Tổng kết "vui vẻ", phê bình "cầm roi"

Cứ vào dịp cuối năm, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đều tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm, đề ra nhiệm vụ, kế hoạch năm sau. Năm nay cũng đang “vào mùa” tổng kết, kiểm điểm cuối năm 2013. Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 4-11-2013 về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Hướng dẫn đã nêu rõ mục đích, yêu cầu là “Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể; chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; nâng chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên một cách thực chất hơn và góp phần cải cách hành chính trong sinh hoạt Đảng”.

Thực tế thì sao? Có một tình trạng khá phổ biến diễn ra ở không ít nơi trong dịp tổng kết cuối năm, không đúng  mục đích, yêu cầu Đảng, Nhà nước ta đề ra. Người ta gọi là tổng kết “vui vẻ”. Ai cũng biết việc tổ chức hội nghị, tổng kết công tác năm là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là hội nghị, tổng kết như thế nào để tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Nhiều hội nghị tổng kết diễn ra một cách hình thức, tốn kém, hiệu quả thấp, nhưng vẫn được tiến hành và trở thành “căn bệnh”. Thường thì thành phần được mời tham dự tổng kết theo kiểu phải đầy đủ thành phần, nhiều khi cốt cho “vui vẻ” là chính. Đối tượng được các lãnh đạo, ban tổ chức hội nghị rất quan tâm mời cho bằng được là các đồng chí lãnh đạo, quản lý cấp trên. Mời được những vị trí lãnh đạo càng quan trọng, lãnh đạo càng “to” thì càng tốt. Điều này chứng tỏ rằng, ngành mình, đơn vị, địa phương mình là quan trọng được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo. Vì cơ quan, đơn vị nào cũng muốn vậy, nên đã có hiện tượng “chạy đua” mời lãnh đạo cấp trên. Thành thử có không ít lãnh đạo cũng cả nể và “chạy xô” để có mặt mỗi nơi một tý cho “vui vẻ cả”. Nội dung hội nghị tổng kết na ná như nhau. Thường thì mở đầu hội nghị bằng một số tiết mục ca nhạc, sau đó tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đại diện lãnh đạo đọc báo cáo thành tích nói chung là rất dài dòng có đầu có đuôi, kể tên tất cả các tổ chức, đơn vi, không thiếu đầu việc nào với quan điểm “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Sau đó một số đại biểu phát biểu “cơ bản là nhất trí”, có thêm ý kiến minh họa, nhấn mạnh. Sau giải lao, lãnh đạo cấp trên phát biểu chỉ đạo và khen thưởng; liên hoan tập thể hoặc phát tiền phong bao để đại biểu “tùy nghi”. Có một điều đáng chú ý là hầu như các hội nghị tổng kết đều có phong bì mức độ “nặng, nhẹ” tùy thuộc vào sự “hảo tâm” và khả năng tài chính của cơ quan, đơn vị chủ trì. Nhưng tất cả đều lấy từ tiền của công chứ không cá nhân nào bỏ tiền túi ra. Nhiều cuộc hội nghị tổng kết có số đại biểu tỷ lệ thuận với số lượng và chất lượng của chiếc phong bì và số đại biểu dự cũng “ngót” dần theo thời gian tiến hành hội nghị.       

Trái với những hội nghị tổng kết “vui vẻ”, cũng có những hội nghị tổng kết, trong đó dùng cách phê bình “cầm roi”. Phê bình “cầm roi” chỉ là một cách nói theo kiểu hình tượng văn học. Ấy là vào năm 1948 - nhân bàn đến phê bình luận chiến, trong Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh có nói: "Không có phê bình, không có luận chiến phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”. Đây là nhấn mạnh một khía cạnh của phê bình văn nghệ chứ không toàn bộ công việc của nhà phê bình và hoàn toàn không phải là phương tiện và mục đích của công tác tự phê bình và phê bình trong tổ chức, cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Cái mà nhiều người gọi là phê bình “cầm roi” thực chất là phản phê bình, là không còn tình đồng chí, đồng nghiệp trong cùng cơ quan, đơn vị, nhất lại là không có tình thương yêu với nhau. Ngược lại với những ý kiến “vui vẻ” thì cũng có không ít cán bộ, đảng viên cho rằng, nhân dịp tổng kết cuối năm, trước “thanh thiên bạch nhật”, trước “các quan chức cấp trên” phải “nói cho ra nhẽ”. Thế là, sau cái “cơ bản đồng tình” là tràng giang đại hải những điều “tuy nhiên”. Bao nhiêu hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức, cá nhân đều được lôi ra bằng hết, thậm chí có ý kiến phủ nhận thành tích của tập thể cả một năm. Nhiều khi, người ta còn “tích cóp” khuyết điểm của người khác, họ không nói ra trong các kỳ sinh hoạt từng tháng, từng quý mà để cuối năm nói một thể. Có khi một nhóm người cùng “cánh hẩu” trong hội nghị lại bài binh, bố trận, “kẻ tung”, “người hứng”, dùng những lời lẽ xúc xiểm, chua cay, chỉ trích cá nhân, thậm chí có khi buổi sinh hoạt không khác gì một buổi đấu tố. Cách phê bình “cầm roi” như thế đã được Bác Hồ chỉ ra trong một đoạn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: “Nếu sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”(1). Chính vì vậy, Người yêu cầu chúng ta “phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”(2).

Cả hai kiểu hội nghị cực đoan nêu trên đều cần khắc phục. Có thế, tổng kết mới có ý nghĩa, hiệu quả và không lãng phí thời gian, vật chất.

--------------------------------

(1); (2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 5, tr. 282; 244

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất