Bình thường hay không bình thường

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các báo điện tử thỉnh thoảng lại rộ lên thông tin kèm hình ảnh về những biệt thự, trang trại, nhà cửa... của cán bộ lãnh đạo ở ngành này, địa phương kia. Trong số những đống của cải đắt tiền ấy có cả của những người “đã bị lộ” đang trong thời gian chờ xét xử hoặc đã trong vòng lao lý hoặc những người đương chức. Những thông tin kiểu như vậy khiến người ta kháo nhau, đồn thổi  “tam sao thất bản”. Người trong cuộc lên tiếng thanh minh nhưng không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nên dân chúng bán tín, bán nghi. Có người lấy phương châm “im lặng là vàng”. Dân ta thường tin vào báo chí  nên  thường nghĩ: “Không có lửa làm sao có khói?”. Thời gian qua đi, có thông tin được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ, trả lời trên báo chí; có thông tin rơi vào im lặng không rõ thực hư, nhưng nhiều người vẫn bị thông tin ban đầu chi phối, ám ảnh.

Gần đây trên một số trang báo “mạng” lại rộ lên tin và ảnh biệt thự được xây dựng trên mảnh đất hơn một hécta, của một cán bộ lãnh đạo cấp bộ trưởng (đã nghỉ hưu). Lần này cư dân “mạng”có những ý kiến khác nhau, thậm chí có người viết bài cho rằng: “Thật tiếc, lối suy nghĩ rằng một quan chức thì không nên và không thể giàu có, không được phép thụ hưởng những giá trị vật chất cao cấp, vẫn ngự trị trong một bộ phận công chúng. Nếu những thành phần tinh hoa trong xã hội, từ doanh nhân, nhà khoa học, vận động viên giỏi và cả các quan chức, vẫn chỉ có thể thụ hưởng những điều kiện bình thường nhất theo hướng “bình quân chủ nghĩa”, chúng ta lấy đâu động lực phấn đấu cho mỗi cá nhân? Và nếu xã hội vẫn nhìn những ngôi biệt thự bằng ánh nhìn nghi ngờ và soi mói, động lực nào để chúng ta phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh? Thật bất công khi một cựu quan chức một đời gom góp để cất được một căn biệt thự ở quê nhà, tự dưng lại phải đứng trước một tòa án công luận với một bản án tai tiếng treo lơ lửng”.

Vậy hiện tượng trên đây là một điều bình thường hay không bình thường? Để trả lời câu hỏi này thì tùy theo quan niệm, cách nhìn, nhận thức và nhất là cách tiếp cận sự thật của từng người. Nhưng điều có thể nhiều người cùng thống nhất là làm sao để xã hội ngày càng bớt đi hoặc không có những thông tin không đáng có, khó xác nhận, không ai đứng ra kết luận như vậy. Chính vì điều này mà trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta chủ trương công khai, minh bạch thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong các tổ chức chính trị-xã hội. Chúng ta đã và đang thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, cách làm còn hình thức và  kém hiệu quả.

Từ góc nhìn xây dựng Đảng và trách nhiệm của người đảng viên thì những cán bộ lãnh đạo, công chức, đảng viên khi được báo chí nêu tên đích danh gắn với những tài sản khổng lồ là điều không bình thường. Bởi vì:

1. Theo chế độ chính sách hiện nay, nếu là một cán bộ đảng viên sống với đồng lương lao động chân chính thì may ra cũng chỉ đủ sống và chi tiêu một cách tằn tiện, không thể tích lũy để mua một căn hộ khoảng dăm bảy trăm triệu đồng chứ nói chi đến những khối tài sản khổng lồ vài chục tỷ đồng mà thiên hạ nhìn thấy, trong khi người dân xung quanh còn nhiều người khốn khó, nghèo khổ. Đó là điều không bình thường.

2. Nếu đồng tiền chân chính do vợ, chồng, con, cháu kinh doanh, đầu tư không vi phạm quy định pháp luật, không có gì mờ ám, khuất tất thì dù dư luận như thế nào chăng nữa, người cán bộ đảng viên đó như “cây ngay không sợ chết đứng”, chủ động, sẵn sàng chứng minh cho sự trong sạch của mình trước dư luận và cơ quan báo chí. Hơn nữa, nếu sự giàu lên chính đáng thì tổ chức, cơ quan, chi bộ nơi công tác cũng như người dân xung quanh sẽ là những người làm chứng tin cậy nhất. Nếu không chứng minh được thì là điều không bình thường.

4. Cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên của các tổ chức, cơ quan, đơn vị ở nơi công tác cũng như nơi cư trú bấy lâu nay thiếu chặt chẽ nên nhiều khi không biết rõ hoàn cảnh kinh tế, gia đình của đồng chí, đồng nghiệp của mình ra sao, thậm chí nhiều khi họ bị “cho tay vào còng” rồi mọi người biết đồng chí, đồng nghiệp, hàng xóm của mình vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước và rơi vào vòng lao lý. Đó là điều không bình thường trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên.

5. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên làm một cách hình thức lại thiếu đi sự giám sát, thanh tra, kiểm tra dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật. Không ít cán bộ, đảng viên dần dần bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực nhưng vẫn không bị phát hiện, xử lý. Đó là điều không bình thường của việc thực hiện quy định kê khai minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên thời gian qua.

6. Trong nhiều đơn vị, cơ quan, do bệnh thành tích, cục bộ, nể nang, né tránh, ô dù, sợ “vạch áo” thì người ngoài “xem lưng” nên công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình kém mà không dám phát hiện, xử lý nghiêm khắc những hiện tượng lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực, nhất là của người đứng đầu, dẫn đến “thượng bất chính, hạ tất loạn”, “quá mù ra mưa”. Đó là điều không bình thường trong điều kiện một đảng cầm quyền, cần phải khắc phục, sửa chữa.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta không hề ngăn cấm, hạn chế mà ngược lại động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người dân làm giàu một cách chân chính. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta hoàn toàn không có định kiến xấu, ác cảm hay phân biệt đối xử với những người giàu có chân chính bằng chính sức lao động, trí tuệ của mình. Bởi vì, chỉ khi nào dân giàu thì nước mới mạnh.           

Để góp phần khắc phục những điều không bình thường như đã nói ở trên trong xã hội chúng ta, gần đây, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, trong đó xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu về việc kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ. Hy vọng rằng trong thời gian tới Nhà nước thể chế hóa Chỉ thị của Bộ Chính trị bằng cơ chế, quy định cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; quản lý bản kê khai tài sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Luật hóa các nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Phản hồi (1)

Nguyễn Văn Tính 01/03/2014

Bài viết quá đúng. Uỷ ban kiểm tra Trung ương nên vào cuộc để kiểm chứng tài sản của đảng viên Trần Văn Truyền, chứng minh tài sản của ông Truyền là "chính đáng" để lấy lại niềm tin của dân. Tài sản của Chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng chẳng kém, thậm chí còn hơn nhé!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất