Vấn đề chống tham nhũng và kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý là một chủ trương được Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện nhiều năm qua. Tuy đã làm nhưng thực chất chưa sát sao cụ thể. Dư luận cho rằng làm còn chiếu lệ, hình thức, kết quả thấp.
Trong đánh giá của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định: "Công tác kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực".
Trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã nêu: "Những năm qua số người kê khai tài sản và thu nhập là trên một triệu người, nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực”. Còn theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật phòng, chống tham nhũng ngày 12-7-2016 cho biết: "Từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ kê khai tài sản và thu nhập đúng thời hạn đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ trên 98%. Qua 10 năm xác minh 4.900 trường hợp, chỉ phát hiện và xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực". Những số liệu nêu ở trên là phản ánh không đúng với thực tế tình trạng tham nhũng đang diễn ra, ở cả cấp trung ương và địa phương trong phạm vi cả nước.
Sở dĩ có tình trạng trên là do một số nguyên nhân:
Một là, chúng ta thiếu một cơ quan chuyên trách quản lý kiểm tra việc cán bộ, đảng viên kê khai tài sản và tham nhũng, mặc dù từ Trung ương đến địa phương có Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, nhưng nhiều ngành tham gia, thường là kiêm nhiệm.
Hai là, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống tham nhũng. Trong đó, việc dựa vào dân để giám sát, phát hiện, ngăn chặn chưa hiệu quả.
Ba là, chế tài để phòng chống tham nhũng còn nhiều bât cập, làm cho người dân không giám tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng. Xin đơn cử một trường hợp: Một người dân có con tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, muốn xin vào cơ quan hoặc ngành nào, thì phải lo lót và đành vay mượn hoặc bán tài sản để lo cho con. Nhưng trong luật phòng, chống tham nhũng lại quy định “nếu phát hiện ra có người mang tiền đi đút lót cho người nhận thì phải xử lý cả hai trường hợp, người đút lót và người nhận đút lót, phải bị tịch thu số tiền trên ...”.
Hiện tượng này là có ở một số cơ quan, đơn vị, nhưng để tố giác hay phản ánh, đi đến xử lý vấn đề hiệu quả thì vẫn là một câu hỏi lớn? Nếu Luật phòng, chống tham nhũng quy định “chỉ xử lý người nhận đút lót, còn người tố giác không bị xử lý và được nhận lại số tiền đã đút lót", thì việc phòng, chống tham nhũng có thể sẽ kết quả hơn.
Vừa qua, Đảng ta đã nghiêm khắc xử lý một số cán bộ phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng, củng cố thêm niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Vẫn biết công cuộc phòng, chống tham nhũng là hết sức khó khăn, phức tạp, không thể ngày một ngày hai có thể làm được. Khó nhưng không thể không làm, “lò đã nóng” lên rồi, không làm triệt, làm đến nơi, đến chốn thì vấn nạn tham nhũng vẫn ngang nhiên hoành hành, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Quần chúng nhân dân đặt niềm tin vào Đảng, sát cánh cùng với Đảng, Nhà nuớc đấu tranh quyết liệt ngăn chặn và đẩy lùi. Thông qua đó để sàng lọc, tuyển chọn được đội ngũ cán bộ trong sạch, vừa “hồng”, vừa “chuyên” hết lòng phụng sự nhân dân, đất nước, xây dựng đất nước ta: “Dân giàu, nước mạnh,dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà trong cương lĩnh Đảng ta đã đề ra .
Hoàng Đạo Lý
Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.