Ổn định sẽ trở lại ở U-crai-na

Trong những ngày này, cuộc khủng hoảng chính trị tại U-crai-na thu hút sự chú ý của cả thế giới. U-crai-na là một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu, nơi giao nhau của các tuyến đường giao thông giữa Châu Âu và Châu Á, có diện tích 603,7 nghìn km2 bằng khoảng 5,7% diện tích Châu Âu và đứng thứ 44 thế giới, rộng  gần gấp 2 diện tích Việt nam. U-crai-na có 24 tỉnh, một nước Cộng hòa tự trị Crưm.  Với trên 46 triệu dân, U-crai-na đứng thứ 5 Châu Âu và thứ 29 thế giới, chiếm 0,65% dân số thế giới. U-crai-na là đất nước có nhiều dân tộc. Người U-crai-na chiếm: 73,6%, người Nga: 21,1%, người Do thái: 1,3%,người Bê-la-rút: 0,8% và người Bun-ga-ri:0,5%. Ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là tiếng U-crai-na nhưng  tiếng Nga được sử dụng rộng rãi. Đồng thời có một số tiếng địa phương như tiếng Tác-ta, Ba Lan, Hung-ga-ry, Ru-ma-ni.

U-crai-na là đất nước có bề dày văn hoá lâu đời, cái nôi của văn hoá Nga cổ và có nhiều điểm tương đồng với văn hoá Xlavơ. Cách đây hơn 1.024 năm, Đại công quốc Vladimia, người đứng đầu lãnh thổ nước Nga Ki-ép (Kievxkaia Rus) đã cho du nhập đạo Cơ đốc Chính thống giáo dòng Konstantinopol vào đất nước của mình. Chính vì thế, U-crai-na có nền văn hoá và tôn giáo rất gắn bó với dân tộc Nga. Tuy nhiên, khu vực miền Tây giáp với Ba Lan chịu ảnh hưởng của văn hoá Ba Lan do nhiều năm bị đế quốc Ba Lan chiếm đóng.

Nhà nước Ki-ép cổ đại ra đời từ thế kỷ IX, nằm trong Đế quốc Nga cho tới thế kỷ XIX, sau đó trong Liên bang CHXHCN Xô viết (Liên Xô) gần suốt thế kỷ XX. U-crai-na đã bị Mông cổ, Tác-ta xâm lược (thế kỷ XIII), bị sáp nhập một phần lãnh thổ, dân cư vào những đế quốc khác như Ba lan (thế kỷXVI - XVIII). Ngày 10-3-1919 Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết U-crai-na ra đời, đặt thủ đô tại Khác-cốp. Ngày 30-12-1922, U-crai-na gia nhập Liên Xô. 24-6-1934 Thủ đô của U-crai-na được chuyển từ Khác-cốp đến Ki-ép.


Sau khi Liên xô tan rã, ngày 24-8-1991U-crai-na tuyên bố độc lập. Do đặc điểm lịch sử bị nhiều nước đế quốc láng giềng chiếm đóng, dân tộc U-crai-na cũng bị chia rẽ thành các vùng-miền khác nhau: miền Nam và miền Đông, trung tâm, đặc biệt nước Cộng hòa tự trị Crưm và thành phố Sê-vác-sta-pôn gần với dân tộc Nga hơn, còn miền Tây gần với Ba Lan hơn.


Nước cộng hòa tự trị Crưm và thành phố Sê-vác-sta-pôn nằm trên bán đảo Crưm. Từ cuối thế kỷ XVIII, bán đảo này thuộc về Nga theo hiệp ước hòa bình năm 1774 sau các cuộc chiến giữa các bộ tộc Đông Slavơ với đế chế Ottoman. Năm 1954, bán đảo Crưm được chuyển từ CHXHCN Xô viết Nga sang cho CHXHCN Xô viết Ukraine. Thành phố Sê-vác-sta-pôn vốn không chỉ là thành phố lớn nhất bán đảo Crưm (nhưng không thuộc  Cộng hòa tự trị Crưm) mà còn nắm một vị trí chiến lược và quân sự quan trọng. Trong thời Liên Xô, Sê-vác-sta-pôn là một căn cứ hải quân quan trọng, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen, nằm biệt lập với khu vực xung quanh và trực tiếp do Mát-scơ-va quản lý Sê-vác-sta-pôn cùng với thủ đô Ki-ép là hai thành phố ở U-crai-na được hưởng quy chế đặc biệt: đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp bởi các luật do Quốc hội U-crai-na  thông qua. Nếu Ki-ép hưởng quy chế này vì tính cách thủ đô và trung tâm hành chính thì Sê-vác-sta-pôn có căn cứ hạm đội Biển Đen với một số cơ sở hải quân được Nga thuê sử dụng tới năm 2042 (theo hiệp ước Khác-cốp năm 2010).


Hiện nay đa số người sống ở Crưm thuộc sắc tộc Nga, với 58,3% dân số, 24% là người Ukraine và 12% là người Tác-ta. Tuy nhiên, ở Sê-vác-sta-pôn, được coi là một khu vực biệt lập ở Crưm, có rất ít người Tác-ta và chỉ khoảng 22% người U-crai-na, trong khi hơn 70% là người Nga. Đại đa số dân Crưm (97%) sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ chính. Chính vì thế, một trong những quyết định đầu tiên của chính phủ lâm thời Ki-ép hiện nay yêu cầu thu hồi một đạo luật năm 2012 cho phép tiếng Nga và các ngôn ngữ thiểu số khác được sử dụng chính thức ở những khu vực đa văn hóa của U-crai-na...Động thái này không chỉ gây hỗn loạn ở Crưm mà còn tạo nên một làn sóng tranh cãi khắp U-crai-na.


U-crai-na là một nước cộng hoà, Tổng thống do dân bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Một người không được làm Tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tục. Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, chỉ có một Viện, được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm. Chính phủ là cơ quan hành pháp được Tổng thống lập ra với sự thông qua của Quốc hội.

U-crai-na có hơn 180 đảng chính trị, trong số đó nhiều đảng có ít thành viên và không được công chúng biết tới. Các đảng nhỏ thường tham gia vào các liên minh đa đảng (khối bầu cử) cho mục tiêu tham gia vào bầu cử Quốc hội. Các đảng chính trị chủ chốt gồm: đảng Khu vực, đảng Tổ quốc Chủ tịch là cựu Thủ tướng Ti-mô-sen-cô, đảng Mặt trận đổi mới, đảng Tự do, đảng Quả đấm; đảng U-crai-na của chúng ta, đảng Thái độ công dân; đảng Châu Âu, đảng U-crai-na tiến lên, đảng Phong trào nhân dân.

Nền kinh tế U-crai-na có ưu thế đặc biệt: Vị trí địa lý thuận lợi, đất đen phì nhiêu, nhiều tài nguyên thiên nhiên và người lao động có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Đó là điều kiện quan trọng làm cho nền kinh tế U-crai-na phát triển ở mức cao hơn so với những nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô. Vào thời điểm tuyên bố độc lập, U-crai-na có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tính theo đầu người cao nhất trong số các nước thuộc Liên Xô và chiếm khoảng 5% sản phẩm công nghiệp của thế giới.U-crai-na là nước có giá điện sinh hoạt thấp so với nhiều nước khác. U-crai-na có hệ thống năng lượng phát triển, trong đó năng lượng nguyên tử chiếm tỷ trọng hơn 50% trong tổng sản lượng điện năng. U-crai-na xuất khẩu điện sang Gru-di-a, Môn-đô-va, Ba Lan. Tuy nhiên, do hạn chế về tài nguyên dầu khí, U-crai-na phải nhập đa phần khí đốt và sản phẩm xăng dầu từ nước Nga. Bên cạnh đó, U-crai-na có hệ thông trung chuyển khí đốt từ Nga sang các nước Châu Âu.

U-crai-na là thành viên của 107 tổ chức quốc tế, là một trong những thành viên sáng lập LHQ năm 1945. Năm 2008, U-crai-na đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới, tham gia FTA với các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG năm2012, đang đàm phán FTA với EU.

Việt Nam và U-crai-na thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-1-1992. Cộng đồng người Việt Nam hiện nay sinh sống, làm ăn buôn bán và học tập tại U-crai-na có khoảng trên dưới mười ngàn người, chủ yếu tại các tỉnh và thành phố Khác-cốp (trên 5.000 người), Ô-đét-sa (trên 4.000 ngưòi), Ki-ép (gần 1.000 người), còn lại ở các tỉnh và thành phố khác. Người Việt Nam được tập hợp trong các Hội người Việt toàn U-crai-na và trong các Hội tại các địa phương, trong đó lớn nhất là Hội người Việt Nam tại Khác-cốp và Ô-đét-sa.

Nhìn chung bà con cộng đồng người Việt Nam tại U-crai-na trong hơn 10 năm qua sinh sống, làm ăn kinh tế tương đối ổn định.

Tình hình khủng hoảng chính trị tại U-crai-na hiện nay có tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân. Việt Nam mong muốn U-crai-na sớm được ổn định, mọi vấn đề được giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của nhân dân U-crai-na, vì hòa bình, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Điều đó sớm muộn sẽ thành hiện thực bởi tình hình bất ổn không thể đem đến phát triển, thịnh vượng cho đất nước và nhân dân.

Phản hồi (1)

Lê Giảng 06/03/2014

Bài viết rất kịp thời, có nhiều thông tin bổ ích lý giải vì sao tình hình ở Crưm nóng bỏng. Tôi mong nước Cộng hòa U-crai-na sớm trở lại ổn định. Hãy để người dân U-crai-na tự quyết định số phận của mình.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất