Tháng 6-2013 tròn 13 năm Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng khóa VIII ban hành Quy định số 76-QĐ/TW về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết trong điều kiện mối quan hệ giữa đảng viên đang công tác với tổ chức, cấp ủy đảng, nhân dân nơi cư trú có những biểu hiện sao nhãng, lỏng lẻo.
Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII nhằm tăng cường quản lý đảng viên trong tình hình mới, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm gắn bó mật thiết với nhân dân, là điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra hoạt động và các quan hệ xã hội của đảng viên, góp ý kiến xây dựng cho đội ngũ đảng viên đang công tác nói riêng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, qua đó giúp đảng viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống. Thực hiện tốt quy định này cũng là cơ hội thuận lợi để cấp ủy nơi cư trú động viên, khai thác khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý về nhiều lĩnh vực của đảng viên đương chức vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở. Mặt khác, hiện nay tham nhũng, tiêu cực không những xảy ra ở nơi công tác mà nhiều vụ xảy ra tại nơi cư trú. Do đó, nếu thực hiện tốt Quy định 76 sẽ góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực của đảng viên đương chức, bởi vì người dân ở nơi cư trú là hàng xóm, láng giềng của cán bộ, đảng viên nên họ biết khá rõ tình hình.
Trong 13 năm qua, thực hiện quy định trên đây của Bộ Chính trị, toàn Đảng cũng như từng tổ chức cơ sở đảng đã có nhiều cố gắng, tạo ra sự chuyển biến tích cực: đảng viên đương chức có ý thức hơn trong quan hệ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi cư trú, gắn bó hơn với cấp ủy, nhân dân.. Nhiều cán bộ, người dân nơi cư trú tăng thêm phần hiểu biết về đảng viên đương chức. Cấp ủy nơi đảng viên công tác tạm thời yên tâm hơn khi có kênh thông tin, đánh giá, nhận xét của cấp ủy địa phương về đảng viên của mình hằng năm, góp phần làm phong phú hơn hoạt động đảng ở cơ sở... Tuy nhiên, nếu thẳn thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót sau đây:
Thứ nhất, kết quả đạt được còn thấp, nhiều nơi còn nặng về hình thức. Phần lớn cấp uỷ nơi đảng viên cư trú hàng năm họp với đảng viên đương chức được 1 hoặc 2 lần. Các cuộc họp đó thường diễn ra ngắn gọn trong vòng một, hai tiếng đồng hồ, nội dung chủ yếu để cấp ủy nơi đảng viên đương chức cư trú giới thiệu tóm tắt tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-trật tự, công tác xây dựng đảng của cơ sở; lấy ý kiến góp ý của đảng viên đương chức... Nhiều hội nghị diễn ra “một chiều”, đảng viên đương chức thường ít phát biểu, có thì khen là chủ yếu, ngại va chạm, nêu lên những ý kiến chung, chủ yếu là ưu điểm, né tránh những vấn đề cụ thể, gai góc, tiêu cực, nhất là những khuyết điểm của tổ chức, cán bộ cơ sở. Trong việc nhận xét đảng viên đương chức vào dịp cuối năm, nhiều cấp ủy đơn thuần dựa vào ý kiến của đồng chí bí thư chi bộ mà đóng dấu xác nhận chữ ký. Nhiều chi úy, chi bộ nơi cư trú nhận xét, đánh giá đảng viên đương chức (thường là nhận xét tốt, nhưng chung chung theo mẫu), thiếu sự phối hợp với Ban công tác Mặt trận, với tổ dân phố, nhất là với những người hàng xóm, láng giềng của đảng viên đương chức. Còn nhiều cấp ủy ở cơ quan, đơn vị nơi đảng viên đương chức công tác thường chỉ làm thủ tục hành chính, giới thiệu đảng viên sinh hoạt với nơi cư trú nhưng thiếu sâu sát, kiểm tra, thẩm định ý kiến nhận xét; không quan hệ chặt chẽ với cấp ủy cơ sở; không chịu khó lắng nghe, tập hợp những nhận xét, đánh giá của người dân nơi cư trú với đảng viên đương chức. Nói chung, nhiều cấp ủy chỉ thực hiện thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở, còn gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú thì không được quan tâm, coi trọng.
Thứ hai, cấp ủy nơi đảng viên đương chức công tác chưa coi trọng nhận xét của cấp ủy, nơi đảng viên đương chức cư trú. Hiện nay, cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có quyền lợi, nghĩa vụ phụ thuộc nhiều vào cấp ủy, chính quyền nơi công tác như: công việc, lương, sắp xếp, đề bạt, chế độ chính sách, quyền lợi chính trị. Cho nên, thường thì cán bộ, đảng viên đương chức thiên về phấn đấu, giữ gìn, tạo mối quan hệ với mọi người ở cơ quan, đơn vị công tác, ít quan hệ mật thiết với với cộng đồng nơi cư trú. Có người là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan nhà nước nhưng về nơi cư trú không quan hệ với ai, không quan tâm đến láng giềng, không tham gia sinh hoạt với dân phố, làng xóm, không tích cực thực hiện các chủ trương công tác của nơi cư trú, thiếu tôn trọng sự giám sát, kiểm tra của nhân dân, thậm trí có biểu hiện xem thường tổ chức đảng và chính quyền nơi cư trú, bản thân và gia đình không gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân. Song đáng tiếc là, một số người như vậy nhưng ở nơi công tác vẫn là "đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ'', có trường hợp được công nhận là chiến sỹ thi đua, được tặng thưởng các danh hiệu , được đề bạt, bổ nhiệm vào cương vị cao trong cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, việc kiểm điểm cuối mỗi năm, cấp uỷ đảng nơi đảng viên công tác cũng không nhất thiết yêu cầu đảng viên có ngay bản nhận xét của cấp úy nơi cư trú, mà có thể nộp bổ sung sau đó. Một số trường hợp vin vào lý do này, lý do khác có khi nộp chậm sau khi đã bình bầu các danh hiệu thi đua ở nơi công tác, thậm chí có đảng viên đến tháng 3 năm sau mới nộp nhận xét của năm trước. Chắc chắn, nếu kiểm tra kỹ thì sẽ có những đảng viên không có bản nhận xét này mà vẫn không sao.
Thứ ba, cách quản lý đảng viên đương chức ở không ít nơi không khác gì kiểu “đười ươi giữ ống”. Nói chung, việc để cho đảng viên đương chức tự liên hệ, lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú chỉ có thể quản lý được những đảng viên gương mẫu chấp hành tốt quy định của Đảng. Đối với những đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống thì nó như hình thức “đười ươi giữ ống” như nhiều người nhận xét. Vì những đảng viên như thế có đủ mánh khóe, thủ đoạn để dễ dàng vượt qua rào cản này. Trong thực tế đã có những đảng viên có nhiều nhà, cư trú ở nhiều nơi mà cấp ủy, hàng xóm không biết đảng viên đó là ai. Đến khi bị truy tố do sai phạm nghiêm trọng, cấp ủy, hàng xóm của đảng viên đó mới biết lai lịch của anh ta và mới biết người ấy là đảng viên. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, cách quản lý đảng viên đương chức theo Quy định nói trên vẫn còn nhiều kẽ hở.
Trước thực trạng hiện nay, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định 76-QĐ/TW cho chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn theo hướng:
1. Coi trọng việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý đảng viên giữa cấp uỷ nơi công tác và cấp uỷ nơi cư trú. Trước khi tiến hành tự phê bình và phê bình hằng năm, cấp uỷ nơi đảng viên công tác cần gửi văn bản lấy ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú, không nên để đảng viên tự liên hệ lấy nhận xét. Những trường hợp quan trọng như trước khi kết nạp vào Đảng, đề bạt, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ nên làm việc trực tiếp với tập thể cấp uỷ nơi cư trú. Cần có quy định lấy ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú là một thủ tục không thể thiếu và là một trong những căn cứ quan trọng trong quy trình đánh giá, nhận xét, tuyển chọn, đề bạt cán bộ.
2. Ngoài quy định giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú, cần xây dựng quy định đảng viên đương chức quan hệ, gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của người dân nơi cư trú.
3. Hiện nay, mỗi chi bộ thôn, tổ dân phố đều có hàng trăm đảng viên đương chức, vì vậy nên chia tổ đảng viên đương chức theo từng tổ đảng nơi cư trú và gắn với tổ dân cư. Cấp uỷ nơi cư trú duy trì sinh hoạt với đảng viên đương chức theo đơn vị tổ, có tổ trưởng đảng nơi cư trú dự để thông báo tình hình của cơ sở đồng thời động viên đảng viên đương chức đóng góp ý kiến, kinh nghiệm với cơ sở. Trước khi nhận xét, đánh giá đảng viên đương chức, cấp uỷ cần lấy ý kiến của tập thể đảng viên trong tổ đảng và tổ trưởng tổ nhân dân nơi đảng viên đương chức cư trú, tiếp thu ý kiến có chọn lọc của hàng xóm, láng giềng đảng viên đương chức, bảo đảm những nhận xét của cấp uỷ thật sự trung thực, khách quan, công tâm, trên tinh thần xây dựng, hết sức tỉnh táo với những nhận xét và dư luận xuất phát từ động cơ không trong sáng như ''ghen ăn, ghét ở'', đố kỵ, hẹp hòi, thành kiến cá nhân, đồng thời cũng đề phòng những tình huống “chạy” để có nhận xét tốt về mình.
4. Đảng viên đương chức khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc nghỉ công tác đều nhất thiết phải về sống và sinh hoạt đảng nơi cư trú. Vì vậy ngay từ khi còn đang công tác cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, đoàn kết với đảng viên nơi cư trú, động viên nhau phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, lãnh đạo quần chúng ở nơi cư trú thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Nên có quy định tạo điều kiện cho đảng viên đương chức dự sinh hoạt với tổ đảng nơi cư trú khi nhận xét về mình, có quyền phát biểu chính kiến về những nhận xét mà mình xét thấy chưa chính xác. Phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ nơi công tác và cấp uỷ nơi cư trú là một trong những giải pháp có hiệu quả để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng; đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố, xây dựng niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng
Vũ Lân