Suy thoái về đạo đức, lối sống là điểm yếu chí tử, làm bộc lộ những yếu kém, giảm niềm tin trong dân, tiềm chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa trong Đảng, tại hại cho nền chính trị-xã hội.
Mọi đảng viên trước hết phải thắm chữ "hồng" sau đó mới đến "chuyên". “Hồng” là đạo đức của người cộng sản. Đạo đức cơ bản nhất là toàn tâm toàn ý vì dân, vì nước, tránh mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, vụ lợi, co lại xây cho cái TÔI ngày càng lớn, choán hết mọi đạo lý. Biểu hiện đạo đức là quan điểm, nhận thức tư tưởng, lối sống, cách sống và cả tác phong giao tiếp, phương pháp công tác… Ai không có đạo đức cách mạng thì người đó không xứng đáng mang danh đảng viên. Nhưng trong thực tế, một bộ phận đảng viên đương chức đương quyền, ở vị trí lãnh đạo, người đứng đầu lại suy thoái về đạo đức, lối sống. Hai chữ "đảng viên" chỉ là cái áo khoác ngoài, núp danh để hành động cho cái tôi thất đức. Họ lợi dụng sự mạnh thế trong nhiệm kỳ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, tranh thủ tìm mọi cơ hội, mánh lới, kéo bè kết cánh để vơ vét làm nghèo đất nước, góp phần đẩy đời sống của không ít người dân vào nghèo túng, khó khăn, làm cho xã hội trì trệ kéo dài
Nhưng, một nghịch lý là: Túi riêng cứ mỗi ngày thêm căng phồng, còn việc chung thì teo tóp. Là bởi coi trọng việc riêng còn tâm trí đâu lo việc chung? Lo thu vén cá nhân làm sao tập thể không ảnh hưởng xấu? Họ lại giỏi mánh lới che đậy, chạy chọt, lấp liếm, để "hạ cánh an toàn", ẵm theo khối tài sản lớn do tham nhũng mà có. Nếu bị phát hiện, đã có "tập thể lãnh đạo", có "cơ chế" chịu!
Đó là một nghịch lý phơi bày bộ mặt thật của những kẻ khoác áo Đảng để vụ lợi cá nhân, gia đình, dòng họ. Họ cũng là "thế lực thù địch" của Đảng và của nhân dân, một biểu hiện rõ nhất của suy thoái, đang "tự diễn biến" làm mất uy tín Đảng cầm quyền, bôi bẩn bản chất chế độ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”.
Những quy định về chức danh, chức trách, về trách nhiệm người đứng đầu đã rõ ràng, nhưng khi thực hiện lại buông lơi, bỏ trống, dễ dàng cho qua, không theo nguyên tắc. Khái niệm về “tập thể lãnh đạo” rất chung chung, trách nhiệm cá nhân không rõ, dễ nhận về phần mình thành tích, đổ lỗi cho tập thể.
Nguyên nhân là những quy định về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng chưa được luật hóa, chưa đi vào nền nếp, thưc hiện pháp luật chưa nghiêm. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, coi nhẹ giáo dục, rèn luyện đảng viên, thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Nếu người đứng đầu lại cùng chung "ý tưởng" tham nhũng như cấp dưới, thì ai lãnh đạo ai? Ai quản lý ai? Và ai kiểm tra, giám sát ai?
Muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống thì phải triệt tiêu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái, phải dựa vào dân xây dựng Đảng như Bác dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bùi Văn Bồng