Đoàn đại biểu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” TP. Hồ Chí Minh báo công dâng Bác

Tham dự Lễ báo công có các đồng chí: Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam T TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh; cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ, công chức, điển hình tiên tiến “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014-2022.

Gặp gỡ, động viên Đoàn tại Lăng Bác có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Quận 1; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ gặp gỡ, động viên các thành viên trong đoàn.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ gặp gỡ, động viên các thành viên trong Đoàn.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các thành viên trong Đoàn đã xúc động bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin hứa nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày để dần hoàn thiện bản thân. Không ngừng học tập trau dồi kiến thức, luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần nhân ái, vì xã hội, vì cộng đồng để có những cống hiến, đóng góp vì mục tiêu cao cả “làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, góp phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố, xứng danh là thành phố nghĩa tình, thành phố Anh hùng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Thay mặt Đoàn, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn báo cáo với Bác những thành tích tiêu biểu nổi bật. Cụ thể từ năm 2014, qua 5 lần tổ chức, TP. Hồ Chí Minh đã xét chọn và tuyên dương 618 gương thầm lặng mà cao cả (trong đó có 130 tập thể và 488 cá nhân). Cùng với phẩm chất “nghĩa tình” gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển thành phố, có rất nhiều câu chuyện, tấm gương sáng truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng được biết đến và lan tỏa một cách rộng rãi.

Đoàn vào viếng Lăng Bác.

Đoàn vào viếng Lăng Bác.

Những hình ảnh cao thượng, những câu chuyện đẹp về tình người và những việc làm không vụ lợi, không cần vinh danh đã xuất hiện thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Theo đồng chí Phạm Minh Tuấn, đây là những tấm gương cao đẹp, là “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Các tấm gương đã âm thầm đóng góp cho xã hội những việc làm nhân ái, nghĩa tình, tỏa sáng ở tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Các thành viên trong đoàn báo công lên Bác.

Các thành viên trong Đoàn báo công lên Bác.

57 tuổi, lần đầu tiên được viếng Lăng Bác, bà Phan Thị Kích ngụ huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) vô cùng xúc động. “Trước giờ tôi chỉ được nghe, thấy Bác qua hình ảnh và phim tư liệu. Nay được nhìn thấy Bác, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Tôi nguyện noi gương Bác để dành tâm sức làm thêm nhiều việc giúp ích cho cộng đồng”, bà Kích xúc động nói.

Các thành viên trong đoàn vào viếng Lăng Bác.

Các thành viên trong đoàn vào viếng Lăng Bác.

Bà Kích sinh ra trong gia đình cách mạng. Bà ngoại của bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng, cha của bà tham gia cách mạng, còn mẹ thì nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Từ năm 2007, vợ chồng bà Kích bàn nhau mua một chiếc máy bơm hơi đặt trước cửa nhà để bơm xe miễn phí cho học trò. Và việc làm ấy được bà duy trì đến nay.

Các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ đoàn tại Lăng Bác.

Các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ Đoàn tại Lăng Bác.

Dù bản thân là người có bệnh nan y, hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhưng nhiều năm qua, bà Phạm Thị Hồng Lan (Phường 15, quận Tân Bình) thường tổ chức chương trình vẽ tranh thư pháp bán lấy tiền cho trẻ em và đồng bào khó khăn ở chiến khu D. Bà còn cùng với thành viên trong nhóm từ thiện nấu cơm và trao tặng cho bệnh nhân nghèo. Vận động hỗ trợ phẫu thuật mắt miễn phí cho bệnh nhân khó khăn. Không chỉ vậy, bà còn vận động mạnh thường quân xây 1 cây cầu ở Bến Tre và 1 nhà tình thương tại Bình Phước.

Những tấm gương điển hình trong hành trình về thăm quê Bác.

Những tấm gương điển hình trong hành trình về thăm quê Bác.

Ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) có lớp học tình thương của bà Huỳnh Thị Tươi được duy trì từ năm 1989 cho đến nay. Cần mẫn gieo con chữ và tình yêu thương đến các em, đến nay hơn 870 em học sinh khó khăn đã được bà Tươi dạy bảo. Không chỉ dạy chữ, bà còn vận động quần áo, đồng phục cũ cho các em, kết nối các nhóm từ thiện, các Mạnh Thường Quân, các sinh viên, thanh niên thuộc các câu lạc bộ, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập và giảng dạy các môn học khác như thể dục, vẽ, hát cho các em.

Đoàn đến thăm Văn miếu - Quốc Tử Giám.

Đoàn đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cũng lặng lẽ, âm thầm làm việc thiện trong 10 năm qua, các thành viên của Quỹ Bàn tay ấm đã cùng nhau thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa như: bữa ăn dinh dưỡng cho người già, trẻ em, người lao động; siêu thị 0 đồng; học bổng cho học sinh, sinh viên; làm giếng nước cộng đồng, trao sinh kế, xây cầu nông thôn… Hay dịp Tết Nguyên đán vừa qua, quỹ cũng chung tay nấu hơn 3.000 nồi thịt kho, làm bánh tét mang tặng những người không thể về quê ăn tết.

Trước đó, Đoàn cũng đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong hành trình, Đoàn dự kiến về thăm quê hương Bác Hồ tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất