Năm nay, kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2-9 đồng thời kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai sự kiện tuy khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Bác từng mong ước.
69 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đạt được những thành tựu vĩ đại, ghi những dấu son đậm nét trong lịch sử dân tộc: Giành độc lập, đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước, trở thành điểm sáng trong xoá đói, giảm nghèo, lần lượt thực hiện thành công nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc đề ra. Nếu so với cuộc sống của nhân dân ta từ năm 1945 hoặc từ năm 1986 đến nay, mức sống của nhân dân đã có bước tiến rõ rệt. Nhưng nếu so với thế giới hoặc với những nước trong khu vực với cùng thời gian và hoàn cảnh tương tự thì nước ta còn một khoảng cách rất xa, nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn. Phải làm gì đây?
Thực tiễn cho thấy vai trò quyết định của Đảng đối với mọi thắng lợi, thành công và những yếu kém trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, trong Di chúc, lời căn dặn đầu tiên của Người là về xây dựng Đảng: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG.” Năm 1968, một trong những điểm đầu tiên Người bổ sung vào bản Di chúc viết năm 1965: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.” Ngày nay, kiểm lại 45 năm thực hiện Di chúc, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng tự hỏi: Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ đã giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình chưa? Trong Đảng đã thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình chưa? Là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ đã thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư chưa? Đã luôn giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân chưa? Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, câu trả lời sẽ là: chưa. Chính vì chúng ta thực hiện “thường xuyên” nhưng chưa “nghiêm chỉnh” những căn dặn của Bác nên Đảng ta cũng chưa “thật trong sạch”, còn để một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, tác động tiêu cực đến vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong nhiều giải pháp được Bác chỉ dẫn, “thực hành dân chủ rộng rãi” luôn là chìa khoá vạn năng. Sắp tới đại hội đảng các cấp, công tác nhân sự đang trở thành vấn đề thời sự vì phải lựa chọn được người có đức có tài, xứng đáng vào cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp. Không có cách nào tốt hơn phải thông qua đánh giá không chỉ của các cơ quan của Đảng, mà phải qua đánh giá của nhân dân. Nhưng làm thế nào để người dân tham gia đánh giá cán bộ, dựa vào dân để xây dựng Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi không chỉ trong Đảng mà cả trong xã hội? Làm thế nào để người dân cho ý kiến, kiến nghị, thậm chí kiểm tra giám sát để đảm bảo người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo phải đủ tiêu chuẩn, được dân trọng, dân tin? Nếu đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ không đúng, để lọt những kẻ cơ hội vào các cấp uỷ đảng thì không chỉ tổn hại cho Đảng mà lợi ích và quyền lợi của dân, sự phát triển của đất nước cũng không được bảo đảm. Rất cần có cơ chế để người dân tham gia đánh giá cán bộ. Trong điều kiện là Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” theo Di chúc của Bác.
Nguyễn Thuý Hoàn