Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định và Tờ trình về chính sách tinh giản biên chế với dự kiến từ nay đến năm 2020 tinh giản 100.000 biên chế đang thu hút quan tâm của dư luận.
Đây là vấn đề rất khó vì Đảng và Nhà nước đã đặt ra từ lâu, đã có nhiều biện pháp được thực hiện nhưng biên chế không giảm mà còn tăng. Vì sao vậy?
Là bởi biên chế gắn với tổ chức bộ máy. Bộ máy còn cồng kềnh, chức năng còn chồng chéo thì làm sao tinh giản được biên chế? Nguyên tắc của tổ chức là từ việc đặt ra bộ máy, từ bộ máy sắp đặt người làm việc. Nhưng chúng ta thường làm ngược lại thì làm sao biên chế không tăng?
Do đó, cái gốc để tinh giản biên chế có lẽ không phải đặt ra con số biên chế cần giảm mà phải rà soát, xác định rõ Nhà nước làm những việc gì, còn việc gì để các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân làm, việc gì của Trung ương, việc gì của địa phương. Trên cơ sở việc làm, xác định tổ chức bộ máy không chỉ của Nhà nước mà của cả hệ thống chính trị sao cho có cơ sở khoa học, hiện đại, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy, của từng vị trí việc làm xác định tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Từ đó định ra số biên chế cần có. Đồng thời thực hiện Chính phủ điện tử, việc này không chỉ tiết kiệm được lao động xã hội mà còn công khai, minh bạch các hoạt động công quyền, nhân dân có điều kiện thực hiện quyền giám sát, kiểm tra.
Những công việc gốc để tinh giản biên chế trên đây không phải mới. Càng không phải nói là làm được ngay, mà cần có quyết tâm chính trị ở cấp lãnh đạo cao nhất vì sự phát triển bền vững của đất nước và quá trình thực hiện có lộ trình, bước đi thận trọng nhưng khẩn trương bắt đầu từ các cấp uỷ đảng, các cơ quan Trung ương, người đứng đầu-những cơ quan, cá nhân có vai trò, trách nhiệm lãnh đạo nhà nước và xã hội như hiến định.
Vấn đề tinh giản biên chế luôn là vấn đề rất khó khăn, nhưng nhất định làm được nếu mỗi người đứng đầu, nhất là cấp Trung ương nhận thức rằng: nếu không thực hiện được thì đây sẽ là một lực cản sự phát triển của đất nước, góp phần làm suy yếu vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Giải pháp đã rõ. Nên bắt đầu từ gốc mà không phải từ ngọn. Vấn đề chỉ là quyết tâm thực hiện mà thôi.
Đặng Khánh Chi