Ngày 4-11-2013, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra bản kháng nghị tái thẩm các bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người, đồng thời ra quyết định đình chỉ thi hành án. Việc ông Chấn được trả tự do sau 10 năm đằng đẵng ngồi tù oan thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trong trường hợp này, nếu vợ ông Chấn-bà Nguyễn Thị Chiến- suốt 10 năm không đủ kiên nhẫn gửi đơn kêu oan cho chồng và nếu Lý Nguyễn Chung ngày 25-10-2013 không đến Công an huyện Krông Năng đầu thú, tự nhận hành vi giết người, cướp của, liệu ông Chấn có được trả tự do không? Vì sao những cán bộ, công chức nhà nước bức cung khiến một người dân vô tội buộc phải nhận tội, sau đó nhân danh công lý kết án chung thân người vô tội? Nếu không ép cung, vì sao ông Chấn chỉ nhận tội khi xét hỏi nhưng một mực chối tội, kêu oan khi xét xử tại tòa? Liệu họ có chút đạo đức công vụ nào không khi hướng dẫn ông Chấn khai báo sự việc, vẽ sơ đồ hiện trường và luyện tập để dựng lại hiện trường? Khi làm những việc đó, họ có nghĩ là họ đang đưa một người dân vô tội vào vòng lao lý và làm tan nát cả gia đình, đẩy cả dòng họ vào nỗi tủi nhục, bị dân làng kỳ thị?
Ngay từ năm 1950, trong điều kiện khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó quy định: Công chức Việt Nam đem tất cả sức lực và tâm trí nhằm lợi ích nhân dân mà làm việc và phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trước đó, năm 1946 theo Sắc lệnh số 13 về Tòa án do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, “mỗi thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình”, các phụ thẩm phải “thề trước công lý và nhân dân”. Những quy định đó trải qua năm tháng và sau này được các văn bản pháp lý của Nhà nước ta kế tục phát huy vẫn giữ nguyên những tôn chỉ khi thực thi công vụ. Những quy định về đạo đức công vụ ấy chẳng lẽ các cán bộ, công chức ngành Tư pháp không biết khi điều tra xét xử vụ án kết tội ông Chấn cách đây 10 năm? Rồi đây Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao sẽ làm sáng tỏ vụ việc liên quan đến cán bộ, công chức có trách nhiệm liên quan đến vụ việc này. Nhưng quan trọng hơn là cần làm gì để những vụ việc tương tự không xảy ra? Câu trả lời dễ thấy là cần môi trường thượng tôn pháp luật của xã hội và thực thi đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, công chức. Muốn thế, một cơ chế lãnh đạo, quản lý pháp trị phải thực sự định hướng và điều chỉnh mọi quan hệ kinh tế-xã hội.
Nguyễn Thúy Hoàn