Kinh nghiệm phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ
Đồng chí Vũ Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Với chức năng là vụ chuyên đề nghiên cứu, tham mưu cho Ban Tổ chức Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng. Vụ đã tham mưu ban hành Chỉ thị 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn 05 của Ban Tổ chức Trung ương về sinh hoạt chi bộ tại các loại hình tổ chức đảng; Hướng dẫn 09 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Chi bộ vụ thống nhất:

1. Tăng cường nhận thức về tác dụng và bản chất của phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ

Bằng nhiều hình thức khác nhau trong các buổi sinh hoạt chi bộ đã thường xuyên trao đổi, thảo luận để thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên về tác dụng và bản chất của phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Khi đã thống nhất nhận thức về tác dụng của phát huy dân chủ thì sẽ huy động sự tự giác, mạnh dạn tham gia ý kiến của cán bộ, đảng viên vào các hoạt động của chi bộ; đồng thời, khi đã thống nhất nhận thức về bản chất của việc phát huy dân chủ thì bí thư, chi ủy viên, đảng viên sẽ biết phương pháp, cách thức tham gia vào quá trình dân chủ trong sinh hoạt chi bộ hiệu quả nhất.

Thực tiễn trong sinh hoạt chi bộ thời gian qua cho thấy, nếu thực sự phát huy dân chủ sẽ mang lại tác dụng lớn cho chi bộ và từng cán bộ, đảng viên. Cụ thể là:

Phát huy dân chủ là phương pháp tốt nhất để thực hiện các công việc của chi bộ hoặc công việc chuyên môn nhanh nhất, hiệu quả nhất, vì sẽ khơi dậy, phát huy thế mạnh, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ cùng tham gia giải quyết công việc một cách thấu đáo, toàn diện, sát thực tế; mỗi người đều có chính kiến, quan điểm riêng, lý lẽ về một vấn đề cụ thể nhưng thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện thì vấn đề đó sẽ được phân tích, mổ xẻ, làm sáng rõ để thống nhất tìm phương án tốt nhất.

Phát huy dân chủ thực sự sẽ đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của bí thư chi bộ và những người chủ trì từng công việc, vì bí thư chi bộ là người có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về công việc đó; mà muốn đưa ra quyết định đúng đắn thì bí thư chi bộ, lãnh đạo đơn vị phải nghiên cứu kỹ dự thảo, các đề xuất, các ý kiến tham gia để lựa chọn phương án tiếp thu phù hợp nhất. Những người được phân công chủ trì từng công việc phải nghiên cứu sâu rộng các văn bản để chuẩn bị dự thảo đảm bảo chất lượng, có quan điểm, chính kiến đề xuất với bí thư chi bộ và lãnh đạo vụ về phương án để tiếp thu từng nội dung cụ thể, lý do, lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình?

Phát huy dân chủ là cơ hội tốt để cán bộ, đảng viên trong chi bộ học hỏi lẫn nhau về phương pháp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực của bản thân. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ và chuyên môn phải tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi vì thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện mỗi cán bộ, đảng viên sẽ vững vàng hơn về lý luận, nắm chắc hơn về thực tiễn; học hỏi cán bộ, đảng viên khác về phương pháp tiếp cận và kỹ năng giải quyết vấn đề, những ý kiến sáng tạo của đồng nghiệp, nhất là những công việc không thuộc chuyên môn sâu của mình. Mặt khác, mỗi đảng viên muốn ý kiến tham gia, phản biện của mình có cơ sở khoa học và thực tiễn và được chấp nhận thì phải tự giác nghiên cứu kỹ dự thảo, thận trong cân nhắc nên tham gia thế nào là tốt nhất.

Mặt khác, khi thống nhất nhận thức về bản chất của phát huy dân chủ thì sẽ giúp bí thư chi bộ, chi ủy viên và các đảng viên có phương pháp, cách thức để tham gia vào quá trình phát huy dân chủ trong chi bộ phù hợp nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ” và “để đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”; thực hiện lời dạy của Người, Chi bộ Vụ Cơ sở đảng đã thống nhất khuyến khích đảng viên trong chi bộ bày tỏ hết ý kiến của mình. Để làm được điều này, trước hết bí thư chi bộ phải là người có kinh nghiệm, am hiểu, có phương pháp làm việc và điều hành dân chủ, thực sự cầu thị và biết lắng nghe; các chi ủy viên và đảng viên phải tự giác, mạnh dạn, có trách nhiệm và ý kiến tham gia phải xác đáng, có tính thuyết phục.

Do thống nhất nhận thức, nên thời gian qua cán bộ, đảng viên của chi bộ đã tự giác, tích cực, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, tạo không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trong các buổi sinh hoạt chi bộ; mỗi cán bộ, đảng viên đã từng bước trưởng thành, công việc của chi bộ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

2. Phát huy dân chủ trở thành nền nếp trong sinh hoạt chi bộ

Việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, chi ủy, sinh hoạt chuyên môn, trong lãnh đạo vụ đã được triển khai và đem lại hiệu quả thực tế, đó là: 

Giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên công khai, dân chủ: Trên cơ sở quyết định giao nhiệm vụ của Trưởng ban, vụ trưởng, bí thư chi bộ căn cứ vị trí công tác, năng lực của từng cán bộ, đảng viên lên kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên; mỗi đồng chí trong vụ đều chủ trì hoặc làm thư ký ít nhất một công việc hoặc đề án, với quan điểm mỗi đồng chí đều tham gia tổng thể các nhiệm vụ của đơn vị. Trong quá trình thảo luận, bí thư chi bộ - vụ trưởng đặc biệt quan tâm chỉ đạo thảo luận kỹ các công việc hoặc đề án lớn, quan trọng, các đề án thuộc nhiệm vụ của nhóm công tác này nhưng lại giao cho nhóm công tác khác thực hiện, nhất là những công việc đột xuất được Lãnh đạo Ban giao. Do vậy, sau khi nhận quyết định giao nhiệm vụ, các nhóm công tác, người chủ trì, người tham gia đều chủ động triển khai công việc; bí thư chi bộ - vụ trưởng có cơ sở để chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ các nhóm công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên chi bộ, vụ đã hoàn thành tốt các công việc trong kế hoạch và nhiều công việc đột xuất lớn, quan trọng khác.

Phát huy dân chủ từ khâu dự thảo đến khi hoàn thành từng công việc. Đồng chí chủ trì công việc chủ động dự thảo và thảo luận trong nhóm công tác để bổ sung, sửa đổi dự thảo; sau khi bí thư - vụ trưởng tham gia ý kiến, dự thảo được gửi cho tất cả cán bộ, công chức nghiên cứu trước; tùy theo tính chất quan trọng, quy mô của công việc, bí thư chi bộ - vụ trưởng quyết định thảo luận tập thể một lần hay nhiều lần. Trong mỗi lần thảo luận, 100% cán bộ, công chức phải trình bày ý kiến của mình; những đề xuất mới, những ý kiến trái chiều, những vấn đề thực tiễn đang phát sinh ở cơ sở đều được khuyến khích tham gia; những nội dung dự kiến tiếp thu đều phải được các ý kiến khác phản biện lại, trước khi bí thư chi bộ-vụ trưởng kết luận phương án tiếp thu cuối cùng. Do qua nhiều lần thảo luận, những nội dung chính yếu của từng công việc được phân tích, mổ xẻ cả về lý luận, thực tiễn nên hầu như các dự thảo đều đạt chất lượng và đúng tiến độ.

3. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm

Tránh “dân chủ hình thức”, năng lực toàn diện của cán bộ, đảng viên được phát huy cao nhất khi dân chủ trong chi bộ, trong đơn vị được thực hiện đầy đủ, đúng đắn. Do vậy, cần hết sức tránh “dân chủ hình thức” nhằm hợp thức hóa ý kiến thủ trưởng hoặc người chủ trì công việc mà thực chất là bảo thủ; “dân chủ hình thức” kìm hãm, làm thui chột ý chí đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đồng thời chi bộ kịp thời chấn chỉnh những cán bộ, đảng viên có tư tưởng né tránh sự thật, “im lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý”, “ngại nêu ý kiến trái chiều”… để khơi dậy và phát huy dân chủ của mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ.     

Phát huy phong cách dân chủ của người đứng đầu: Để phát huy dân chủ trong chi bộ thì trước hết cần phát huy cao nhất phong cách dân chủ của bí thư chi bộ. Người lãnh đạo phải dân chủ trong giao việc, trong thảo luận, chủ trì các cuộc họp một cách cởi mở, biết động viên, khuyến khích tự phê bình và phê bình, những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng, tiếp thu một cách cầu thị; đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận.

Không ngừng nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định để phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Với trình độ, năng lực hiện có, trước tiên chi bộ phải tuyên truyền, thuyết phục để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, sẵn sàng đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ vào các công việc của chi bộ. Đồng thời, phải thường xuyên đặt yêu cầu, khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên tự học, tự nghiên cứu, tự nâng cao nhận thức, khả năng tư duy, khả năng biên tập, năng lực bản thân để tham gia ngày càng chất lượng hơn vào các công việc của chi bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất