- Chúng ta nói chuyện với tư cách của người ở “tuổi nói thật” nhé - ông bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.
Quen biết ông đã lâu, trò chuyện với ông đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông sắc sảo như vậy. Con người thông minh này nhìn cái gì cũng thấu tình, đạt lý; nhận xét về ai cũng thẳng thắn, chính xác; nhiều vấn đề khó khăn đến thế mà ông đưa ra giải pháp cứ nhẹ như không, khiến tôi giật mình kinh ngạc.
Dăm năm trước thôi, ông là người khác hẳn. Tiếng là quen nhau từ thời sinh viên nhưng với tôi lúc nào ông cũng thận trọng. Mấy lần ông nửa đùa nửa thật bảo: “Các cụ” dạy: không buôn bán với người Hoa, không lơ là với nhà báo mà…
Chả biết có phải nghe lời “các cụ” không mà ông rất dè dặt “uốn lưỡi ba lần” mỗi khi trò chuyện với tôi. Vấn đề gì ông cũng bảo phải hỏi ý kiến cấp trên, nhất là khi cần nhận xét, đánh giá việc gì đấy ông đều bảo thẩm quyền của ông chỉ là A, chỉ là B nên ông không đưa ra bất cứ nhận định nào. Tóm lại là trao đổi với ông thì cứ thà đọc báo cáo còn hơn, nên tôi đã lâu không hẹn làm việc, không chuyện trò gì với ông nữa, tuy trong lòng cũng thấy tiếc vì hồi đi học ông vốn là sinh viên giỏi, phản biện lem lém, lý lẽ đưa ra sắc như dao cau. “Mình làm chính trị nên phải hết sức thận trọng” - có lần ông phân trần với tôi thế.
Thì ra “tuổi nói thật” của ông là lúc này đây. Vì lần quy hoạch vừa rồi ông không còn trong danh sách, vì chỉ còn vài năm nữa là ông “về với vợ”. Con người thông minh thao lược giờ mới bộc lộ. Ông nói mạnh lắm: nếu là tôi, tôi sẽ…; ông A, bà B á, không được chỗ này, được chỗ kia; việc A, việc B á, sai là do người này, do người kia… Ôi, giá như khi ông vẫn ở vị trí “nói có người nghe, đe có người sợ” mà tôi được nghe những điều này, dân chúng được ông quyết đáp những việc này thì có phải tốt biết bao không?
Trường hợp như ông bạn tôi không phải cá biệt, thậm chí “hơi bị nhiều”. Đó là những công chức “có ghế” một tí là nghe trên ngóng dưới, động làm, động nói cũng phải nghĩ xem điều ấy có ảnh hưởng gì đến bước đường thăng tiến của mình không, nhỡ mà “động” người này, “chạm” người kia thì nguy hiểm. Bởi thế, thượng sách của họ là “né”, “gió chiều nào che chiều ấy”, tốt nhất là xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên cho an toàn. Họ đâu là người không đủ khả năng phản biện, phát hiện chỗ sai, chỗ kém, nhưng phương châm “im lặng là vàng”, họ chỉ im và gật, chả tội gì tuyên ngôn cho nó… vạ mồm.
Để đến khi sắp giã từ “chính trường” rồi, biết mình “lợn 50 cân không sợ dịch rồi” mới lên tiếng. Hoặc thậm chí có người khi đã nghỉ hưu rồi mới đấu tranh mạnh mẽ vì biết mình lúc này “chả còn gì để mất”.
Lại nhớ lúc sinh thời, Bác Hồ của chúng ta khi nói về phẩm chất của cán bộ, đảng viên đã nhấn mạnh chữ “dũng”. Bác dạy: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát” (Sửa đổi lối làm việc - phần III).
Tiếc thay, ông bạn tôi (và không ít cán bộ khác) đã không có chữ “dũng” như Bác Hồ mong muốn.
Ngô Minh