Để công khai, minh bạch tài sản

Trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp ngày 15-9-2014 cho biết: Trong số 944.425 người đã kê khai tài sản chỉ có 5 người phải xác minh và chỉ duy nhất 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Điều đó có đúng không khi trong thực tế tình trạng tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử ngày càng lớn, đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích?

Không phải Đảng và Nhà nước ta không chú trọng đến việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và coi đây như một biện pháp phòng, chống tham nhũng. Từ năm 1998, quy định về công khai tài sản đã được chỉ rõ trong Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng. Năm 2005, văn bản này đã được nâng lên thành Luật và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hướng dẫn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ. Gần đây nhất, đầu năm 2014 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Điều đó cho thấy đã có quyết tâm chính trị, cơ sở pháp lý để thực hiện kê khai tài sản với mục đích phòng, chống tham nhũng. Nhưng vì sao sau 16 năm thực hiện, mục đích chưa đạt được? Đó là bởi thực tế cho thấy việc kê khai tài sản còn hình thức. Tài sản kê khai không đúng với tài sản thực tế. Việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc tài sản có hợp pháp hay không chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh. Có trường hợp đã được kết luận tài sản “hợp pháp” nhưng dân không tin bởi sự bất hợp lý, không lozich giữa khối tài sản khổng lồ với thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phải làm gì? Ai cũng biết minh bạch, công khai tài sản, thu nhập là một biện pháp phòng, chống tham nhũng. Nhưng liệu có thể minh bạch, công khai được không khi ta thiếu một nền tài chính minh bạch, công khai? Việc quản lý giao dịch tài chính của mọi công dân hiện nay ngoài việc trả lương bằng thẻ tín dụng, chuyển khoản thì vẫn là sử dụng tiền mặt? Liệu xây dựng nhà nước pháp quyền với cơ chế kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau có tác động trực tiếp đến kết quả kiểm soát tài sản và ngăn ngừa tham nhũng không? Vai trò lãnh đạo, giám sát, kiểm tra và trách nhiệm tập thể, cá nhân của từng cấp uỷ đảng, người đứng đầu cấp uỷ đến đâu? Có được chế định bằng luật pháp? Trả lời những câu hỏi trên đây cũng là đưa ra những giải pháp cụ thể cần thiết không chỉ dựa vào vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức tự giác của mỗi người. Đó cũng là thực hiện “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” như Bác Hồ từng căn dặn. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất