Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạt lãnh đạo nói riêng của các chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên ở Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị là quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hoá Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 31-10-2006 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 741-HD/CT ngày 6-7-2007 của TCCT về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Quân đội và trực tiếp đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, nhất là nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng vào xây dựng tổ chức đảng trên thực tiễn, nhằm tăng cường xây dựng chi bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên là học viên ở các chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên thuộc Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị. Nghị quyết đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ VIII xác định rõ một trong ba khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2010-2015 là: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đề cao tự phê bình và phê bình được xác định là khâu đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng”.
Từ khi tái thành lập (11-2008) đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng uỷ Nhà trường, các cấp ủy, chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên trong toàn Đảng bộ đã đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo, duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; phát huy dân chủ, thể hiện tính chiến đấu tự phê bình và phê bình, qua sinh hoạt đã cơ bản nắm được tình hình tư tưởng, có nhiều biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những điểm yếu như: chất lượng nghị quyết và việc thực hiện chế độ ra nghị quyết lãnh đạo ở một số cấp ủy, chi bộ có mặt còn hạn chế, bố cục, nội dung dự thảo nghị quyết chưa thống nhất; chủ trương, biện pháp lãnh đạo chưa cụ thể, thiếu trọng tâm (thiếu biện pháp có tính đột phá); năng lực duy trì điều hành của bí thư chi bộ nhất là bí thi chi bộ học viên còn hạn chế; biên bản sinh hoạt ghi chép còn đơn giản, sơ sài; trong sinh hoạt lãnh đạo tính đấu tranh phê bình và tự phê bình chưa cao; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa tốt, chưa phân định rõ trách nhiệm cho từng uỷ viên cấp uỷ. Những điểm yếu đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên ở Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau
Một là, chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên phụ thuộc trực tiếp vào trình độ nhận thức, trách nhiệm của các chi uỷ viên và của bí thư chi bộ. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trước hết cấp uỷ và người chủ trì phải nắm vững các khâu, các bước trong sinh hoạt; phải làm tốt công tác chuẩn bị về nội dung dự thảo nghị quyết, chuyên đề; phải tập trung duy trì sinh hoạt bám sát nội dung, định hướng phát biểu thảo luận, khơi gợi ý thức tự giác, dân chủ trong quá trình tham gia ý kiến của các đảng viên; đối với các vấn đề đã được thảo luận, chủ trì buổi sinh hoạt phải có kết luận, giải đáp thấu đáo các yêu cầu cũng như tập hợp các vấn đề cần phải thông qua cấp uỷ trước khi trả lời hoặc kết luận. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đúng mức tới việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên về sinh hoạt đảng, về vai trò trách nhiệm trong việc đóng góp xây dựng nghị quyết chi bộ, về nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động, phát huy trí tuệ tập thể, tính tích cực, trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt lãnh đạo, chống dân chủ hình thức.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là, phải thường xuyên củng cố kiện toàn chi uỷ, chú trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất năng lực, phương pháp tác phong công tác cho đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư chi bộ. Cùng với việc kiện toàn cấp ủy, cần phải chú trọng bồi dưỡng bí thư chi bộ về công tác tổ chức xây dựng đảng nhất là quy trình sinh hoạt lãnh đạo và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt.
Hai là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp sinh hoạt lãnh đạo. Đây là nội dung biện pháp quan trọng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ. Thông qua việc duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là chế độ sinh hoạt lãnh đạo mới kịp thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm những vấn đề chưa làm được, kịp thời có những chủ trương, biện pháp khắc phục những hạn chế, khâu yếu, mặt yếu của đơn vị, không để dây dưa kéo dài; đồng thời thể tính nghiêm túc chấp hành các quy định của Đảng, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi đảng viên, là cơ sở để cho chi bộ làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên.
Coi trọng việc đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp sinh hoạt trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung bàn bạc kỹ, thảo luận chú trọng bàn biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề nổi cộm cần giải quyết, có ý nghĩa thiết thực làm chuyển biến chất lượng hiệu quả nhiệm vụ, tránh dài trải, thiếu trọng tâm trọng điểm.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng uỷ cấp trên và cơ quan chính trị nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên. Đảng ủy cấp trên mà trực tiếp là đảng ủy cơ sở các hệ, tiểu đoàn phải lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ các chi bộ đại đội, lớp học viên thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, tăng cường kỷ luật Đảng nhằm xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh; thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ chi uỷ viên, nhất là bí thư chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên thông qua việc tăng cường kiểm tra, phân công đảng ủy viên theo dõi các chi bộ, giúp cấp uỷ của các chi bộ kịp thời giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu trong sinh hoạt, tạo chuyển biến thực sự vững chắc. Cơ quan chính trị phải thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, kịp thời ra các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cấp ủy, chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt nói chung và chất lượng sinh hoạt lãnh đạo nói riêng; nhanh chóng kiện toàn các cấp ủy, chi bộ khi có điều động, bổ nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra nền nếp hoạt động công tác đảng và công tác chính trị các đơn vị kịp thời chỉ ra cho các chi bộ những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ và tham mưu, đề xuất với Đảng uỷ Nhà trường những chủ trương, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ đại đội, lớp, tổ học viên.
Trung tá, Th.S Đoàn Khắc Mạnh
Trường Sĩ quan Chính trị