Ngày 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Phát biểu về báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải có đánh giá hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Báo cáo chưa thấy nói rõ trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tiêu cực bỏ sót, bao che không, có tham nhũng trong phòng, chống tham nhũng hay không... Tiếp tục “mổ xẻ”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo làm rõ trách nhiệm của những cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Kiểm sát…
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phòng thừa nhận chống bỏ lọt tội phạm trong tham nhũng khó khăn do nhiều nguyên nhân. Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc: Dân bình thường phạm tội 2 triệu bị bắt tù, cán bộ Nhà nước cả mấy tỉ thì án treo. Đặc biệt, ông Ksor Phước nhấn mạnh: Thông tin liên quan đến nhiều cán bộ rồi xử lý đến đâu, xử lý không rõ ràng, “âm thầm lặng lẽ quá” làm dân hoài nghi mà hoài nghi nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ.
Những con số trong các bản báo cáo của không ít cơ quan về cùng một vấn đề nhưng số liệu khác nhau. Trong tổ chức đảng các cấp, trong các cơ sở, cơ quan, đơn vị từ dưới lên trên không phải đâu cũng chính xác. Do bệnh thành tích, do những động cơ có lợi cục bộ cho tập thể, người đứng đầu, nên cố tình tìm cách giấu các vụ việc tiêu cực, tìm cách “xử lý nội bộ!".
Thực tế cho thấy, có những đảng bộ, chi bộ 5 năm liền đạt danh hiệu“trong sạch, vững mạnh”, nhưng khi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” thì mới biết bao tiêu cực đã có từ lâu, được che giấu dưới những báo cáo thành tích.
Tổng kết, thi đua, báo cáo cần trung thực, minh bạch, chính xác, không thể thực tế yếu kém mà báo cáo lại rất hay, được tô hồng, thổi phồng. Đó là sự nguy hại, đánh lừa nhau và lừa dối nhân dân. Càng rõ thực trạng đó càng thấm thía căn dặn của Bác Hồ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Sửa đổi lối làm việc).
Để khắc phục tình trạng giấu giếm khuyết điểm, báo cáo không chính xác, trước hết mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự trung thực, làm việc nghiêm túc, tôn trọng thực tế khách quan, không cá nhân vụ lợi, không chạy theo thành tích hình thức bề ngoài. Cần tập hợp, thống kê các số liệu, các dữ kiện chính xác, phân tích làm cơ sở để đánh giá đúng mạnh, yếu. Không nên vì động cơ cá nhân, phe nhóm mà ém nhẹm các vụ việc, không dám báo cáo cấp trên, dẫn tới vụ việc, tồn tại yếu kém kéo dài, xử lý nội bộ, “cái sảy nảy cái ung”. Các cấp lãnh đạo, quản lý cần thường xuyên bám sát cơ sở, khắc phục lối làm việc quan liêu, tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Qua kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và uốn nắn ngay, chỉnh sửa các sai lầm, xử lý nghiêm, khắc phục nhanh những mặt yếu kém. Tiếp nhận và đọc các báo cáo cũng phải thận trọng tính toán, so sánh kỹ, phát hiện kịp thời “độ vênh”, những bất hợp lý trong các báo cáo, có hình thức chấn chỉnh kịp thời.
Bùi Văn Bồng