Ngày 18-7, tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20-7-1954 - 20-7-2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ rõ những bài học quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là:
“Bài học trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các nước lớn chi phối các quan hệ quốc tế, cần phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bài học về phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng hết khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Bài học về tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển, theo lời dạy của Bác Hồ “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”.
Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhìn lại hơn hai tháng (từ ngày 2-5 đến 15-7-2014) Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, hung hãn, ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta, những bài học đó đã được thể hiện dưới nhiều hình thức. Với nguyên tắc: lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, cả dân tộc- từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến mỗi người dân Việt Nam trong nước và ngoài nước đoàn kết, thống nhất một ý chí, phản đối mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc xâm phạm thô bạo chủ quyền nước ta, kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
Trong các hình thức, trực tiếp nhất là hành động thực thi pháp luật của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển trước hành vi xâm phạm hạ đặt giàn khoan với đủ loại tàu hộ tống, trong đó có tàu chiến của Trung Quốc.
Là đấu tranh ngoại giao đa phương, song phương, gửi Công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên hiệp quốc, nêu vụ việc giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông tại hội nghị quốc tế khu vực ASEAN. Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố riêng về Biển Đông. Ngoại giao song phương với hơn 30 lần tiếp xúc các cấp với Trung Quốc.
Là đấu tranh pháp lý trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế với những bằng chứng lịch sử và cơ sở luật pháp bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật phi lý của Trung Quốc. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ pháp lý sẵn sàng kiện ra tòa án quốc tế vào thời điểm thích hợp, cần thiết.
Là đấu tranh trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế. Nhiều phóng viên của các hãng truyền thông, báo chí quốc tế đã được các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam đưa ra vùng biển nơi giàn khoan hoạt động để tận mắt đưa tin khách quan về vụ việc. Nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt lên tiếng phản đối các hành động đơn phương đe dọa, sử dụng vũ lực trên Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ có những tuyên bố cứng rắn, đồng thời Quốc hội Mỹ ra một nghị quyết phản đối việc cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông.
Là biểu tình phản đối giàn khoan phản đối hành động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Một làn sóng biểu tình kết nối rộng khắp từ trong nước ra ngoài nước - ở bất cứ đâu có người Việt sinh sống.
Là đẩy mạnh thực biện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thượng sách khoan thư sức dân là kế sâu rễ, bền gốc giữ nước của ông cha ta để lại.
Là tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng với tinh thần đổi mới, chủ động, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế đang diễn biến mau lẹ, phức tạp.
Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam kiên định thực hiện các biện pháp để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển bền vững. Nhưng không phải bằng mọi giá. Giàn khoan tuy rút đi nhưng âm mưu chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông vẫn còn đó. Dân tộc Việt Nam kiên quyết đấu tranh đến cùng bằng tất cả mọi biện pháp để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc, độc lập cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân.
Đặng Thu Nga