi nhận đầu tiên với tác giả cuốn sách này là niềm hân hoan chào đón thái độ nhập cuộc tích cực, tinh thần dũng cảm đương đầu, không ngại ngần gian khó thách thức của ông. Tham gia giải thích, chứng minh, tranh luận, biện hộ, trên một bình diện rất nhiều vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống chính trị và xã hội, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng, PGS. Trần Đình Huỳnh trong tầm vóc của mình, rõ ràng một tư thế chính trị gia chuyên nghiệp. Chỉ cần nhìn vào danh mục của gần 70 tiểu luận, từ những vấn đề về văn hoá - đạo đức bức xúc trong sinh hoạt chính trị hàng ngày (như tình bạn, tình đồng chí; lòng trung thành; tinh thần trách nhiêm; thói tật cơ hội; nạn chạy chức, chạy quyền; quốc nạn tham nhũng; tệ quan liêu, những điều cần chú ý trong việc dậy dỗ con cái trong gia đình…) đến các quan điểm tư tưởng - chính trị hệ trọng (như bàn về sức sống của tư tưởng Các Mác, nghiên cứu Di huấn của Hồ Chí Minh về Đại hội Đảng…) cũng đủ thấy, ông là một chiến sĩ thường trực trên mặt trận chính trị - tư tưởng, một chiến sĩ nhạy cảm, dũng cảm và có bản lĩnh, luôn có mặt kịp thời trên mặt trận nóng bỏng quyết liệt này. Có thể nói, không né tránh, không dao động, xuê xoa nước đôi, minh bạch và công khai chính kiến, kiên định trên những nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng cũng không giáo điều xơ cứng mà uyển chuyển theo kịp sự sinh động của cuộc sống, là những ưu điểm đáng kể thể hiện ở tinh thần nhập cuộc của ông. Hay là, khái quát cao hơn một chút, đồng thời cũng thể hiện sự cố gắng của tác giả, đáp ứng điều mong muốn của độc giả, có́ thể mượn cách nói của người xưa, coi ông là cây bút có cách viết đại kỹ, dao sắc nhờ cán, đại phương bình bình, bất đẳng, bất thiên, hoặc theo ngôn ngữ của các nhà chính luận đương thời, là không lề trái, lề phải gì sất, cứ lòng ngay dạ thẳng, chính đạo mà đi?
2- Tuy nhiên vấn đề không chỉ là sự can đảm và kịp thời. Là bởi vì, với các chức năng cơ bản là giao tiếp lý trí, chứng minh, rốt cuộc nói đến chính luận là phải nói đến chức năng tác động xã hội của nó, nghĩa là nói đến hiệu quả lôi cuốn, dẫn dắt, vạch đường chỉ lối. Cũng tức là nói đến năng lực chinh phục độc giả của người viết. Làm sao có thể tỏa ra được một trường lực cảm hóa, thuyết phục được người khác đồng thuận theo anh, tin tưởng ở anh, trao phó niềm tin cho anh một khi anh không phải là một bản lĩnh cao cường, một tài năng và một khối kiến thức uyên bác hơn người. Khó lắm! May thay, đây là lĩnh vực tác giả khá thông thạo và dày dạn kinh nghiệm. Thành ra, trong tác phẩm chính luận này, có thể nhận thấy, trong các bài viết của mình, dù đề cập đến bất cứ một vấn đề gì, Trần Đình Huỳnh cũng đều gắng gỏi đạt đến sự thấu đáo, hợp lý hợp tình tối đa. Đọc ông, bạn đọc tất nhiên còn có chỗ cần trao đổi bàn bạc thêm; nhưng về căn bản, mọi người đều có được cảm giác vui vẻ vì bị thuyết phục. Giành được niềm tin cậy của bạn đọc lúc này là một việc không dễ dàng gì! Do vậy có thể nói, được bạn đọc tin cậy là một hiệu quả rất đáng biểu dương của tác phẩm này! .
3- Để đạt được hiệu quả như nói ở trên, tác giả cuốn sách đã hội được những phẩm chất gì?
- Một nền tảng kiến thức lý luận chính trị xã hội vững vàng. Một kinh nghiệm thực tiễn dồi dào. Sự giàu có về năng lực biểu hiện. Và những dấu ấn riêng. Chính luận, thể loại này đòi hỏi phải có những đặc điểm cá nhân; ở đây yếu tố cá tính của người viết giữ một vị trí vô cùng trọng yếu. Đó là điều đã được các tác giả phong cách học khẳng định! Và về phương diện này, tác giả Trần Đình Huỳnh đã tự biểu hiện mình thực sự là một cây bút chuyên nghiệp. Hiện lên trên các trang viết là gương mặt một nhà chính luận nghiêm cẩn, đĩnh đạc, chỉn chu, khúc triết và dồi dào sức truyền cảm. Một sức truyền cảm mạnh mẽ bắt nguồn trước hết từ niềm tin ở chân lý khoa học được tìm kiếm trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, gai góc nhất; từ niềm say mê chan chứa vốn có từ một tâm hồn dạt dào niềm rung động. Trần Đình Huỳnh sở hữu một chất giọng trong sáng, hùng hồn, sôi nổi mà vẫn mạch lạc, từ tốn, phân minh, giản dị mà vẫn hào hứng say sưa. Vâng! Chính luận không thể không là mảnh đất màu của những khát vọng mê say, của những cảm hứng lớn lao trước những sự kiên và vận mệnh của con người!
4- Dừng lại ở những bài viết thành công nhất của tác giả Trần Đình Huỳnh trong cuốn sách này, chẳng hạn, các bài có nhan đề Tự do (trang 142), Vĩ đại thay trái tim Người (trang 158), Cái gì có thể làm tiêu vong chúng ta? (trang 165) Học vị và sự khiêm nhường (trang 280), Tự vấn lương tâm và hành vi đạo đức (trang 375), Lý luận tiên phong không phải là những điều có sẵn (trang 547)… có thể nhận ra một vài đặc điểm mang dấu ấn cá nhân trong tư duy và lối viết của tác giả.
Ví dụ 1: Bài Tự do. Bài này có 3 phân đoạn lớn. Phân đoạn 1: Bắt đầu từ những hoạt động của Các Mác và F.Ăngghen, đặc biêt là của F.Ăngghen trong việc phê phán Đuyrinh, tác giả đưa ra định nghĩa về khái niệm Tự do. Phân đoạn 2: Triển khai tư tưởng của Ăng ghen về tự do, tác giả bàn về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc. Phân đoạn 3: Vận dụng quan niệm về tự do, tác giả cụ thể hóa hành vi ứng xử của mỗi người cần có trong từng thời kỳ: khi đất nước còn trong chiến tranh và hiện tình xây dựng đất nước.
Ví dụ 2. Bài Vĩ đại thay trái tim Người! Bài này tác giả không phân đoạn. Nhưng theo logic của sự diễn đạt có thể thấy trình tự các ý lớn như sau: 1- Đức Khổng tử và Các Mác bàn về quan hệ giữa con người, giữa người cộng sản và nhân dân. 2- Hồ Chủ tịch, học trò của Khổng Tử và Các Mác, nêu gương sáng về lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. 3- Các dẫn chứng cụ thể, sinh động về tình cảm của Hồ Chủ tịch với các tầng lớp nhân dân (với việc nữ sĩ Hằng Phương biếu cam, với việc con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh vì Tổ quốc, với lòng yêu nước của ông Phạm Khắc Hòe, với học giả Nguyễn Khánh Toàn, với cụ Ung Úy, với tướng đa tài và nhiều cá tính Nguyễn Sơn,…).
Ví dụ 3. Bài Tự vấn lương tâm và hành vi đạo đức. Căn cứ vào nội dung một tài liệu huấn luyện các cán bộ cách mạng trẻ tuổi của Hồ Chí Minh ở Quảng Châu trong thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả nêu lên 9 yêu cầu về phẩm chất của các cán bộ đảng viên trong hiện tại. Chính là nhờ vào năng lực vận dụng, sự trong sáng về tình cảm và tâm huyết phả vào từng câu văn, trang chữ mà bài viết vượt qua được khuôn khổ một tổng kê mang tính chất giáo huấn khô khan.
Còn có thể dẫn ra đây nhiều, nhiều ví dụ nữa, nhưng tựu trung người viết bài này cũng chỉ muốn làm sáng tỏ một vài đặc điểm của văn chính luận Trần Đình Huỳnh: Trên cơ sở một nền học vấn cơ bản, trong mỗi trang viết của mình, tác giả rất có ý thức đặt vấn đề trên một cơ sở khoa học mang tính hàn lâm, một luận điểm kinh điển - một nền tảng vững chắc; và tiếp đó là khai triển vận dung các khái niệm vào hiện thực đời sống chính trị - xã hội bằng một thái độ thực sự cầu thị và lời văn tràn đầy nhiệt thành. Trần Đình Huỳnh viết văn chính luận bằng nhiệt huyết sôi động và chân thành của một con tim say mê chân lý cuộc sống, hăng hái bảo vệ tín điều của mình.
5- Hãy thử đọc một vài nhan đề của các tiểu luận trong cuốn sách. Tất nhiên, chiếm số không ít là các dạng bài có tiêu đề rất trung tính, chúng giống như những bài xã luận thông lệ. Như: Phong cách lãnh đạo, quản lý; Phương thức đảng lãnh đạo nhà nước; Vai trò quần chúng trong đấu tranh chống tiêu cực; Một khía cạnh của vấn đề nâng cao chất lượng đảng viên. Nhưng còn những cái tên khác? Hoặc thấp thoáng thái độ tranh biện: Cái gì có thể làm tiêu vong chúng ta? Ê kíp hay nhóm bè cánh? Hoặc ẩn giấu sắc màu biểu cảm: Cơ hội; Ấm tử, ấm sinh; Liêm sỉ… Và đây nữa, cả một dòng chảy nồng nàn cảm xúc: Những tư tưởng trường sinh bất lão; Tâm tưởng mùa xuân; Vĩ đại thay trái tim người!; Như dòng sông lớn đem nước đến cho cánh đồng khô cạn; Mùa xuân năm ấy muôn đời không quên; Bấy nhiêu năm ấy biết bao nhiêu tình; Ánh sáng rực rỡ của một cuộc cách mạng vĩ đại…
Chính luận đâu có phải chỉ là tập hợp của những mệnh đề thuần lý trí. Tiểu luận của Trần Đình Huỳnh là tiếng nói của khoa học nhân văn, là tiếng nói của con tim!
6- Nói về những mẫu mực trong văn chính luận, các nhà ngôn ngữ, thường lấy dẫn chứng từ các bài viết của Hồ Chủ tịch. Chẳng hạn: Tuyên ngôn Độc lập là một điển hình trọn vẹn. Hoặc như một đoạn văn sau đây của Bác:“Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Theo giáo sư tiến sĩ ngữ ngôn Đinh Trọng Lạc, đọc đoạn văn trên đây của Hồ Chí Minh thấy rõ ràng hiệu quả của lối viết. Nghĩa là, với kiểu lặp cú pháp toàn phần kết hợp với lặp từ vựng, từng điểm chính của nội dung thông tin (đói, rét, dốt, ốm) đã được nổi bật lên và do vậy cùng với tác dụng khẳng định ý tứ thêm dứt khoát, mạnh mẽ, người đọc càng thấm thía hơn tấm lòng yêu thương cao cả của Bác Hồ với nhân dân. Nội dung cảm xúc trên hiển nhiên là sẽ mất đi rất nhiều và chỉ còn lại một thông tin rất bình thường, nếu nói theo kiểu vắn tắt: “Nếu dân đói, rét, dốt, ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.” Vấn đề của chính luận đâu chỉ là viết cái gì? mà còn là viết như thế nào?
Đọc “Trần Đình Huỳnh - Những bài chính luận” thấy tác giả nghiên cứu rất kỹ lưỡng các trước tác của Các Mác, F.Ăngghen, VI.Lênin và Hồ Chí Minh. Tôi đồ rằng, trong khi tiếp nhận nội dung chân lý khoa học của các trước tác ấy, ông cũng đồng thời tiếp nhận luôn cả cách nói của các bậc kinh điển nọ. “Vào những năm cuối 20, đầu 30 của thế kỷ XX, khi dịch và truyền bá những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, các nhà cách mạng cũng đã đưa đồng thời một cấu trúc mới mẻ đặc sắc vào tiếng Việt, đó là trường cú. Trường cú là một thành tựu do cách mạng vô sản đem lại” (1). Đó là một ý kiến quan trọng của các nhà ngôn ngữ nước ta. Thành ra, bằng cảm nhận riêng, tôi đã thấy phảng phất đây đó trong các các bài viết của Tác giả những kiểu câu trường cú, dài phức hợp, trùng trùng nhiều ý tưởng, để lại hiệu quả truyền đạt thật ấn tượng. Chẳng hạn Trần Đình Huỳnh đã có những câu theo kiểu câu Lênin vẫn thường viết: “Chỉ có những người điên mới không biết kính trọng những chiến sĩ cách mạng, nhưng chúng ta cũng có thể trở thành người điên nếu bắt một chiến sĩ bắn đại bác tài giỏi đi điều khiển một bệnh viện và chưa đào tạo người chiến sĩ ấy ít ra là đã tốt nghiệp đại học y khoa”... Điệp ngữ. Lặp cú pháp. Đảo lộn trật tự. Câu trùng phức. Câu hỏi tu từ… Là những cách diễn giải gây hiệu quả, thường được tác giả vận dụng khá nhuần nhuyễn.
“Học thuyết Các Mác đã lỗi thời rồi chăng? Liệu học thuyết của ông có còn ảnh hưởng tích cực đến tiến trình phát triển của xã hội loài người khi mà “thành trì đã sụp đổ” và thế giới chỉ còn là “một ngôi nhà chung xuyên đại dương” như Nichxơn từng lớn tiếng?”. Chỉ là mấy câu hỏi khai đề cho một bài có tên Kim chỉ nam cho con tàu Việt Nam vượt qua bão tố, chưa đến lúc trả lời đâu, vậy mà sao đọc nó vẫn có thể bừng dậy một niềm tin mãnh liệt và có phần ngạo nghễ vào sức sống của chủ nghĩa chúng ta!
Còn đây là một lối viết khác, kiệm lời, hàm súc:
“Chúng ta đang đang tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng với sự bình tĩnh và suy tư. Bình tĩnh là bản lĩnh chính trị vững vàng… Suy tư là phong cách của những trí tuệ lớn.”
Sức quyến rũ, hấp dẫn của một văn bản chính luận phụ thuộc tất nhiên vào nội dung khoa học, sự uyên thâm của cách dẫn dắt, lý giải và sự nồng nhiệt của tình cảm mang dấu ấn riêng của người viết. Nhạy cảm, rất dễ xúc động trước các sự kiện lớn lao, quan hệ đến vận mạng của con người, cộng đồng dân tộc, chính là cái nguồn nội cảm sâu xa trong lành như là bẩm sinh ấy ở trong ông luôn đầy ắp mà nhiều lúc, những câu văn, đoạn văn ông viết bỗng như thăng hoa, tràn trề cảm hứng, đầy sức tạo hình, tạo nên một hiệu ứng truyền cảm, một năng lượng truyền dẫn thật hiếm có.
“Năm tháng qua đi, dòng sông lớn trôi qua để lại hai bên bờ những phù sa màu mỡ. Đồng ruộng mở rộng ra, thành phố mọc lên… Trong cuộc sống, lúc bình yên, khi náo nhiệt, con người bị cuốn hút vào những công việc bề bộn của ngày thường, nhiều lúc người ta quên lãng đi bao điều quý giá, giống như những cánh đồng xanh quên bẵng nó đã nhờ phù sa của dòng sông bồi đắp cho. Rồi bất chợt khi nhiều khó khăn ập đến, con người đứng trước những thử thách ngặt nghèo, buộc phải suy nghĩ, lục trong ký ức, tìm đến kho tàng trí thức đã tích lũy được tự bao đời để tìm lời giải đáp cho hôm nay, cho những bước đi lên, tựa như cánh đồng khô hạn nhớ về dòng sông và cần phải có dòng sông”.
Đó là đoạn văn mở đầu cho thiên chính luận Như dòng sông lớn đem nước đến cánh đồng khô cạn, nói về giá trị nhân văn lớn lao của Cách mạng, Đảng, Bác Hồ với dân tộc và đất nước. Là lý luận, là chính trị, đó cũng là lời tâm tình, là hiện thực cuộc sống.
Chính luận của Trần Đình Huỳnh có giá trị lâu bền, có tác động đến tư tưởng, tình cảm, ý chí, đạo đức… của bạn đọc nhờ sự hài hòa của các yếu tố lý trí và tình cảm, nhờ năng lực sử dụng ngôn ngữ và quan trọng, vì nó là tiếng nói của con tim ông, nó là một phần của cuộc sống. Nó là cuộc sống! Phát hiện ra điều này đầu tiên là Tiến sĩ Đỗ Xuân Định, người đã trân trọng các tác phẩm của Trần Đình Huỳnh từ lúc chúng mới chỉ là những bài viết lẻ tẻ đăng trên Tạp chí của ông; và như trên đã nói, ông là tác giả của bài viết giới thiệu cuốn sách hết sức súc tích và chân xác in ở đầu cuốn sách này. Cám ơn Tiến sĩ, cũng không thể không nhắc tới với sự kính trọng đặc biệt Tiến sĩ Khoa học Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Trí thức, cùng các cộng sự của ông, trong việc đánh giá cao giá trị cuốn sách và cho nó ra mắt kịp thời vào đúng lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực và hào hứng thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
--------------
(1) Xem “Trường cú trong tiếng Việt”. Bài viét của Tiến sỹ Đinh Trọng Lạc và Thạc sỹ Bùi Công Cẩn, Tạp chí Ngôn ngữ tháng 6-2000.
Nhà văn Ma Văn Kháng
25-1-2012